Xã hội

Bản Hòa Âm Rừng Tre Ban MaiKỳ 1: Vành đai tre đa dụng

Nhà văn Nguyễn Hiệp 02/01/2025 - 12:04

(TN&MT) - Nắng rẽ quạt xuyên qua các tán lá xanh, vừa ban mai đã lung linh một cảnh tượng mê hoặc lòng người. Tôi dừng xe trước cổng Hợp tác xã Măng tre tứ quý Tân Phước, ngất ngây ngắm nhìn, lắng nghe và cảm nhận.

Từ xa xưa, trong đời sống, trong tâm hồn người Việt đã có hình ảnh cây tre. Thực tế, tre đã hiện diện trên khắp các nẻo đường, phủ xanh và chống xói lở từ con đường quê đến bờ sông, bờ suối và những hàng rào ven phố. Ngay trong tâm thức của tôi, người thuộc thế hệ 6x, tre không chỉ gắn với bao ký ức thân thương, gắn với bao niềm tự hào về cốt cách, về tâm thế sống của cha anh qua biểu tượng cây tre mà tre còn làm nên những vật dụng quen thuộc hàng ngày không thể thiếu. Vậy nên khi đứng trước 25 mẫu tre xanh tốt, bạt ngàn của Hợp tác xã măng tre tứ quý Tân Phước, ở thôn Thanh Linh, xã Tân Phước, thị xã La Gi, Bình Thuận, lòng tôi tràn ngập một cảm giác yên bình, lắng dịu. Tiếng rì rào trong lớp lớp tầng tầng lá tre xanh hòa với muôn ngàn tiếng chim hót véo von, ríu rít tạo nên những khúc hòa âm, những khúc ru nối từ bao hoài niệm xa xưa đến buổi trưa yên ả hiện tại.

tac-gia-voi-vuon-tre.jpg
Tác giả với vườn tre

“Cây tre thanh thanh/ Lá cành xanh xanh/ Đu đưa theo gió/ Trông thật hiền lành”… Tôi đang chìm đắm trong tiếng vang ngân từ một bài học của thời tiểu học xa xưa thì Sơn Núi, Chủ nhiệm Hợp tác xã, chạy xe honda ra tận nơi chào hỏi niềm nở, thân tình. (Sơn Núi là tên người dân quanh đây gọi thân mật, tên thật của anh là Lê Thanh Sơn, sinh năm 1971, là dân gốc gác ở địa phương này).

Sơn Núi mời tôi vào trại uống trà. Cầm ly trà trên tay một lúc rồi mà Sơn chưa uống hớp nào, anh say sưa nói về “ý thức xanh”, về ước mơ của anh, một công dân yêu quê hương mình hết lòng. Sơn Núi thuộc týp người đam mê nên giọng nói anh cũng biểu lộ sự nhiệt huyết mạnh mẽ:

…“Tôi đứng nhìn khu đồi trọc đầy rác rến mà lòng buồn rười rượi. Thị xã La Gi mình đâu phải hẹp, gần hai mươi ngàn mẫu đất, mà dân cứ dồn cứng trong nội thị. Những vành đai xanh thay thế những khu đồi trọc như này rất cần để giữ ổn định môi trường sống, không chỉ cây tre có nhiều tầng lá nên thanh lọc không khí tốt nhất, (tre hấp thụ carbon dioxide và thải ra lượng oxy nhiều hơn 35% so với các loại cây khác), mà rễ ngầm của tre trải rộng, đan bện, liên kết trong đất còn chống xói lở, tạo sự ổn định của đất không gì bằng. Ngoài ra vườn tre còn là cái máy điều hòa không khí tự nhiên khổng lồ… Tôi chỉ là một công dân thôi nhưng tôi nghĩ những khu đất như này trở thành vành đai xanh cho thị xã sắp lên thành phố này thì quá tuyệt… Ý nghĩ đã “chín” trong đầu và tôi quyết tâm thực hiện bằng được. Một kế hoạch lấy ngắn nuôi dài nóng rực trong đầu tôi vào thời điểm đó.”

son-nui-le-thanh-son-chu-nhiem-htx-mang-tre-tu-quy-tan-phuoc.jpg
Sơn Núi (Lê Thanh Sơn) chủ nhiệm HTX Măng tre tứ quý Tân Phước

Khu đồi trọc Tân Phước được kết cấu bởi đa phần là loại cát vôi, đất bạc màu, nhiễm phèn nặng nên qua bao nhiêu năm tháng, người nông dân ở đây vẫn chưa tìm được giống cây trồng nào phù hợp. “Khi tôi mua lại mấy mẫu đất rẫy đầu tiên, dấu vết của những cây mì cùn cằn không lá, không củ vẫn đó đây loe ngoe, còn lại là đất trống, không cây cối nào bám rễ nổi giữa lớp lớp cát vôi nóng rực này”, Sơn Núi cho biết thế.

Trải qua giai đoạn ngắn âm thầm tìm hiểu tại các nhà vườn ở Đồng Nai, Bình Thuận và đã ươm trồng thử nghiệm ngay trên vùng đất mới mua được, anh Sơn Núi quyết định chọn giống tre tứ quý. “Không chỉ phát triển nhanh, chịu hạn, phù hợp thổ nhưỡng mà cây tre tứ quý còn cho măng quanh năm, nhất là vụ măng Tết Nguyên đán, nguồn thu nhập từ măng tươi và măng khô bán Tết sẽ là yếu tố quan trọng cho kế hoạch lấy ngắn nuôi dài của mình”, Chủ nhiệm Hợp tác xã Măng tre tứ quý Tân Phước chia sẻ.

Sau khi vay ngân hàng mua thêm, cộng với đất rẫy của cha để lại cũng được diện tích đất kha khá, khoảng hơn 5 mẫu, anh Sơn cày xới và tiến hành bơm ngập nước trong hai ngày hai đêm cho sùng, dế nhũi và côn trùng trồi hết lên mặt mới phun thuốc diệt các loại ấu trùng có hại, (phương pháp này giúp giảm thiểu việc dùng thuốc). Sơn Núi xuống giống tre rất thưa, 7 x 7m/ 1 bụi (khoảng 200 bụi/ ha) cũng là một sự khác biệt với các nhà vườn khác trước nay (5 x 5 m).

khoang-cach-7-x-7-m.jpg
Khoảng cách 7 x 7 m

Cách xử lý đất và cách trồng của anh không giống ai và cả chuyện trồng tre phiêu phỏng nữa nên lúc này những người chung quanh đều cho rằng anh bị khùng. Trong thời điểm đó, đa phần nông dân Bình Thuận đều đầu tư vào cây thanh long, loại cây trái xuất khẩu có giá trị cao nên người ta bàn ra việc làm của anh cũng dễ hiểu. Ngay cả những người trong gia đình cũng nhìn anh với ánh mắt ái ngại, mãi sau này mới ủng hộ việc làm của anh. Bỏ ngoài tai mọi lời bàn ra tán vào, cố gắng giải thích, tìm sự đồng tình của người nhà, anh Sơn miệt mài ngày đêm trên khu đồi trơ trọi như để chứng minh cho quyết tâm của mình.

Nhờ tính toán, chăm sóc kỹ nên tre phát triển nhanh, đến năm thứ ba, một góc đồi Tân Phước đã xanh mát mắt. Thời gian này anh rất cực nhọc, suốt ngày phơi người trong nắng gió nên đen trùi trũi. Đã vậy sáng nào cũng dậy sớm chở măng đi bán cho các sạp hàng ngoài chợ La Gi và các vùng lân cận, (Mỗi bụi măng cho khoảng 300 kg/ năm, giá thấp nhất cũng được 15.000 đồng/ kg). “Hết ngày chớ không hết việc!”, anh Sơn nhớ lại một giai đoạn “khó khổ trần ai”. Khi đã ổn bước đầu, anh Sơn tiến hành bước tiếp theo là thực hiện mô hình trồng trọt, chăn nuôi khép kín. Vợ chồng anh Sơn Núi dành dụm tiền bán măng, lại phải vay ngân hàng nông nghiệp mua thêm những khu rẫy giáp ranh, trồng thêm tre, thêm dừa xiêm, mở trang trại nuôi heo rừng lai, dúi, nhím, dê, cừu…, những con vật ăn lá tre, vỏ măng tre và các phụ phẩm từ cây tre. Đồng thời, anh làm thêm chuồng trại nuôi công, trĩ, gà Tây, gà ta, vịt xiêm, vịt bầu… để “giải quyết” côn trùng phá hoại dưới mặt đất. Thấy khu đồi đã xanh lên, chim chóc bắt đầu kéo nhau về làm tổ, anh nghĩ ngay ra việc dùng chim ăn sâu bọ thay gì phải phun thuốc. Anh mua nhiều loa phát tiếng chim gọi nhau gắn khắp nơi, chẳng mấy chốc mà khu vườn tre của Sơn Núi đã thành một vườn chim suốt ngày ríu ran như một dàn nhạc với đủ các cung bậc âm thanh của chim chóc quạch, chào mào, chim sẻ, sáo sậu, cu đất, nhiều hơn cả là các loại chim sâu đủ màu sắc. Ấn tượng có thể thấy được là chim dòng dọc làm tổ lủng lẳng khắp nơi trông rất đẹp mắt.

son-nui-va-bay-cuu.jpg
Sơn Núi và bầy cừu

Tôi, người viết bài ký này, cứ mắt tròn mắt dẹt nhìn anh gắn những chiếc loa nhỏ lên thắt lưng, bật phát và từ từ chạy xe luồn trong vườn tre, anh đi đến đâu là phía sau, cả dưới đất, cả trên các tầng lá tre long lanh nắng, hàng đàn gà vịt chim công bám đuôi. Anh và đoàn “đồ đệ” của mình đến đâu vườn tre sạch sẽ đến đó, tất cả tạo nên một cảnh quan ban mai lạ lùng, một không khí rộn ràng vui nhộn chưa từng thấy.

doi-quan-ga-tay.jpg
Đội quân gà tây

“Làm trang trại khép kín vui lắm! Con người mình đã hòa với thiên nhiên từ lúc nào không hay!” Khi “chuyến xe vệ sinh rừng tre” của anh giáp vòng, anh cười tươi với tôi và nói như thế. Tôi tin, làm trang trại tre vui thật, tôi đã tận mắt thấy, tận tai nghe mà, cho đến giờ này, bản hòa âm của rừng tre ban mai ấy vẫn còn vang vọng trong tâm hồn tôi. Phải thật sự thừa nhận một điều: Phương pháp tự nhiên- khép kín của Sơn Núi rất hiệu quả nên nó đã nhanh chóng “lột xác” khu đồi trọc khô khốc, rác rến, hóa thân thành một rừng tre xanh hiền hòa, gần gũi, mát lành như ngày nay.

Kỳ 2: Lan tỏa ý thức xanh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bản Hòa Âm Rừng Tre Ban Mai Kỳ 1: Vành đai tre đa dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO