Chương Mỹ (Hà Nội): Ô nhiễm nặng từ các lò giết mổ tự phát

27/06/2015 00:00

(TN&MT) - Người dân xã Hữu Văn (Chương Mỹ, Hà Nội) từ nhiều năm nay phải sống chung với ô nhiễm nước thải, tiếng ồn… do hàng chục lò giết mổ gia súc phát, xả trực tiếp nước thải và chất bẩn ra kênh mương, ao hồ, đồng ruộng…

Trên địa bàn xã Hữu Văn hiện có gần 30 hộ làm nghề giết mổ lợn, tập trung chủ yếu ở hai thôn Mỹ Hạ và Mỹ Thượng. Nghề giết mổ ở xã đã có từ nhiều năm nay, nhưng vài năm trở lại đây, nghề này phát triển mạnh, quy mô giết mổ cũng theo đó mà tăng lên. Hiện nay, mỗi ngày các hộ giết mổ trung bình khoảng 5 – 10 con, có hộ mổ trên 20 con/ngày.

Chợ “Nông sản” của xã Hữu Văn mở từ sang đến tối rác thải, nước thải tràn lan hai bên đường
Chợ “Nông sản” của xã Hữu Văn mở từ sang đến tối rác thải, nước thải tràn lan hai bên đường

Các hộ gia đình không chỉ giết mổ lợn mà còn trực tiếp nuôi, thu mua lợn từ các xã lân cận và nhốt lợn ngay trong khu dân cư. Hàng ngày, tiếng lợn kêu ầm ĩ, nước thải chăn nuôi xả trực tiếp ra kênh thoát nước khiến không ít gia đình mất ăn, mất ngủ. Nhiều hộ sau khi nhập lợn về còn rửa xe ô tô chở gia súc, xả phân lợn xuống đường đi, ruộng, ao…gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Ngọc Phượng – Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Văn thừa nhận tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã do các cơ sở giết mổ đã diễn ra trong thời gian dài trước đây. Tuy nhiên, thời gian này, tình trạng xả nước thải, chất thải trực tiếp sau khi giết mổ đã được hạn chế rất nhiều vì đã có một số hộ làm hầm biogas.

Trao đổi với ông Phùng Xuân Long -  Cán bộ môi trường của xã Hữu Văn, được biết, tính đến nay ở thôn Mỹ Hạ có 15 hộ cơ sở giết mổ thủ công thì có 50% số hộ đã xây dựng hầm Biogas. Chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường nên công tác thu gom, xử lí chất thải phát sinh trong quá trình giết mổ cũng được các hộ dân thực hiện.

Tuy nhiên, trên thực thế, chỉ có một vài lò mổ được đầu tư xây dựng sạch sẽ, nền nhà lát gạch, có hầm biogas, số còn lại vẫn là nền xi măng, nhìn tối tăm và bẩn bỉu. Điều đáng nói ở đây, tất cả cơ sở giết mổ đều nằm trong khu dân cư, lợn sống được nhốt ngay tại khu vực giết mổ nên không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người tiêu dung, tiềm ẩn nguy cơ bệnh dịch là rất cao.

Bà Hòa, người dân thôn Mỹ Hạ cho hay, năm nay bà đã ngoài 60 tuổi, do tuổi đã khá cao nên nửa đêm đang ngủ bà thường hay tỉnh giấc lúc 3 – 4 giờ sáng, nhiều hôm muốn ngủ tiếp mà tiếng lợn kêu, tiếng xe máy, ô tô, người ra người vào các lò mổ lấy hàng gây ồn ào khiến bà không thể chợp mắt.

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường do các cơ sở giết mổ thủ công, ông Nguyễn Ngọc Phượng – Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Văn cho biết, năm 2012 trong đề án quy hoạch nông thôn mới, xã Hữu Văn đã dành khoảng 1,7 ha đất tại khu đồng Giếng của xã để xây dựng khu giết mổ tập trung nhằm đưa tất cả các hộ giết mổ lợn trên địa bàn ra khỏi khu dân cư. Nhưng đến nay, quy hoạch cũng chỉ là quy hoạch, bởi nguồn kinh phí không có. Vì vậy, người dân xã Hữu Văn phải tiếp tục sống chung với ô nhiễm.

Đến bao giờ tình trạng ô nhiễm môi trường tại xã Hữu Văn do giết mổ thủ công không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mới được khắc phục? Thiết nghĩ chính quyền địa phương, cùng các cơ quan ban ngành cần quan tâm hơn nữa để giúp người dân xã Hữu Văn sớm thoát khỏi ô nhiễm môi trường, loại bỏ nguy cơ tiềm ẩn bệnh dịch.

Vũ Vân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương Mỹ (Hà Nội): Ô nhiễm nặng từ các lò giết mổ tự phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO