Những người “thổi hồn” cho các món đồ độc, lạ đó cũng giống như một nghệ sĩ, họ khéo léo tận dụng những thứ dường như vô giá trị, “biến tấu” chúng, truyền ý tưởng và phong cách của bản thân để tạo thành những sản phẩm có ý nghĩa, có giá trị.
Là người tái chế các sản phẩm từ jean tại TP.HCM - Phạm Thị Hải Dương - chủ cửa hàng Cruella de Vil đã bắt đầu theo đuổi ý tưởng tái chế jean từ năm 2019 trong một lần dọn dẹp nhà cửa. “Mình gom được rất nhiều quần jean còn tốt nhưng lại bị lỗi mốt. Nhiều chiếc quần có họa tiết trang trí đẹp nhưng không còn phù hợp với xu hướng nữa nên mình bắt đầu quan tâm về tái chế và phát hiện ra rằng, quần jean cũ có thể làm được rất nhiều thứ hữu ích như lót ly tách, lót ghế, thảm chân… đặc biệt là tái chế thành các sản phẩm túi xách, ba lô” - Dương chia sẻ.
Bằng sự khéo léo, tỉ mẩn, cùng với vốn kiến thức về ngành may, Dương đã cho ra đời những sản phẩm thời trang có tính ứng dụng thực tiễn và thẩm mỹ cao từ những chiếc quần, chiếc áo jean cũ. Dương cho biết, jean là chất liệu có nhiều ưu điểm như tuổi thọ cao, dày dặn, không dễ bị giãn hay sờn rách, đặc biệt, jean cũ thường mang trong mình những câu chuyện và cá tính riêng nên sẽ tạo được chiều sâu, nét chấm phá độc đáo cho sản phẩm. Tái chế jean thường mất nhiều thời gian và phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nên việc sản xuất đại trà để mở rộng mô hình gặp nhiều khó khăn, do vậy, những sản phẩm được tái chế từ chất liệu này thường “độc nhất”.
Với mong muốn góp phần hạn chế rác thải, tăng vòng tuần hoàn cho nguồn tài nguyên có sẵn trong môi trường, đồng thời thúc đẩy ý thức sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, khuyến khích cộng đồng thực hiện tái chế và sử dụng các sản phẩm tái chế thay vì mua mới, Dương mở các lớp dạy làm đồ tái chế từ vải jean và nhận được sự ủng hộ của rất nhiều bạn trẻ. Dương hy vọng các sản phẩm tái chế sẽ ngày càng được ưa chuộng, được lựa chọn tiêu dùng nhiều hơn, số lượng “nghệ sĩ tái chế” sẽ ngày càng tăng, góp phần giảm thiểu gánh nặng cho môi trường.