Xã hội

Đường lớn đã mở!

Báo TN&MT 01/01/2025 07:37

(TN&MT) - 2025 đã tới với bao hứa hẹn. Con tàu Việt Nam đang băng băng trên cung đường mùa xuân để vươn tới những đỉnh cao mới, thành tựu mới! Trên chuyến tàu mùa xuân ấy, ngành tài nguyên và môi trường cũng vừa tạm biệt một năm 2024 bộn bề khó khăn nhưng tràn đầy quyết tâm, nỗ lực, gặt hái thành công, tạo nền tảng, điểm tựa vững vàng để vươn mình cùng đất nước.

Dấu ấn đậm nét 2024

Khép lại một năm 2024 sôi động với bao sự kiện đáng nhớ của ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT)!

Dưới ánh sáng của “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, Bộ TN&MT xác định, nhiệm vụ then chốt của năm 2024 là thực hiện Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội về “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024”. Cùng với đó là tập trung triển khai thực hiện tốt nội dung các Nghị quyết và chỉ đạo điều hành của Chính phủ, trong đó tập trung cao độ xây dựng và triển khai thực hiện các Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024. Toàn Ngành đặt trọng tâm vào đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; tổ chức lập và triển khai thực hiện các quy hoạch; tiếp tục đề xuất các giải pháp, khơi thông các điểm nghẽn nhằm quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, phục vụ trực tiếp cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

small_hoi-nghi-tk-nam-2025_0_3.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tới dự Hội nghị Tổng kết ngành TN&MT năm 2024. Ảnh: Khương Trung

Đặc biệt, trước yêu cầu đặt ra về phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, Đề án “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” được Bộ Chính trị thông qua là cơ sở chính trị quan trọng, là định hướng cho sự phát triển của Ngành trong giai đoạn mới. Các kiến nghị, đề xuất một số định hướng, quan điểm về TN&MT đã được Trung ương thống nhất quan điểm chỉ đạo “đẩy mạnh toàn diện đồng bộ công cuộc đổi mới lên một tầm cao mới, trong đó: Phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường là trung tâm…”.

Tất cả đã tạo đà cho ngành TN&MT, Bộ TN&MT từng bước nỗ lực, quyết liệt trong giải quyết công việc, bảo đảm các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ, của Ngành được nhịp nhàng, thông suốt, đặc biệt trong bối cảnh Bộ có sự thay đổi, chuyển giao lãnh đạo. Nhiều kết quả quan trọng đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận và Nhân dân đánh giá cao.

Năm 2024, ngành TN&MT đã ghi nhiều dấu ấn đậm nét trong công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về TN&MT. Bộ TN&MT đã hoàn thành việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành 3 Luật, 2 Nghị quyết của Quốc hội, 9 Nghị định và 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; ban hành theo thẩm quyền 36 Thông tư. Qua đó, đảm bảo thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý và thực tiễn phát triển của đất nước. Việc tổ chức thực thi chính sách, pháp luật được toàn Ngành triển khai thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

qhkg-bien.-khu-vuc-lan-bien-tao-nen-do-thi-sam-uat-tai-tp.rach-gia.png
Quy hoạch không gian biển tại TP.Rạch Giá, Kiên Giang

Cũng trong năm 2024, hệ thống các quy hoạch ngành quốc gia được xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện. Trong đó bao gồm đầy đủ 8/8 quy hoạch cấp quốc gia, 10/15 quy hoạch có tính chất chuyên ngành, kỹ thuật. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để phân bổ, bố trí, sử dụng hợp lý không gian và nguồn lực cho phát triển các ngành, lĩnh vực, các vùng kinh tế - xã hội, các địa phương và cả nước.

Toàn ngành đã thực hiện đầy đủ, nghiêm túc công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, tiếp tục đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước và tạo nền tảng thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện và có nhiều chuyển biến tích cực. Các giải pháp về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế các - bon thấp cũng đã đạt được kết quả bước đầu.

Công tác dự báo khí tượng, thủy văn, dự báo, cảnh báo thiên tai luôn chủ động "đi sớm, đi trước". Chất lượng dự báo ngày càng được nâng lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành triển khai các biện pháp phòng, chống; góp phần giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản. Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi số cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, thông tin, truyền thông ngày càng đổi mới, thiết thực, hiệu quả, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước của ngành...

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành TN&MT, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy chia sẻ, Lãnh đạo Bộ luôn ý thức, Bộ TN&MT là cơ quan tham mưu, giúp Chính phủ quản lý các nguồn lực quan trọng của quốc gia, phục vụ trực tiếp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Với khối lượng công việc và yêu cầu quản lý nhà nước đặt ra đối với Bộ, cũng như toàn ngành TN&MT là rất lớn, đặc biệt, năm 2024 là năm tăng tốc để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho cả nhiệm kỳ 5 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết của Quốc hội, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tuy nhiên, đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động đã chung sức đồng lòng vượt qua mọi khó khăn thách thức, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

Cũng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành TN&MT, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành TN&MT đã đạt được trong năm 2024 và thời gian qua. Đặc biệt là những đóng góp quan trọng vào nội dung hoàn thiện, sửa đổi các Luật như Luật Đất đai 2024, Luật Tài nguyên nước 2023, Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 và ban hành hệ thống văn bản dưới luật...

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định: Công tác xây dựng luật và văn bản dưới luật đã phát huy sự tham gia dân chủ, khách quan, khoa học, điển hình là Luật Đất đai và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành, qua đó góp phần thay đổi tư duy xây dựng pháp luật, mở ra hướng giải quyết nhiều vướng mắc, tồn đọng, “Mở ra không gian đổi mới, sáng tạo cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân; tạo nguồn lực, động lực, tư duy mới trong công tác quản lý”. Sự ghi nhận của Phó Thủ tướng là niềm vui, niềm tự hào, là động lực để mỗi cán bộ, viên chức, người lao động ngành TN&MT càng ý thức hơn vai trò, vị trí quan trọng, nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, vững tin bước vào kỷ nguyên mới, khẩn trương bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu, tuần đầu, tháng đầu của năm 2025.

Tự tin bước vào 2025

2025 là năm có nhiều sự kiện kỷ niệm quan trọng của đất nước, cũng là năm Đảng ta thực hiện cuộc cách mạng tinh giản bộ máy để tạo ra những hướng đi mũi nhọn, đưa con tàu đất nước thênh thênh nhẹ bước vào kỷ nguyên vươn mình.

Trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, chúng ta vừa phải “tăng tốc, bứt phá”, tập trung phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ 2021 - 2025; vừa thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phát huy những thành quả của năm 2024, ngành TN&MT quyết tâm hoàn thành toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trên tinh thần quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội. Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, hiện thực hóa thành các mục tiêu tổng quát.

Ngành TN&MT đã xác định, nhiệm vụ trước mắt, rất quan trọng, đó là hiện thực hóa Nghị quyết 18 và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về tinh giản bộ máy, toàn ngành đặt quyết tâm khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đi đôi với kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ theo định hướng, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW; bảo đảm bộ máy sau sắp xếp phải thực sự tinh gọn, hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.

Cùng với đó là tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về TN&MT; trọng tâm là ban hành các văn bản hướng dẫn và tổ chức thi hành đồng bộ các luật: Đất đai, Tài nguyên nước, Địa chất và Khoáng sản. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên, Môi trường Biển và Hải đảo, Luật Đa dạng sinh học; bổ sung thể chế, chính sách để kiến tạo phát triển theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp để hướng tới mục tiêu Net Zero

Đi đôi với kiện toàn bộ máy là cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, kết hợp với tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lãng phí. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách để khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực tài nguyên phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

qhkg-bien.-ban-dao-nghi-son-tinh-thanh-hoa_nguon-nhiepanhdoisong.vn.png
Bán đảo Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên số, ngành cũng đặt quyết tâm tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển tài nguyên số. Trọng tâm là xây dựng, số hóa dữ liệu thông tin đất đai; hoàn thiện và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đó là quán triệt sâu sắc quan điểm: Phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường là trung tâm; xác định môi trường là 1 trong 3 trụ cột của phát triển bền vững Kinh tế - Xã hội - Môi trường. Trên cơ sở đó, tiếp tục tổ chức thực thi hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường; thu hút đa dạng các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, xử lý và tái chế chất thải theo công nghệ hiện đại. Tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại. Tạo bước đột phá về tư duy và hành động để cải thiện môi trường các khu, cụm công nghiệp lưu vực sông, làng nghề, đô thị. Triển khai nghiêm túc kế hoạch giám sát tối cao của Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường từ khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành đến nay.

Ngành cũng đồng thời đẩy mạnh triển khai kế hoạch hành động thực hiện Cam kết chính trị hỗ trợ chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP); triển khai các mô hình thích ứng, tăng cường sức chống chịu, giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu. Tiếp tục hiện đại hóa mạng lưới khí tượng thủy văn, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội.

Và, một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đó là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý nhà nước về TN&MT. Làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong từng tổ chức Đảng đối với các nhiệm vụ về sắp xếp tổ chức bộ máy và triển khai các nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị. Qua đó, tạo sự đồng thuận, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV Đảng bộ Bộ TN&MT, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Đường lớn đã mở…

Bước vào hành trình 2025, Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT sẽ hòa chung thành một cơ thể cường tráng hơn với rất nhiều nhiệm vụ nhân lên. Mặc dù thực hiện nhiệm vụ sáp nhập, tinh gọn bộ máy trong điều kiện hết sức khẩn trương nhưng chúng ta đồng thời phải phấn đấu hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ tốt hơn, đầy đủ hơn, toàn diện hơn, không bỏ sót bất cứ chức năng, nhiệm vụ nào, cũng như không để trùng chéo chức năng, nhiệm vụ.

Công tác sáp nhập sẽ hạn chế tối đa "giao thoa"; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát, kiểm tra; nâng cao năng lực thực thi. Đồng thời, bỏ khâu trung gian, tránh phiền hà, sách nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch.

Cùng với đó là đẩy mạnh chuyển đổi số để giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp; tinh gọn bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảm bảo bộ máy sau khi sắp xếp thật sự tinh, gọn, mạnh, hoạt động thông suốt hơn, hiệu lực hơn, hiệu quả hơn.

Về điều này, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành TN&MT, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng đã khẳng định: Trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới, việc hợp nhất hai Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT "sẽ thành một mô hình phát triển - mô hình đáng tự hào". Kỳ vọng về một sự thay đổi tư duy quản lý, giải quyết được bài toán kinh tế, xã hội và môi trường hài hòa, môi trường phải là nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước...

Năm 2025 sẽ là năm chúng ta bắt tay ngay vào xây dựng bộ máy quản lý nhà nước "tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả", đặt nền móng vững chắc để cùng tất cả các bộ, ngành, địa phương tự tin bước vào kỷ nguyên mới của đất nước, một kỷ nguyên ở tầm cao phát triển mới mà 2025 vừa là năm “gối” kết thúc một giai đoạn, nhiệm kỳ, vừa là năm mở ra cánh cửa quan trọng đánh dấu năm đầu tiên bước vào cuộc cách mạng của kỷ nguyên vươn mình.

Nếu nông nghiệp với bề dày truyền thống hàng nghìn năm, đóng vai trò nền tảng quan trọng làm bệ đỡ thì tài nguyên là di sản hình thành từ cách chúng ta cả triệu năm và môi trường là một khái niệm xuất hiện không xác định. Tất cả đều đang giữ một vị thế cực kỳ quan trọng trong tiến trình đi lên của đất nước. Nếu Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam trở thành nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới thì Quan điểm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về bảo vệ môi trường trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đó là: “Phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường là trung tâm”. Trong đó, xác định môi trường là 1 trong 3 trụ cột của phát triển bền vững Kinh tế - Xã hội - Môi trường.

Mọi quyết sách, kế hoạch, giải pháp, nhiệm vụ đã sẵn sàng.

Chúng ta đã xác định 9 nhiệm vụ chung.

Chúng ta cũng đã xác định 9 nhiệm vụ đối với các lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên ngành.

Đường lớn đã mở!

Đó là con đường của kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, toàn Ngành sẽ đoàn kết, đồng lòng thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt nhất, với các giải pháp hiệu quả để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

Xin chào 2025 - năm của Kỷ cương, Đổi mới, Phát triển, Thành công!

Với ý chí, bản lĩnh, trí tuệ, bài học kinh nghiệm, tinh thần đoàn kết, nỗ lực quyết tâm, chúng ta có quyền tự tin, kỳ vọng vào thắng lợi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đường lớn đã mở!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO