Đây là một hồ sơ kỹ thuật quan trọng để các địa phương có biển xác định mực nước triều cao trung bình nhiều năm vùng ven biển, các đảo lớn, làm cơ sở pháp lý cho việc xây dựng hành lang bảo vệ bờ biển theo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; phục vụ đắc lực cho việc giao khu vực nước biển trên thực địa và quản lý trên bản đồ.
Tại buổi làm việc, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi đã báo cáo một số nội dung chính trong quá trình triển khai, thực hiện Dự án; Danh mục 6028 điểm có giá trị đặc trưng mực nước triều vùng ven biển Việt Nam và 1909 điểm tại 10 đảo, cụm đảo lớn): Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Cồn Cỏ, Côn Đảo, Lý Sơn, Nam Du, Phú Quốc, Phú Quý và Vân Đồn); Giới thiệu tập bản đồ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm và đường ranh giới cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm theo hướng vỹ tuyến 3 hải lý vùng ven biển Việt Nam.
Cũng tại buổi làm việc, ông Trần Hồng Lam, Giám đốc Trung Tâm Hải văn đã trinh bày Dự thảo Tờ trình của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Dự thảo Quyết định của Bộ TNMT về việc đề nghị ban hành Quyết định của Bộ trưởng Bộ TNMT công bố Danh mục các điểm có giá trị đặc trưng mực nước triều vùng ven biển Việt Nam và 10 cụm đảo lớn và Tập bản đồ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm và đường ranh giới cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm theo phương vỹ tuyến 3 hải lý.
Đóng góp ý kiến cho nội dung Tờ trình và Quyết định, đại diện các Vụ, Viện chức năng đều cho rằng, việc ban hành Quyết định là hết sức cần thiết và gấp rút để phục vụ công tác quản lý và phát triển kinh tế biển, hải đảo tại địa phương. Tuy nhiên, cần cân nhắc để phù hợp với thực tiễn và với pháp luật Việt Nam liên quan đang còn hiệu lực.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhất trí với quan điểm cần thiết phải hoàn thiên sớm để công bố Quyết định quan trọng này. Đặc biệt, cần giao các đơn vị chức năng phối hợp với Cục Đo đạc, bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam rà soát kỹ tính chính xác, pháp lý của các đường biên trên biển. Rà soát kỹ và so sánh giữa các phương pháp tính, phương pháp xác định giữa Nghị dịnh 51 và những nghiên cứu đang bổ sung sửa đổi nghị định này để có số liệu cụ thể; các kết quả thành phần phải đạt độ chính xác cao để có thể sớm đưa ra công bố.