Trả lời
Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:
Cơ quan ký duyệt giấy phép khai thác khoáng sản
Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 82 Luật Khoáng sản năm 2010, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoạt động khoáng sản (giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác khoáng sản) là Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Cụ thể:
“1. Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố; Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản”.
Trong khi đó, Điều 27 Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09/3/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản quy định, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản, hồ sơ phê duyệt trữ lượng khoáng sản, hồ sơ đóng cửa mỏ khoáng sản quy định như sau:
“1. Tổng cục Địa chất và Khoáng sản là cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản; hồ sơ đóng cửa mỏ khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia là cơ quan tiếp nhận hồ sơ phê duyệt trữ lượng khoáng sản trong báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản theo Giấy phép thăm dò khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản; hồ sơ phê duyệt trữ lượng khoáng sản trong báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản; hồ sơ đóng cửa mỏ khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”.
Như vậy, có thể khẳng định: Giấy phép hoạt động khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được đăng ký nhà nước tại Sở Tài nguyên và Môi trường; Giấy phép hoạt động khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường được đăng ký nhà nước tại Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.
Trách nhiệm và thẩm quyền của UBND xã khi phát hiện hành vi khai thác khoáng sản trái phép
Khi phát hiện hành vi khai thác cát trái phép, UBND cần thực hiện những nhiệm vụ theo trình tự sau đây:
+ Yêu cầu tầu dừng hút cát, sỏi.
+ Lập biên bản kiểm tra có chữ ký của các thành phần tham gia và đối tượng vi phạm, trong đó xác định rõ: chủ tầu và người vi phạm, số lượng tầu, vị trí khai thác trái phép, khối lượng cát, sỏi đã hút lên tầu, thời gian tầu vi phạm,...
+ Tạm giữ tang vật, phương tiện để điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp cần thiết phải báo cáo kịp thời với Ủy ban nhân dân huyện/thành phố và các cơ quan chức năng (Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh) để phối hợp giải quyết.
Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND xã được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 45 Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ, theo các hình thức sau đây:
“Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 5.000.000 đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 5.000.000 đồng; Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định.