Doanh nghiệp là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp BVMT
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Luật Bảo vệ môi trường xác định cộng đồng doanh nghiệp là nhân tố đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp BVMT. Do đó, Luật đã có nhiều quy định mới, thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các nội dung đã được quy định trong Luật. Việc thực hiện tốt công tác BVMT không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế và đảm bảo phát triển bền vững. Phát huy được vai trò của các doanh nghiệp trong công tác BVMT chính là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay.
Để Hội thảo đạt được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận góp ý những vấn đề chung có tính bao quát cũng như những vấn đề cụ thể được quy định trong từng chương, điều, khoản của Dự thảo Nghị định. Trong đó, tập trung thảo luận về những nội dung, quy định mới có tính tiên tiến, đột phá của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Những nội dung, quy định này đã định hình rõ nét trong Nghị định hay chưa, có đảm bảo hiệu quả, hiệu lực khi ban hành không?
Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu thảo luận và thống nhất những chủ trương quan trọng trên góc độ nhìn nhận của các doanh nghiệp để văn bản khi đưa ra tạo được sự đồng thuận cao; đảm bảo tính khoa học, đơn giản, rút ngắn các quy trình thủ tục nhưng vẫn gắn được trách nhiệm của cơ quan các cấp, đối tượng sử dụng và đảm bảo được mục tiêu bảo vệ môi trường; Góp ý kỹ hơn nữa đối với các nội dung thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp sẽ phải thực hiện sau khi Nghị định được ban hành và có hiệu lực đặt lợi ích chung của môi trường đất nước lên hàng đầu.
Công tác bảo vệ môi trường giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh. Ảnh: MH |
Tiếp tục hoàn thiện các quy định
Báo cáo về việc xây dựng Dự thảo Nghị định, ngoài việc thông tin về nội dung, quy định trong Dự thảo, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Môi trường cũng khẳng định, Dự thảo Nghị định bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và Luật Bảo vệ môi trường 2020 cùng các văn bản Luật khác có liên quan; thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác trong hệ thống pháp luật hiện hành; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời bảo đảm phù hợp với thực tế, tính hợp lý, nâng cao tính minh bạch, tính khả thi và chủ trương cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành. Kế thừa, phát triển những quy định còn phù hợp của pháp luật về BVMT hiện hành; bổ sung những quy định mới để khắc phục một cách cơ bản các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế của pháp luật về BVMT hiện hành…
Trước khi có bản Dự thảo này, Bộ TN&MT đã tổ chức làm việc với từng Bộ, ngành có liên quan để hoàn thiện các nội dung cũng như tham vấn các quy định có liên quan trong Dự thảo Nghị định. Bộ cũng đã tổ chức các cuộc họp Ban soạn thảo, tham vấn tổ chức, chuyên gia có liên quan. Bản Dự thảo Nghị định này đã được Bộ TN&MT gửi đăng lấy ý kiến rộng rãi của tổ chức, cá nhân trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ cũng như gửi lấy ý kiến chính thức của các Bộ, ngành và địa phương.
Thảo luận tại Hội thảo, hơn 10 ý kiến của các đại biểu đã tập trung vào nội dung thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào 1 Giấy phép môi trường; đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án. Lần đầu tiên chế định cụ thể về kiểm toán môi trường nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý môi trường của doanh nghiệp…
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, các ý kiến trao đổi trong hội thảo là những đóng góp quý báu giúp Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện các quy định của Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, bảo đảm sớm đưa các quy định của Luật đi vào cuộc sống, phù hợp với tâm tư nguyện vọng và lợi ích chính đáng của quần chúng nhân dân; đặc biệt phản ánh được ý kiến, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp, đảm bảo tính thực thi, tạo ra những đột phá về chính sách và hành lang pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các đại biểu tiếp tục gửi ý kiến bằng văn bản tới Ban soạn thảo, Tổ biên tập. Bộ TN&MT cam kết sẽ lắng nghe, cầu thị để nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý trong quá trình hoàn thiện, trình ban hành Dự thảo Nghị định. Đồng thời khẳng định, các ý kiến đóng góp của các đại biểu, hiệp hội doanh nghiệp, các nội dung đóng góp sẽ được Bộ chỉ đạo các đơn vị tiếp thu ý kiến và giải đáp cụ thể, những vấn đề còn thiếu, chưa phù hợp sẽ được bổ sung sửa đổi.
Dự thảo Nghị định gồm có 13 chương, 197 điều và các phụ lục.
Cụ thể:
Chương I. Những quy định chung (gồm 3 điều)
Chương II. Bảo vệ các thành phần môi trường (gồm 4 mục, 17 điều)
Chương III. Phân vùng môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường (gồm 6 điều)
Chương IV. Giấy phép môi trường, đăng ký môi trường (gồm 14 điều)
Chương V. Bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đô thị, nông thôn và một số lĩnh vực (gồm 5 mục, 25 điều)
Chương VI. Quản lý chất thải (gồm 4 mục, 21 điều)
Chương VII. Trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì thải bỏ của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu (gồm 3 mục, 4 điều)
Chương VIII. Quan trắc môi trường (gồm 3 mục, 19 điều)
Chương IX. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường (gồm 2 mục, 10 điều)
Chương X. Phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; bồi thường thiệt hại về môi trường (gồm 4 mục, 14 điều)
Chương XI. Công cụ kinh tế và nguồn lực bảo vệ môi trường (gồm 6 mục, 44 điều)
Chương XII. Quản lý Nhà nước, thanh tra, kiểm tra và dịch vụ công trực tuyến về bảo vệ môi trường (gồm 3 mục, 7 điều)
Chương XIII. Điều khoản thi hành (gồm 3 điều).