PV: Hiện nay, các tỉnh ở ĐBSCL đang đối diện với hạn hán, thiếu nước. So với hàng năm, đến thời điểm này, lũ đã tràn đồng, năm nay, người dân lo ngại mùa nước nổi không về. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này, thưa Giáo sư?
GS.TS Trần Thục: Do tác động của hiện tượng El Nino từ cuối năm 2018 và kéo dài đến nay dẫn đến tình trạng ít mưa hơn trung bình nhiều năm trên cả lưu vực sông Mê Công cũng như ở khu vực Nam Bộ. Hoạt động của El Nino, khả năng thiếu hụt mưa và nguy cơ hạn hán ở lưu vực sông Mê Công đã được cơ quan Khí tượng Thủy văn Việt Nam cảnh báo từ đầu năm 2018.
Thời điểm này, là cuối tháng 8, nhưng mực nước tại các trạm trên sông Mê Công vẫn đang rất thấp so với trung bình nhiều năm, đặc biệt, thấp hơn cả năm có dòng chảy nhỏ là năm 2016 (biểu đồ của Ủy hội Mê Công quốc tế về mực nước tại Tân Châu và Châu Đốc so sánh với trung bình nhiều năm và đặc biệt là năm 2016). Từ biểu đồ, có thể nghĩ ngay, thời gian tới, dù mưa ở khu vực trung lưu có nhiều hơn, nhưng cũng khó có thể gây lũ cao ở ĐBSCL.
Như vậy, rất có nhiều nguy cơ mất mùa lũ ở ĐBSCL trong năm 2019 dẫn đến hạn hán ở ĐBSCL vào đầu năm 2020. Rủi ro hạn hán ở ĐBSCL rất cao và có nguy cơ là gay gắt, thậm chí, ở mức khốc liệt.
Trong các loại hình thiên tai do nước, tôi lo lắng nhất, đối với hạn hán. Lũ rất nguy hiểm đến tính mạng người dân, nhưng nếu chúng ta có biện pháp phòng chống tốt thì có thể hạn chế được thiệt hại này. Tuy vậy, hạn hán có mức tác động rất lớn về kinh tế - xã hội, môi trường và trên phạm vi không gian rộng, cần có nỗ lực lớn và thời gian dài mới có thể khắc phục được hậu quả của hạn hán. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần theo dõi thường xuyên và cảnh báo kịp thời để chính quyền các địa phương và người dân có các phương án ứng phó ngay từ bây giờ đối với tình trạng này.
PV: Giáo sư có đề xuất giải pháp gì để người dân ứng phó với tình trạng hạn hán đang diễn ra ngày một trầm trọng hơn ở ĐBSCL?
GS.TS Trần Thục: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó, đã xác định các giải pháp phát triển cho ĐBSCL bao gồm: Rà soát, hoàn thiện và bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách; cập nhật, hệ thống hóa số liệu, dữ liệu liên ngành, tăng cường điều tra cơ bản; xây dựng quy hoạch và tổ chức không gian lãnh thổ; xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý thích ứng với biến đổi khí hậu; đầu tư và phát triển hạ tầng và phát triển và huy động nguồn lực. Trong đó, có nội dung “Xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo ba trọng tâm thủy sản - cây ăn quả - lúa, gắn với các tiểu vùng sinh thái”. Đây là quan điểm quan trọng về cơ cấu sản xuất mới trong điều kiện biến đổi khí hậu và khan hiếm nước trong hiện tại và tương lai.
Trữ nước trong mùa mưa lũ để dùng trong mùa cạn là một biện pháp cần nghĩ đến. Có thể trữ nước ở quy mô lớn để dùng cho sản xuất toàn đồng bằng; quy mô trung bình như ở các kênh rạch và các khu vực trũng tự nhiên để dùng cho mục đích địa phương và quy mô hộ gia đình cho muc đích cá nhân và nước sinh hoạt.
Tuy vậy, để có quyết định các phương án trữ nước thì cần có điều tra khảo sát và nghiên cứu cụ thể như: Khu vực nào có tiềm năng trữ nước? Để trữ được nước thì cần đầu tư công trình gì? Tác động của việc trữ nước đến kinh tế - xã hội như quỹ đất, tác động đến môi trường như chua phèn,…
Thông thường, tích nước ở khu vực nhỏ ít tác động hơn và khả thi hơn so với quy mô lớn. Ví dụ, mỗi một khu công nghiệp, khu nhà ở lớn hay hộ gia đình có thể xây dựng những khu trữ nước cỡ nhỏ. Hàng trăm, khu trữ nước cỡ nhỏ đôi khi có thể bằng một hồ chứa cỡ trung bình. Tại mỗi gia đình ở nông thôn thường có ao, đây có thể được coi là phương án tích nước. Tích nước mưa cho sinh hoạt cũng là kinh nghiệm của một số địa phương ở xa nơi có cấp nước tập trung.
PV: Biến đổi khí hậu gây hạn hán, thiếu nước ở ĐBSCL, đồng thời, gây nên tình trạng xâm nhập mặn, ảnh hưởng lớn đến canh tác nông nghiệp của người dân. Theo Giáo sư, chúng ta cần ứng phó như thế nào?
GS.TS Trần Thục: Tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước nói chung và của ĐBSCL đã được dự tính trong kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam (2016). Nghị quyết của Chính phủ đã xác định cần thay đổi tư duy về tài nguyên nước. Nước ngọt là tài nguyên và nước lợ, nước mặn cũng là tài nguyên nếu chúng ta biết khai thác, tận dụng. Ví dụ, nước mặn giúp người dân nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ nuôi trồng thủy sản nước lợ. Trong cơ cấu nông nghiệp của ĐBSCL, nếu trước đây là lúa - thủy sản - cây ăn quả, theo định hướng hiện nay là thủy sản - cây ăn quả - lúa. Như vậy, cây lúa không còn giữ vị trí hàng đầu để ưu tiên phát triển. Nguồn lợi mà ĐBSCL có thể khai thác từ nước lợ, nước mặn đã được khẳng định.
Vấn đề đặt ra ở đây là sự dao động của nước mặn, nước lợ khó quản lý được. Lấy một thí dụ, chẳng hạn mặn thông thường chỉ xâm nhập 10km, nhưng vào năm hạn hán, xâm nhập mặn tới 40km và sâu hơn sẽ tác động đến sản xuất, có thể gọi, thiên tai do xâm nhập mặn. Vì vậy, để có thể khắc phục được tình trạng này, cần có cảnh báo sớm để các địa phương sắp xếp sản xuất, giảm thiệt hại. Cũng cần có những công trình để bảo đảm cung cấp đủ “nước ngọt sạch” và “nước mặn sạch” cho nuôi trồng thủy sản và khống chế mặn không xâm nhập quá sâu vào nội đồng.
Nhìn một cách tổng quan, Chính phủ đã có Nghị quyết số 120/NĐ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu. Triển khai thực hiện Nghị quyết này sẽ giúp xác định rõ quy hoạch những vùng nào, làm cách nào và làm thế nào để hỗ trợ người dân có thể khai thác tốt tiềm năng của ĐBSCL trong điều kiện thời tiết, khí hậu cực đoan và biến đổi khí hậu.
PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!