Môi trường

COP28: Những bước tiến về tài chính khí hậu

Chu Thanh Hương (đưa tin từ Hội nghị COP28, UAE) 08/12/2023 - 16:41

(TN&MT) - Tại Hội nghị COP28 đang diễn ra tại Dubai (UAE), đến nay, các quốc gia đã đưa ra cam kết tài trợ Quỹ Tổn thất và Thiệt hại với tổng trị giá khoảng 660 triệu USD. Việc các quốc gia nhất trí đưa Quỹ chính thức đi vào hoạt động từ COP28 được xem là một tín hiệu đáng mừng cho các quốc gia đang phát triển.

Cụ thể, các nước phát triển như Liên minh châu Âu (EU) cam kết đóng góp cho quỹ 225 triệu EUR; Anh cam kết 60 triệu bảng Anh; Hoa Kỳ 17,5 triệu USD; Nhật Bản 10 triệu USD. Nước chủ nhà UAE cam kết 100 triệu USD.

Trung Quốc và Ấn độ là 2 quốc gia có tỷ lệ phát thải lần lượt đứng thứ 2 và thứ 3 thế giới chưa đồng thuận về việc đóng góp cho Quỹ này.

COP28 đã đạt được thoả thuận về việc Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ điều hành tạm thời quỹ này trong 4 năm tới, nhưng các nước tài trợ và những nước nhận hỗ trợ sẽ tự quản lý cách chi tiêu tiền. Mặc dù vậy, tương tự như các nước giàu đã cam kết dành 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển chống biến đổi khí hậu, cam kết này vẫn thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực sự của các nước nghèo cũng như phụ thuộc nhiều vào mức độ triển khai các cam kết hỗ trợ của các nước phát triển. Một số bên kêu gọi sự tham gia cấp cao dưới hình thức “đối thoại thực sự” thay vì các bài phát biểu để có các nguồn lực thực chất hơn là cam kết.

z4950757396893_328d07ead9c6e4599c42bea24ef11fc4.jpg
Hội nghị COP28 diễn ra tại Dubai, UAE được kỳ vọng sẽ tạo ra đòn bẩy tài chính đáng kể cho các nỗ lực thực hiện Thỏa thuận Paris

Tại COP28, các bên tham dự cũng thảo luận về Điều 2.1(c) của Thỏa thuận Paris về tạo ra các dòng tài chính phù hợp với lộ trình hướng tới phát thải thấp và thích ứng với khí hậu; tăng gấp đôi nguồn tài chính cho thích ứng và tăng cường hỗ trợ khẩn cấp. Các bên nhất trí về việc tăng cường năng lực và tập trung vào hoàn thiện chính sách trong nước hỗ trợ phát triển hệ thống tài chính xanh; phát triển thị trường các-bon tạo nguồn lực cho giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ chế thu hút mạnh mẽ hơn sự tham gia của khu vực tư nhân cho nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển.

Trước đó, Hội nghị COP 27 đã yêu cầu Ủy ban Thường trực về tài chính xây dựng báo cáo về việc tăng gấp đôi nguồn tài chính cho thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc này bắt nguồn từ COP26, khi các nước đang phát triển yêu cầu các quốc gia phát triển tăng gấp đôi nguồn tài chính cho thích ứng với biến đổi khí hậu vào năm 2025 so với năm 2019, nhằm đảm bảo cân bằng hỗ trợ tài chính khí hậu cho thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, tại các phiên đàm phán, các quốc gia chưa thống nhất được mức cở sở tài chính dành cho thích ứng với biến đổi khí hậu năm 2019 là bao nhiêu, mức cơ sở khác nhau ở các tài liệu tham chiếu.

Đến hết ngày 6/12, COP28 đã đi được 1 nửa thời gian (30/11 – 12/12/2023). Ngoài các cam kết về tài chính cho Quỹ Tổn thất và thiệt hại, Quỹ đầu tư cho BĐKH (UAE và Ấn độ đồng sáng lập) chưa có cam kết mới về tài chính cho BĐKH. Việc đạt được hay chưa mục tiêu huy động 100 tỷ USD mỗi năm vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Các cuộc họp kỹ thuật đã đi vào thảo luận chi tiết dự thảo các quyết định của COP28. Tuy nhiên, nội dung các dự thảo quyết định mỗi vấn đề thường còn rất nhiều lựa chọn khác nhau, nhiều lựa chọn đối lập nhau. Những nội dung này sẽ được Hội nghị tiếp tục thảo luận trong nửa cuối của Hội nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
COP28: Những bước tiến về tài chính khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO