Đánh dấu bước phát triển mới
Ngày 25/3/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2008/NĐ-CP - Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT, Cục Đo đạc và Bản đồ được đổi tên thành Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, khẳng định vai trò quan trọng của Cục trong sự phát triển của ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam.
Ngày 4/4/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2017/NĐ-CP - Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam được đổi tên thành Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, đánh dấu một bước phát triển mới trong cuộc cách mạng thông tin địa lý và hội nhập quốc tế.
Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đón nhận phần thưởng cao quý của Nhà nước. Ảnh: Hoàng Minh |
Với đội ngũ những người làm công tác quản lý và triển khai hoạt động ban đầu khi mới tái lập năm 2002, chưa đến 200 người; đến nay đã phát triển lên gần 500 người với tỷ lệ cán bộ có trình độ từ đại học trở lên chiếm 80% (trong đó, có hơn 17% cán bộ có trình độ trên đại học).
Ở mọi vị trí công tác, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, những người làm công tác đo đạc và bản đồ thầm lặng có mặt khắp mọi miền đất nước, từ núi cao, rừng sâu, biên giới đến hải đảo xa xôi, kể cả nhiều nơi chưa từng có dấu chân người; miệt mài lao động, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hy sinh để đảm bảo cung cấp, đáp ứng mọi yêu cầu về thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Văn bản quy phạm pháp luật - Công cụ quản lý hữu hiệu
Với gần 90 văn bản quy phạm pháp luật được Cục chủ trì xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN&MT ký ban hành; trong đó, đặc biệt là Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành năm 2008, dự án Luật Đo đạc và Bản đồ đã trình Quốc hội xem xét; đây là giai đoạn có số lượng văn bản quy phạm pháp luật lớn nhất được ban hành. Các văn bản quy phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ đã bước đầu đáp ứng được công tác quản lý Nhà nước cũng như việc thực thi pháp luật về đo đạc và bản đồ. Việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật này đã mang lại những hiệu quả nhất định trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nhiều mục tiêu quan trọng khác. Trong thời gian tới, việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy phù hợp với sự phát triển của công nghệ trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ là nhiệm vụ rất quan trọng để đáp ứng yêu cầu nhu cầu của xã hội trong thời đại công nghiệp và cuộc cách mạng 4.0.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là công cụ giúp công tác quản lý Nhà nước của Cục được đầy đủ, thống nhất và hiệu quả từ Trung ương đến địa phương và giữa các Bộ, ngành, địa phương.
Nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang thăm gian hàng trưng bày bản đồ tại Lễ kỷ niệm ngành Đo đạc và Bản đồ. Ảnh: Hoàng Minh |
Triển khai thành công nhiều hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản
Hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản nhằm cung cấp các số liệu, cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia phục vụ triển khai công tác đo đạc và bản đồ trên toàn quốc; xây dựng, quản lý, vận hành công trình hạ tầng đo đạc; thành lập các sản phẩm đo đạc và bản đồ đáp ứng nhu cầu sử dụng chung cho các ngành, địa phương và cộng đồng.
Trong 15 năm qua, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã tổ chức thực hiện và hoàn thành nhiều công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ cơ bản quan trọng, cụ thể:
Hệ tọa độ quốc gia, hệ độ cao quốc gia, hệ trọng lực quốc gia và các mạng lưới đo đạc quốc gia: Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ quốc gia VN-2.000 sử dụng thống nhất trong cả nước; Hệ thống lưới các điểm tọa độ quốc gia cấp “0”, hạng I, hạng II và hạng III (lưới tọa độ địa chính cơ sở) với tổng số 14.234 điểm phủ trùm cả nước; Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống độ cao quốc gia hạng I, hạng II, hạng III với tổng số 6.929 điểm, trong đó, có 2.328 điểm độ cao hạng I, hạng II và 4.601 điểm độ cao hạng III; Hệ thống điểm trọng lực cơ sở, trọng lực vệ tinh, trọng lực chi tiết với tổng số 67.500 điểm; Hoàn thành và bàn giao cho các địa phương quản lý và khai thác sử dụng mạng lưới địa chính cơ sở bao gồm 13.836 điểm; Hệ thống gồm 6 Trạm định vị vệ tinh tại Cao Bằng, Hà Giang, Hải Phòng, Điện Biên, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, đang triển khai thực hiện dự án xây dựng hệ thống trạm định vị vệ tinh gồm 65 Trạm trên cả nước, kết nối với mạng lưới trên thế giới.
Hệ thống cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia: Hoàn thành việc chuyển đổi toàn bộ sản phẩm bản đồ địa hình ở các tỷ lệ 1:25.000, 1:50.000 từ Hệ tọa độ HN-72 sang Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ quốc gia VN-2.000 (946 mảnh tỷ lệ 1:25.000, 185 mảnh tỷ lệ 1:50.000); Công bố hoàn thành và đưa vào sử dụng bộ bản đồ địa hình quốc gia dạng số tỷ lệ 1:50.000 phủ trùm toàn quốc, với tổng số 671 mảnh (573 mảnh trên đất liền, 98 mảnh khu vực biên giới Việt - Trung, Việt - Lào); Hệ thống cơ sở dữ liệu nền địa hình quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:10.000 phủ trùm cả nước và tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 phủ kín các khu vực đô thị, khu vực kinh tế trọng điểm; cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:10.000; Xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin địa hình - thủy văn cơ bản phục vụ phòng chống lũ lụt và phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Hệ thống bản đồ địa hình đáy biển ở tỷ lệ 1:50.000 và 1:10.000 một số vùng biển có nhu cầu phát triển kinh tế; tỷ lệ 1:25.000 các cửa sông, vịnh và một số đảo; tỷ lệ 1:100.000 dọc ven biển, 1:200.000 khu vực Trường Sa; hải đồ tỷ lệ 1:300.000, 1:400.000, 1:500.000, 1:1.000.000 khu vực Biển Đông và vùng biển lân cận; Hệ thống không ảnh ở nhiều tỷ lệ khác nhau phủ trùm cả nước; Đo đạc, thành lập bản đồ địa hình phục vụ phân định biên giới Việt - Trung; phân định biên giới trên biển với các quốc gia liên quan và công tác phân giới cắm mốc biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia; đo đạc, thành lập bản đồ địa hình phục vụ phân định và giải quyết tranh chấp địa giới hành chính, lập hồ sơ địa giới hành chính các cấp; chuẩn hóa địa danh, xây dựng và ban hành hệ thống thông tin địa danh Quốc tế và Việt Nam phục vụ công tác thành lập bản đồ; chuẩn hóa danh mục các đối tượng địa lý trên biển.
Các sản phẩm đo đạc và bản đồ đã góp phần quan trọng trong điều tra cơ bản, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; quản lý và quy hoạch lãnh thổ; giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường; dự báo thiên tai, ứng phó với biển đổi khí hậu; đảm bảo quốc phòng, an ninh; nâng cao dân trí.
Các kết quả đo đạc và bản đồ là nguồn tư liệu quan trọng trong điều tra cơ bản, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; quản lý và quy hoạch lãnh thổ; giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo quốc phòng, an ninh; nâng cao dân trí. Các kết quả đo đạc và bản đồ là dữ liệu cơ bản giúp cho ngành TN&MT triển khai các dự án quan trọng của Bộ TN&MT và các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước, đóng góp vào việc phát triển “kinh tế xanh”.
Các hoạt động đo đạc và bản đồ biên giới đã phục vụ đắc lực cho việc phân định ranh giới quốc gia trên đất liền, trên biển với các nước láng giềng, góp phần giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và ổn định chính trị trong khu vực.
Công tác biên giới và địa giới góp phần khẳng định chủ quyền
Trong 15 năm qua, công tác biên giới và địa giới của Cục đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, đóng góp to lớn vào sự ổn định chính trị giữa Việt Nam với các nước láng giềng, khẳng định chủ quyền của đất nước.
Tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc: Sau 9 năm tổ chức triển khai công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa, đã phân giới được 1.449,56 km đường biên giới từ ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc (đỉnh núi Khoan La San) đến giới điểm 62 của đường phân định lãnh hải trong Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc (trong đó, có 1.065,62 km đường biên giới trên đất liền, 383,91 km đường biên giới theo sông suối); đã cắm được 1.970 cột mốc, bao gồm 1.627 cột mốc đơn, 232 cột mốc đôi và 111 cột mốc ba. Thành lập bộ bản đồ đường biên giới giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở tỷ lệ 1:50.000 với tổng số 35 mảnh
Tuyến biên giới Việt Nam - Lào: Thực hiện chỉ đạo của hai Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Lào về tổ chức thực hiện “Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào”. Sau 7 năm thực hiện, đến nay đã hoàn thành việc xác định vị trí, cắm mốc và hoàn thiện hồ sơ 1.002 cột mốc và cọc dấu biên giới trên toàn tuyến. Thành lập bộ bản đồ đường biên giới giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tỷ lệ 1:50.000 với tổng số 63 mảnh.
Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia: Thực hiện Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia ký ngày 27/12/1985 và Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới 1985, ký ngày 10/10/2005, Cục đã phối hợp với Ủy ban Biên giới Quốc gia và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng phương án phân giới, cắm mốc. Hai bên đang tiến hành phân giới, cắm mốc trên thực địa, đến nay, đã phân giới được 929/1.137 km đường biên giới trên thực địa đạt khoảng 84%; xây dựng được 312/371 cột mốc chính. Theo thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, hai bên đang phấn đấu hoàn thành công tác xác định vị trí và xây dựng 1.737 mốc phụ, cọc dấu trong năm 2017 để tiến tới xây dựng một văn bản pháp lý về đường biên giới giữa hai nước Việt Nam và Campuchia để thống nhất quản lý biên giới lãnh thổ.
Biên giới trên biển: Cục đã phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện khảo sát đo đạc thành lập bản đồ xác định tọa độ điểm cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ, khảo sát chung khu vực vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ Việt Nam - Trung Quốc phục vụ cho phân định ranh giới thềm lục địa và hợp tác cùng phát triển khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ, triển khai xây dựng các điểm mốc cơ sở theo đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải trên các vùng biển Việt Nam.
Địa giới hành chính: Từ năm 2012 đến nay, Cục đã phối hợp với Bộ Nội vụ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện Dự án “Hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa giới hành chính các cấp” theo Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 2/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến, Dự án sẽ hoàn thành vào năm 2019.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế
Khoa học đo đạc và bản đồ gắn liền với công tác nghiên cứu về Trái đất và có quan hệ mật thiết với khoa học và công nghệ; do đó, Cục luôn chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học, gắn liền giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Từ 2002 đến nay, Cục đã triển khai thực hiện 50 đề tài nghiên cứu khoa học, dự án sản xuất thử nghiệm (trong đó có 25 đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ). Các nội dung nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, hiện đại nhằm năng cao độ chính xác dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu độ cao và nâng cao hiệu quả sử dụng dữ liệu để áp dụng vào công tác thu nhận, xử lý và khai thác dữ liệu đo đạc và bản đồ chiếm phần lớn trong các nghiên cứu, góp phần nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả sản phẩm của ngành.
Hội nhập quốc tế về đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý luôn được lãnh đạo Cục quan tâm và ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về phương diện song phương và đa phương. Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã tham gia vào hoạt động của Nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc về địa danh (UNGEGN), Nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc về quản lý không gian địa lý toàn cầu (UNGGIM), Liên đoàn các nhà đo đạc thế giới (FIG)... Đồng thời, tham gia các tổ chức của khu vực ASEAN. Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện Thỏa thuận khung thừa nhận lẫn nhau về trình độ đo đạc giữa các nước ASEAN.
Quan hệ hợp tác về đo đạc và bản đồ với các quốc gia cũng luôn được duy trì ngày càng mở rộng, phát triển. Sự hợp tác với các quốc gia hoặc các cơ quan đo đạc và bản đồ của Nauy, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Ba Lan, Hungary, Pháp, Trung Quốc, Malaixia, Lào, Campuchia… đã tạo điều kiện cho các bên giúp đỡ nhau trong đào tạo nhân lực, học hỏi kinh nghiệm, phối hợp thực hiện nhiệm vụ chung của quốc gia và quốc tế.
Định hướng phát triển
Để hoàn thành trách nhiệm nặng nề của Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin Việt Nam trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ TN&MT đã chỉ đạo Cục cần tập trung giải quyết các vấn đề cụ thể sau:
Thứ nhất, do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ còn chưa đầy đủ, dẫn đến tình trạng quản lý chưa thống nhất, đồng bộ giữa các cấp, các ngành. Một số nội dung của Nghị định về hoạt động đo đạc và bản đồ không còn phù hợp với công tác quản lý hiện nay, chưa phù hợp với điều kiện thực tế về công nghệ và chủ trương xã hội hóa của ngành. Còn có sự bất cập ngay trong hệ thống văn bản giữa các đơn vị trực thuộc Bộ về những nội dung liên quan đến công tác đo đạc và bản đồ, cần tổ chức và hoàn thiện dự án Luật Đo đạc và Bản đồ có chất lượng để trình Quốc hội thông qua trong thời gian sớm nhất, đồng thời, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, đồng bộ, làm căn cứ đổi mới hoạt động đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý trong tình hình mới.
Thứ hai, phối hợp với các đơn vị có liên quan để rà soát lại Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2008; đánh giá đúng mức những nội dung, chương trình trong Chiến lược để chỉnh sửa, bổ sung kịp thời. Chiến lược cần xem xét đến những chương trình, nhiệm vụ do Bộ đang và sẽ thực hiện nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong việc đầu tư triển khai các dự án của Ngành theo từng khu vực, có sự liên kết, phối hợp với các lĩnh vực trong Bộ và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan. Đồng thời cần tính đến sự phối hợp với các quốc gia trong khu vực để thực hiện các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc. Cần chú trọng đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của đất nước trong bối cảnh hiện nay.
Thứ ba, phải củng cố và xây dựng nguồn nhân lực đo đạc và bản đồ đủ về số lượng, mạnh về chất lượng để đảm bảo tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành; cần có kế hoạch cụ thể trong xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ để tham mưu, định hướng, tổ chức, làm ”tổng công trình sư”các nhiệm vụ lớn của Ngành và tham gia các chương trình, dự án hợp tác quốc tế. Đồng thời, tăng cường công tác hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực, kiến thức khoa học công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ đo đạc và bản đồ của khu vực và thế giới.
Đi đôi với công tác phát triển nguồn nhân lực cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất của công tác xây dựng và khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ vào các mục đích của xã hội; đặc biệt, phục vụ tốt cho các nhiệm vụ của Bộ TN&MT.
Thứ tư, chú trọng đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thu nhận và xử lý thông tin và sử dụng sản phẩm của ngành đo đạc và bản đồ; hiện đại hóa công nghệ; đẩy mạnh việc xã hội hóa, tạo nguồn lực đầu tư, phát triển của xã hội và các nguồn lực hỗ trợ của nước ngoài.
Thứ năm, cần tăng cường nâng cao bản lĩnh chính trị và chuyên môn, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ làm công tác biên giới và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ; phải giữ vững lập trường trong đấu tranh, đàm phán các vấn đề về biên giới, chủ quyền đất nước trên cơ sở hiểu biết sâu sắc về lịch sử, chuyên môn và đường lối, quan điểm của Đảng. Việc tham gia vào các tổ chức khu vực và quốc tế là hết sức cần thiết nhằm tạo mối quan hệ, đóng góp vào sự phát triển chung của thế giới, tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền của Việt Nam, kịp thời phát hiện và đấu tranh với những biểu hiện sai trái, áp đặt của các thế lực thù địch trên thế giới.
Cục cần phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương có liên quan để đảm bảo công tác kỹ thuật phục vụ công tác đàm phán, giúp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia; chuẩn bị các điều kiện nhân lực, kỹ thuật phục vụ triển khai công tác phân định ranh giới trên biển khu vực Vịnh Thái Lan, phân định ranh giới trên biển với các quốc gia trong khu vực, góp phần ổn định tình hình chính trị và tăng cường hợp tác phát triển trong khu vực.
Lãnh đạo Bộ đã yêu cầu Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Cục Bản đồ (Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc phòng) xây dựng, sử dụng cơ sở dữ liệu, bản đồ địa hình phục vụ quốc phòng cho các mục đích dân sự, tránh đầu tư chồng chéo, tạo hành lang pháp lý về xã hội hóa công tác đo đạc và bản đồ để điều hành, quản lý tốt công tác này trong một hệ thống thống nhất. Một trong những việc cấp bách phải làm ngay là Cục phải nhanh chóng hoàn thiện, cập nhật cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý vì đây là cơ sở dữ liệu nền tảng để xây dựng cơ sở dữ liệu địa lý chuyên ngành và cơ sở dữ liệu khác trong tất cả các ngành, địa phương.
Đánh giá và ghi nhận các thành tích Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã đạt được trong sự nghiệp phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam nói chung, của Bộ TN&MT nói riêng, Đảng và Nhà nước, Bộ TN&MT đã trao tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý cho các tập thể và cá nhân như: Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Nhìn lại chặng đường 15 năm qua, có thể tin tưởng rằng: với truyền thống cần cù, năng động, sáng tạo trong công việc và sự đoàn kết, nhất trí của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong suốt gần 60 năm qua, đặc biệt là từ 2002 đến nay, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam sẽ luôn phát huy những thành tích vẻ vang của mình, tiếp tục nỗ lực phấn đấu xây dựng đội ngũ những người làm công tác đo đạc và bản đồ không ngừng phát triển lớn mạnh, tiếp tục đạt được nhiều thành tích to lớn hơn nữa, góp phần xứng đáng vào sự phát triển của Bộ TN&MT và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
TS. Phan Đức Hiếu
Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam