Báo cáo đặc biệt về sự ấm lên toàn cầu ở mức 1,5° C của IPCC trình bày tác động của việc tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5° C so với thời kì tiền công nghiệp và các lộ trình giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu liên quan, trong bối cảnh toàn cầu đang tăng cường ứng phó với nguy cơ của biến đổi khí hậu, tăng cường phát triển bền vững và nỗ lực xóa đói giảm nghèo. Theo ông Hoesung Lee, Chủ tịch IPCC, với hơn 6.000 tài liệu tham khảo khoa học được trích dẫn và đóng góp chuyên môn của hàng ngàn chuyên gia trên toàn thế giới, báo cáo quan trọng này đã chứng minh được sự khái quát, bao trùm và mối liên quan đến chính sách của IPCC. Hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5° C sẽ đòi hỏi những thay đổi nhanh chóng, sâu rộng và chưa từng có trong mọi khía cạnh của xã hội.
"Một trong những thông điệp chính xuất phát từ báo cáo này là chúng ta đã thấy hậu quả của sự nóng lên toàn cầu ở mức 1° C bao gồm thời tiết cực đoan, mực nước biển dâng cao và băng tan nhanh ở Bắc Cực, và những thay đổi khác", ông Panmao Zhai, Đồng Chủ tịch Nhóm công tác IPCC I cho biết.
Ngày 10/10, tại Hà Nội, Bộ TN&MT phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và các cơ quan liên quan sẽ tổ chức Hội nghị đối thoại về biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH Hoesung Lee sẽ giới thiệu Báo cáo đặc biệt về việc ấm lên toàn cầu 1,5 độ C và những nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. |
Báo cáo nêu rõ một số tác động của biến đổi khí hậu có thể tránh được bằng cách hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5° C so với 2° C, hoặc so với các mức nhiệt độ cao hơn. Ví dụ, vào năm 2100, mực nước biển dâng toàn cầu sẽ thấp hơn 10 cm nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5° C so với 2° C. Mỗi thế kỷ sẽ chỉ có một mùa hè Bắc Băng Dương không còn băng nếu sự nóng lên toàn cầu là 1,5° C, so với ít nhất một lần mỗi thập kỷ nếu nhiệt độ tăng ở mức 2° C. Các rặng san hô sẽ giảm 70-90% nếu sự nóng lên toàn cầu là 1,5° C, trong khi hầu như tất cả (> 99%) sẽ bị mất đi nếu mức nhiệt tăng 2° C.
Ông Hans-Otto Pörtner, Đồng Chủ tịch Nhóm công tác IPCC 2 chia sẻ: Mỗi phần nhỏ của nhiệt độ tăng thêm, đặc biệt là từ mức tăng từ 1,5° C trở lên, sẽ làm tăng nguy cơ liên quan đến những thay đổi lâu dài hoặc không thể đảo ngược, chẳng hạn như mất một số hệ sinh thái. Các nỗ lực hạn chế sự nóng lên toàn cầu cũng sẽ kéo dài thời gian cho con người và các hệ sinh thái thích nghi, cũng như duy trì dưới ngưỡng nguy cơ có liên quan.
Báo cáo cũng xem xét các lộ trình để hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5° C, những việc cần làm để đạt được các mục tiêu và những hậu quả có thể xảy ra. HIện nay, một số hành động cần thiết để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5° C đã được tiến hành trên khắp thế giới, nhưng chúng sẽ cần phải được tăng tốc hơn nữa - Đồng chủ tịch Nhóm công tác IPCC 1 Valerie Masson-Delmotte khẳng định.
Báo cáo thấy rằng việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5° C sẽ đòi hỏi sự chuyển đổi "nhanh chóng và sâu rộng" trong các lĩnh vực như đất đai, năng lượng, công nghiệp, xây dựng, giao thông và thành phố. Lượng phát thải CO2 do con người tạo ra toàn cầu phải giảm khoảng 45% vào năm 2030 so với năm 2010, đạt mức “loại bỏ hoàn toàn” vào khoảng năm 2050.
Theo IPCC, để đưa nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 1.5° C vào năm 2100, thế giới cần tìm ra nhiều hơn các giải pháp kỹ thuật để giảm phát thải CO2 và loại bỏ CO2 ra khỏi bầu không khí. Hiệu quả của các giải pháp kỹ thuật này chưa được chứng minh ở quy mô lớn và cần tính đến những rủi ro cho sự phát triển bền vững.
Báo cáo được soạn thảo dưới sự lãnh đạo khoa học của ba nhóm công tác của IPCC. Nhóm công tác 1 đánh giá cơ sở khoa học vật lý của biến đổi khí hậu; Nhóm 2 nghiên cứu các vấn đề tác động, thích ứng và dễ bị tổn thương; và Nhóm 3 đề cập đến việc giảm thiểu biến đổi khí hậu 91 tác giả và chuyên gia biên tập từ 40 quốc gia đã chuẩn bị Báo cáo của IPCC lần này nhằm thực hiện yêu cầu của Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) khi thông qua Hiệp định Paris năm 2015. IPCC cho biết, Báo cáo đặc biệt sẽ xem xét các vấn đề này trong bối cảnh tăng cường ứng phó toàn cầu với các mối đe dọa của biến đổi khí hậu, tăng cường phát triển bền vững và các nỗ lực xóa đói giảm nghèo. Báo cáo về Sự nóng lên toàn cầu ở mức 1.5° C được công bố năm 2018 là báo cáo đầu tiên trong một loạt các Báo cáo đặc biệt được thực hiện trong Báo cáo Đánh giá thứ sáu (AR6) của IPCC. Năm 2019, IPCC sẽ công bố Báo cáo Đặc biệt về Đại dương và Băng quyển trong điều kiện Khí hậu, Biến đổi khí hậu và Đất đai đang thay đổi. |