Xã hội

Mở thế bứt phá xanh

TS. Nguyễn Phương An - Nguyễn Mạnh Thắng 10/02/2024 - 16:05

(TN&MT) - Xuân Giáp Thìn 2024 đang đến rất gần, có cảm giác như mở cánh cổng là gặp mùa xuân, đưa tay ra là chạm vào mùa xuân.

16.jpg
sd.-mo-the-but-pha-xanh.png

Chúng ta chào đón xuân mới với những thắng lợi, những dấu ấn trong các quyết sách lãnh đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ năm 2023. Càng rõ nét hơn khi nhìn vào những bứt phá có tính nhảy vọt của Việt Nam trong phát triển kinh tế xanh bền vững. Những thành tựu và bước nhảy vọt ấy càng củng cố thêm niềm tin về tương lai cơ đồ Việt Nam cường thịnh, ngày càng được bảo đảm vững chắc hơn.

Hiện thực hóa khát vọng xanh

Năm 2023, thế giới phải hứng chịu nhiều bất ổn khiến tốc độ phát triển kinh tế bị chậm lại. Trong khi hậu quả từ đại dịch Covid-19 chưa được khắc phục, để lại nhiều di chứng nhức nhối thì thiên tai, cạnh tranh, xung đột vũ trang ở một số nơi diễn ra tàn khốc, căng thẳng hơn trước. Cuộc đối đầu Nga - Ukraine và Israel - Hamas tại dải Gaza chưa có giải pháp hạ nhiệt là một trong những nguyên nhân đầu bảng khiến lạm phát luôn ở mức cao và nợ công thế giới tăng lên mức kỷ lục 92.000 tỷ USD. Thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hoạt động xuất, nhập khẩu bị thu hẹp, an ninh lương thực diễn biến phức tạp...

Dù kinh tế thế giới và khu vực trầm lắng vì các nước thắt chặt đầu tư, thắt chặt chi tiêu, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá. Tuy GDP cả năm ước đạt khoảng 5,05%, (thấp hơn chỉ tiêu nghị quyết của Quốc hội đề ra khoảng 1,5%, nhưng những điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội vẫn luôn cho chúng ta những suy nghĩ, bước đi lạc quan bởi nước ta vẫn lọt nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Chỉ cần nhìn vào số liệu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gần 36,61 tỷ USD và vốn đầu tư ra nước ngoài đạt gần 417 triệu USD đã cho ta những kỳ vọng mới. Đặc biệt, khi nhìn vào sự tăng trưởng ổn định, rất khả quan của kinh tế nông nghiệp (tăng 3,38%; xuất khẩu gạo ước đạt 8 triệu tấn trị giá 4,5 tỷ USD) và lộ trình phát triển của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chúng ta càng háo hức chờ đón tương lai kinh tế Việt Nam sẽ bứt phá ngoạn mục trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

screenshot_1705300851.png

Trong không khí mùa xuân mới, nhìn lại những dấu ấn đậm nét về công tác lãnh đạo, điều hành của Chính phủ trong năm 2023, có thể nói, “khát vọng xanh” đã được Chính phủ thúc đẩy hiện thực hóa thông qua ban hành các chiến lược, chương trình quốc gia về tăng trưởng xanh, tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, xanh, tuần hoàn. Đặc biệt, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển bền vững một triệu

héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, qua đó mở ra hướng tương lai thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phát triển.

Những năm gần đây, hòa nhịp với xu hướng phát triển xanh của thế giới, Chính phủ nước ta đã có những định hướng và bước đi táo bạo, bắt nhịp với các quốc gia bằng dấu ấn tham gia Hội nghị COP26 tháng 11/2021. Tại đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 cùng với việc tham gia nhiều sáng kiến chống biến đổi khí hậu. Tháng 12/2023, tham gia Hội nghị COP28 với thông điệp “Nói là làm”, Việt Nam một lần nữa khẳng định là thành viên có trách nhiệm trước các vấn đề toàn cầu.

Hiện thực hóa cam kết của Chính phủ, ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”, trong đó nêu rõ quan điểm, mục tiêu cũng như đưa ra các nhiệm vụ giải pháp cụ thể. Năm 2023, Chính phủ đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lĩnh vực chỉ đạo, điều hành, đưa ra các giải pháp tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai. Triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Chủ động các biện pháp ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường 2020, tăng cường kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường; thúc đẩy trồng rừng; phát triển thủy lợi, bảo vệ tài nguyên biển…

Dấu ấn đậm nét của ngành TN&MT

Nhìn lại những thành tựu của Chính phủ trong năm 2023 không thể không nhắc đến những cơ sở nền móng đã được triển khai từ những năm trước. Để hiện thực hóa mục tiêu chiến lược của Đảng và Chính phủ, những năm trước, Bộ TN&MT đã cụ thể hóa các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Đơn cử như đề xuất quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong việc thu hồi, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; phát triển công nghiệp môi trường, thị trường hàng hóa và dịch vụ môi trường, sản phẩm thân thiện môi trường…; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường (phát thải và công nghệ) tương đương với nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Bên cạnh đó, các giải pháp để chuyển đổi mô hình kinh tế như điều chỉnh quy hoạch năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, thủy điện; xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghệ dựa trên các tiêu chí tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, giảm thiểu chất thải.

sd.-mo-the-but-pha-xanh.-su-dung-hydro-hat-nhan-trong-san-xuat-thep-xanh-khong-phat-thai-khi-carbon-dioxide.png
Sử dụng hydro hạt nhân trong sản xuất thép xanh không phát thải khí carbon dioxide

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ những nội dung lớn, đưa ra các quyết sách về ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế “xanh”, kinh tế tuần hoàn, thay thế kinh tế tuyến tính truyền thống, kinh tế “nâu” trước đây. Bộ đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Chính phủ phát động phong trào “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”. Đến nay, phong trào đã phát triển mạnh mẽ và được nhiều cấp, ngành địa phương triển khai hiệu quả, góp phần nâng diện tích trồng rừng vượt 2% so với kế hoạch.

Năm 2023, dấu ấn đậm nét Bộ Tài nguyên và Môi trường đạt được trong phát triển kinh tế xanh đó là đã chỉ đạo tổ chức tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Bộ cũng tiếp tục tham mưu đề xuất Chính phủ ban hành các chiến lược, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đột phá, tổng thể nhằm quản lý, phát triển bền vững tài nguyên và môi trường giai đoạn tới. Trong đó, ưu tiên đẩy mạnh chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, năng lượng bền vững gắn với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Từ Luật Bảo vệ môi trường 2020, Bộ đã tham mưu với Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Trong hợp tác quốc tế, Bộ đã chủ trì tổ chức Diễn đàn kinh tế tuần hoàn 2023 chủ đề "Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn", trong đó có việc Việt Nam công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JEPT); cùng cộng đồng quốc tế thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, phát thải ròng bằng “0”. Đưa ra các giải pháp trọng tâm đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, sản xuất và tiêu dùng theo hướng xanh, bền vững; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường; ứng phó hiệu quả với thách thức khan hiếm nguồn tài nguyên, suy thoái, ô nhiễm môi trường và tác động của biến đổi khí hậu. Bộ cũng tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản bền vững; tập trung hiện đại hóa, nâng cao chất lượng cảnh báo rủi ro thiên tai.

Nhân lên màu xanh hy vọng

Với những quyết sách chiến lược, năm 2023, kinh tế xanh Việt Nam đã đạt được mốc quan trọng khi lần đầu tiên bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng)… Cùng với kết quả đáng mừng này, nhìn vào bức tranh kinh tế tổng thể, chúng ta phát hiện ra những chấm xanh lục đang có xu hướng lan rộng và nảy nở, biến chủ trương phát triển kinh tế xanh của Việt Nam thành hiện thực. Theo thống kê trong chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2023 do Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức đã ghi nhận và biểu dương, vinh danh 100 doanh nghiệp có nhiều thành công trong xây dựng, phát triển kinh tế xanh gắn liền với hoạt động bảo vệ môi trường.

Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn từ những chấm xanh nhỏ đã lan tỏa rộng rãi tới các địa phương, các ngành, các lĩnh vực: Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ nhân rộng trên các cánh đồng, mới đây nhất, Chính phủ đã phê duyệt đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Công nghiệp chuyển mình mạnh mẽ bằng việc xây dựng mô hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh, tuần hoàn, giảm phát thải các-bon… Nhiều khu công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh đã từng bước chuyển đổi sản xuất, kinh doanh sang kinh tế tuần hoàn, xanh hóa để phát triển bền vững. Dẫn đầu trong thực hiện chủ trương này là Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè khi tham gia Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam từ chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu”. Tại Hiệp Phước, các hoạt động đã mang lại chuyển biến nhất định khi chất thải của doanh nghiệp này là nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp khác. Đơn cử, khí hơi nóng từ quá trình chưng cất dầu thực vật Cái Lân được chuyển sang tham gia quá trình sấy của Nhà máy Meizan; Chất thải của các công ty sản xuất khuôn đúc được tận dụng làm gạch không nung, làm nguyên liệu cho hoạt động sản xuất khác.

Ở miền Bắc, việc chuyển đổi kinh tế xanh được tiến hành mạnh mẽ tại nhiều địa phương, trong đó nổi bật là mô hình “hệ miễn dịch xanh” ở Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Shinec) của TP. Hải Phòng. Tại đây, khoảng 40% diện tích đất dành cho các công trình cây xanh và hệ thống hạ tầng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nước sinh hoạt và sản xuất trong khu công nghiệp đều lấy từ nguồn nước máy (nước sạch từ nhà máy nước cung cấp). Bên cạnh đó, nước thải của các nhà máy được thu gom qua hệ thống ống thu gom sử dụng vật liệu HDPE tiêu chuẩn, gom về nhà máy xử lý đến khi đạt chuẩn đầu ra (qua các tầng kiểm soát chặt chẽ) mới được bơm ra ngoài sông Cửa Cấm. Cũng tại đây, các loại chất thải sẽ được xử lý, tái chế thành kẽm sunfat dùng cho ngành sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi. Xử lý rác thải điện tử thu hồi kim loại quý như vàng, bạc, đồng... Với chuỗi cộng sinh ngành nhựa có 8 đơn vị tham gia, 65% nguyên liệu từ doanh nghiệp nội khu với khoảng cách 1km và 85% nhựa phế liệu được tái chế. Trong khi đó, chuỗi cộng sinh ngành phụ trợ có 20 doanh nghiệp tham gia đang dần phát triển rõ nét hơn, đến từ nhiều mảng như phụ trợ ô tô, điện - điện tử, chế biến nông sản.

Điểm qua một số thành tựu hoạt động phát triển theo xu hướng phát triển xanh bền vững để thấy được vai trò của Chính phủ trong việc chèo lái con thuyền phát triển đi đúng xu hướng thời đại và từng bước tiến tới mục tiêu đã định. Từ quyết tâm chính trị, từ sự đồng lòng đoàn kết, từ những chiến lược, kế hoạch hành động hiệu quả, Việt Nam đủ tự tin khẳng định là một trong những quốc gia sớm đưa ra cam kết mạnh mẽ về tăng trưởng xanh, hướng tới phát triển bền vững và có kế hoạch hành động cụ thể thực hiện cam kết.

Trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay, chúng ta xác định, con đường trước mắt sẽ còn gặp nhiều khó khăn thử thách. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần khoản tài chính tăng thêm khoảng 368 tỷ USD để xây dựng khả năng chống chịu trước tình trạng biến đổi khí hậu và khử carbon, hướng tới phát thải ròng bằng “0”. Đó là những thách thức cần phải có nỗ lực rất lớn trong các quyết sách mới có thể vượt qua.

Nhưng mùa xuân, mùa của ước mơ và khát vọng đã tràn về. Chúng ta có quyền lạc quan vào một tương lai tươi sáng để tin tưởng vào quyết sách của Chính phủ, tin tưởng vào chủ trương phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Nền móng và thế bứt phá của kinh tế xanh đã mở. Màu xanh hy vọng về một Việt Nam hùng cường đang hiển diện trong tương lai.

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở thế bứt phá xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO