Đã thu khoảng 1.500 tỷ đồng hỗ trợ thu gom và xử lý chất thải
(TN&MT) - Sau gần 3 năm thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải (EPR), các nhà sản xuất, nhập khẩu thuộc đối tượng phải thực hiện nghĩa vụ đã nộp khoảng 1.500 tỷ đồng để hỗ trợ thu gom và xử lý chất thải.
Sử dụng công khai, đúng mục đích khoản đóng góp
Thông tin cụ thể về vấn đề này, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Giám đốc Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia cho biết, theo quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) tại Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 08/2022/NĐ-CP, nhà sản xuất, nhập khẩu phải góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải từ 1/1/2022.
Đối tượng phải đóng góp tài chính thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu một số loại sản phẩm, bao bì như: Bao bì thuốc bảo vệ thực vật; Pin dùng một lần các loại; Tã lót, bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần; Kẹo cao su; Thuốc lá; Các sản phẩm khác có thành phần nhựa tổng hợp.
Cũng theo ông Phan Tuấn Hùng, tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải không phải là thuế, phí môi trường. Bởi, thuế và phí môi trường là khoản thu ngân sách nhà nước, sử dụng cho các mục đích khác nhau và được điều chỉnh bởi pháp luật về thuế, phí. Tiền đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu hỗ trợ xử lý chất thải là khoản kinh phí ngoài ngân sách nhà nước, chỉ được sử dụng cho các hoạt động hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải (không sử dụng cho mục đích khác ngoài các hoạt động hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải).
Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, số tiền đóng góp của các doanh nghiệp vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam khoảng 1.500 tỷ, số tiền này đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Tài chính lên phương án quản lý, sử dụng công khai.
Việc tiếp nhận, sử dụng tiền đóng góp tài chính để hỗ trợ xử lý chất thải là công khai, minh bạch, đúng mục đích. Trong đó, các hoạt động xử lý chất thải được hỗ trợ bao gồm: Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; Nghiên cứu, phát triển công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật.
Theo Dự thảo Quy chế quản lý, sử dụng tiền đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu để hỗ trợ xử lý chất thải, có 2 đối tượng sẽ được nhận hỗ trợ kinh phí để xử lý chất thải rắn sinh hoạt và bao bì thuốc bảo vệ thực vật là chính quyền địa phương có các dự án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao bì thuốc bảo vệ thực vật và doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Xử phạt hành vi đóng góp tài chính không đúng, đủ
Theo Điều 33 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, nhà sản xuất, nhập khẩu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm xử lý chất thải theo quy định của pháp luật sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo từng hành vi vi phạm cụ thể, với mức phạt tiền lên tới 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.
Ngoài bị xử phạt tiền theo quy định, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc công khai thông tin về sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu theo quy định; Buộc gửi bản kê khai số tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải theo quy định; Buộc nộp số tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải còn thiếu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.
Để đảm bảo thực thi nghiêm túc quy định trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu; đồng thời bảo đảm công bằng giữa các nhà sản xuất, nhập khẩu.