Câu chuyện về giãn dân phố cổ Hà Nội vốn dĩ không mới. Nhưng thật sự, để một Hà Nội đẹp hơn, sang hơn, còn cần nhiều việc phải làm hơn nữa.
Từ phố cổ trầm mặc đầy lo toan, nhìn bao quát cả một vùng Thủ đô mở rộng hơn 10 năm qua, sẽ thấy thật nhiều tâm tư.
Hà Nội hôm nay có nhiều khu đô thị mới với hàng trăm nhà cao tầng hiện đại. Nhưng đó đã là dấu ấn của Hà Nội cho mai sau chưa thì không ai dám khẳng định. Những người Hà Nội đi xa lâu ngày về, bây giờ sẽ phải ngỡ ngàng trước những đổi thay chóng mặt của Thủ đô. Nếu như trong ký ức của họ là một Hà Nội nhiều cây xanh, mặt nước, mái ngói rêu phong; nay, đã hiển hiện những tòa nhà cao tầng, sừng sững những khu đô thị mới trên những mảnh ruộng trù phú ngày nào.
Ai đó bảo: Đó là điều tất yếu của phát triển. Song nếu bạn bè nơi xa hỏi: Hà Nội bây giờ ra sao? – thật khó trả lời. Đẹp hay không đẹp? Hiện đại hay cổ kính? Đặc trưng của kiến trúc đô thị Hà Nội hôm nay là gì?…
Cứ thế, Hà Nôi đang phát triển trong cái thế ăn dần vào chính xương thịt của mình… Cái cũ có giá trị cứ dần mất đi, cái mới đang mọc lên nhanh quá nhưng chưa rõ hình hài. Lo lắm chứ? Các nhà lãnh đạo lo, nhà quy hoạch lo, người dân cũng lo. Hàng loạt những thách thức đang là nhãn tiền mà để giải quyết được rất cần những quyết sách cụ thể cùng một bộ máy thực thi minh bạch.
Từ phố cổ, nhìn rộng ra khắp Thủ đô, thấy đâu đâu cũng ám ảnh về tắc đường, quá tải. Triền miên... Do đầu tư dàn trải, lại thiếu quyết tâm nên “thành quả” mà giao thông Hà Nội đạt được trong những năm qua chỉ là những tuyến đường dở dang, vừa mở mang đã chật cứng… Điều này có nghĩa là những tuyến đường mới được đầu tư không những chưa phát huy hiệu quả cao mà trái lại còn góp phần gây nên ùn tắc.
Lại thêm, nói là cấm, nhưng Hà Nội “vẫn cho” xây dựng hàng loạt các cao ốc tại trung tâm...; rồi việc cải tạo nâng tầng, nâng hệ số sử dụng đất, nâng mật độ xây dựng của rất nhiều khu đô thị: Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ, Nguyễn Công Trứ. Một quy trình ngược đang “cứ tự nhiên” diễn ra, thay vì giãn dân ra ngoại ô, Hà Nội lại tạo thêm các “cực nam châm” thu hút hàng trăm ngàn dân đổ bộ vào trung tâm thành phố và vì vậy mọi nỗ lực cải thiện giao thông nội đô có nguy cơ sẽ trở về con số âm.
Thành phố đã có hàng vạn công trình đủ loại được tích đọng qua thời gian và còn hàng vạn công trình khác nữa tiếp tục mọc lên trong tương lai… tất cả sẽ là một mớ hỗn độn khổng lồ và nhức nhối cho đô thị nếu không biết sắp xếp cho hài hòa hợp lý. Bỏ cái gì, phải giữ cái gì, phải thêm cái gì, ở đâu với quy mô tầm cỡ thế nào đều phải đứng trên không gian tổng thể của đô thị để chuẩn bị, để sắp xếp lại một cách chủ động. Diễn biến thực tế sẽ không như mong muốn, nhưng phải có định hướng rõ ràng, mới có được không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị văn minh, hiện đại và đậm đà bản sắc.
Bây giờ, Hà Nội còn lại một Làng Bưởi đang nghẹn đi trong sự chèn ép của sự phát triển thái quá giữa đô thị. Còn đó cổng làng, những con ngõ nhỏ hiền hòa và những ngôi nhà thanh đạm chụm vầy nhau. Ngay giữa đô thị đang phát triển nhanh như muốn bung vỡ này, không gian ấy thật quý giá vô cùng….
Nhưng, liệu 5 (năm), 10 (mười) năm nữa, làng có còn trụ nổi giữa cơn lốc biệt thự tây, nhà cao tầng không?!
Thành phố đang muốn xây nhiều nhà chung cư cho người nghèo, hộ gia đình giải tỏa từ các công trình lớn… nhưng giá mỗi căn nhà như hiện nay, họ phải làm vài ba đời mới tích cóp nổi…. và thế là “bán lúa non”, đi tìm nơi ở mới vừa túi tiền hơn…. Cứ thế, cái vòng luẩn quẩn đang khiến bộ mặt đô thị dần lấm lem đi….