Công nhận quyền sở hữu nhà ở trên đất

26/08/2016 00:00

(TN&MT) - Ông Nguyễn Văn Bằng, tại Cương Sơn – Lục Nam – Bắc Giang cho biết: Tôi có thửa đất ở nông thôn ven tỉnh lộ 293. Năm 1979 tự khai hoang để sản xuất nông nghiệp. Năm 2003, tôi tự ý xây nhà để ở (nhà hai tầng, mái bê tông). Khi bắt đầu thi công UBND xã có xử phạt hành chính và cho xây tiếp để ở. Năm 2015 UBND huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Sở hữu nhà ở cho tôi. Tuy nhiên trên Giấy chứng nhận không thể hiện nhà và các công trình xây dựng đã có. Tôi đã để nghị chính quyền phải thể hiện chứng nhận nhà ở cho tôi trên Giấy chứng nhận nhưng không được giải quyết.  

Vậy kính mong quý báo tư vấn giúp tôi:  Giấy chứng nhận không ghi nhận nhà ở của tôi như vậy có đúng không? Nếu không đúng tôi phải làm gì?

Trả lời

Câu hỏi của bạn Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:

Công nhận quyền sở hữu nhà ở

Căn cứ Điểm a, Khoản 2, Điều 8 Luật Nhà ở 2014, điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước là có nhà ở hợp pháp thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, gia đình bạn đã xây nhà từ năm 2003. Mặc dù tự ý xây dựng nhưng đã nộp phạt và được chính quyền tiếp tục cho xây dựng thì gia đình bạn có đủ điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở.

Theo Điều 9, Luật Nhà ở 2014, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đủ điều kiện và có nhà ở hợp pháp quy định thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) đối với nhà ở đó. Nhà ở được cấp Giấy chứng nhận phải là nhà ở có sẵn. Và trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho chủ sở hữu nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Như vậy, việc chính quyền địa phương không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là sai quy định. Bạn có thể tiến hành thủ tục đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để ghi nhận căn nhà trên Giấy chứng nhận.

Đăng ký biến động

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai năm 2013 về đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi sau đây:  
a) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;          

b) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên;          
c) Có thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất;           
d) Có thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký..."       

đ) Chuyển mục đích sử dụng đất; 

e) Có thay đổi thời hạn sử dụng đất..."

Như vậy, trường hợp này bạn có thể đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất với Văn phòng đăng ký đất đai.

Trình tự, thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất được quy định tại Điều 70 Nghị định 43/2014. Theo đó, bạn có thể nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm gửi hồ sơ đến UBND cấp xã để lấy ý kiến xác nhận về việc kê khai và hiện trạng tài sản gắn liền với đất.

Hồ sơ bạn nộp bao gồm: Đơn đề nghị đăng ký biến động đất đai, nhà ở và tái sản gắn liền trên đất; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp (bản chính); Giấy tờ để chứng minh việc tạo lập tài sản hợp pháp.

Báo TN&MT

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nhận quyền sở hữu nhà ở trên đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO