Nhà máy của Cty CP kính nổi Chu Lai (tại Khu kinh tế mở Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) đốt lốp caosu nhả khói liên tục có mùi hôi, khét, gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng nặng nề đến đời sống - sinh hoạt của người dân trong khu vực. Mặc dù người dân liên tục phản ánh và chính quyền địa phương nhiều lần đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, nhưng đến nay tình hình vẫn chưa cải thiện.
Ống khói nhà máy kính nổi Chu Lai hằng ngày thải khí độc hại, khiến người dân bức xúc. |
Dân bức xúc
Nằm gần kề Nhà máy kính nổi Chu Lai (NM kính Chu Lai), hàng trăm hộ dân các thôn Phái Nhơn, Vĩnh Đại, Đại Phú, Thái Xuân… thuộc xã Tam Hiệp, Núi Thành đang ngày đêm kêu trời vì không chịu nổi mùi hôi, khét khó chịu do khói của NM này thải ra. Ông Trần Cử - trưởng thôn Vĩnh Đại - cho biết: “Từ ngày NM kính đốt lốp ôtô cũ để sản xuất, ống khói NM nhả khói đen xám, mùi khét lan tỏa theo gió, gây cảm giác buồn nôn. Trên mái tôn của các nhà, bụi caosu đen bám dày thành từng lớp. Hàng trăm người dân hít thở khói bụi ô nhiễm, sống không nổi”.
Còn ông Phạm Văn Toàn - chủ quán càphê ở thôn Phái Nhơn - thì la trời: “Bất kể sáng, chiều, đêm, NM đều nhả khói ô nhiễm vào chúng tôi. Nhiều nhà phải đóng kín cửa vì sợ khói. Mỗi sáng sớm tôi mở cửa bán càphê, mùi hôi xộc thẳng vào mũi, nhiều lúc xây xẩm cả mặt mày. Con nít ngửi mùi khói thì ho khan. Bà con ở đây kêu trời không thấu”.
Không chỉ hàng trăm người dân mà các công sở, NM ở trong khu vực cũng phải chịu đựng sự ô nhiễm này. Trường mẫu giáo Vàng Anh với hơn 400 học sinh cũng phải hứng chịu bụi khói từ NM kính. Một cô giáo cho biết: “Khoảng 2 năm nay, từ khi NM kính đốt lốp ô tô thì nhà trường phải giăng màn, đóng cửa lớp, không cho các em ra sân chơi đùa thường xuyên như trước nữa. Nhưng mùi khét vẫn len vào tận lớp, ngột ngạt, khó thở. Nhiều bữa đang cho các em ăn uống thì mùi hôi nồng nặc theo gió lùa vào khiến các em nôn ọe, giáo viên chúng tôi cũng phải buông chén vì nuốt không vô”.
Quá bức xúc, cô Khấu Thị Tạo - hiệu trường nhà trường - đã phải gửi đơn kêu cứu lên chính quyền địa phương đề nghị can thiệp. “Các cháu còn quá nhỏ, phải chịu đựng trong môi trường ô nhiễm này, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, và không biết còn điều gì sẽ xảy ra nếu tình trạng này kéo dài” - cô Tạo nói.
Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam cũng kêu cứu vì lo ngại sức khỏe bệnh nhân bị ảnh hưởng. Còn Cty Đầu tư phát triển hạ tầng KCN - ĐT Chu Lai - Trường Hải với hơn 2.000 công nhân phải gửi đơn đến UBND tỉnh Quảng Nam phản ánh việc nước thải và ống khói của NM kính nổi gây ô nhiễm. Theo Phòng TNMT huyện Núi Thành, đến nay có 6 DN, đơn vị đã gửi đơn cầu cứu vì ô nhiễm do khói NM kính.
Chính quyền bó tay?
Theo ông Trần Đình Tùng - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành - cho biết, từ năm 2003 đến nay, do hoạt động của NM xử lý phế thải caosu và plastic thành nhiên liệu phục vụ sản xuất kính của Cty kính nổi Chu Lai, tình hình ô nhiễm môi trường từ khí thải, bụi và nước thải chưa xử lý ra môi trường liên tục xảy ra, gây bức xúc trong người dân.
Đặc biệt, khí thải phát sinh từ ống khói NM có mùi khét khó chịu, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân và các đơn vị. Người dân liên tục phản ánh từ tiếp xúc cử tri đến viết đơn kêu lên huyện, tỉnh... UBND huyện cũng nhiều lần có văn bản đề nghị UBND tỉnh, Ban QL khu kinh tế mở Chu Lai, Sở TNMT kiểm tra, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Theo Ban Quản lý khu kinh tế mở Chu Lai (Ban QL), hoạt động của Cty kính nổi phát sinh mùi hôi, nước mưa chảy tràn cuốn theo bụi cacbon ra môi trường. Ban QL đã yêu cầu Cty có biện pháp xử lý lượng khí thừa từ nhiệt phân caosu nhưng tình hình vẫn chưa thay đổi. Còn theo Sở TNMT Quảng Nam, thì từ khi NM xử lý phế thải caosu đi vào hoạt động, sở nhận được không ít đơn phản ánh của người dân.
Năm 2013, Sở đã nhiều lần kiểm tra, thu mẫu tại NM, có phát hiện một số tồn tại thiếu sót trong bảo vệ môi trường tại NM xử lý phế thải cao su và plastic. Tuy nhiên do việc phát sinh khí thải có mùi hôi thường vào ban đêm, việc thu mẫu khí thải và xác định các khí gây mùi rất khó khăn nên sở vẫn chưa tìm được giải pháp xử lý triệt để vụ việc. Vào tháng 4.2014, qua kiểm tra, Sở TNMT phát hiện NM xử lý phế thải caosu và plastic thải nước ra hệ thống không đúng quy định, nước thải mang theo cacbon đen với lượng lớn ra hệ thống thu gom nước thải, chảy ra môi trường gây ô nhiễm. Tuy nhiên, việc kiểm tra xử lý đối với ô nhiễm do phát sinh khí thải vẫn chưa thực hiện được.
Trước sự bức xúc của người dân và chính quyền địa phương, tại cuộc làm việc với Ban QL Khu kinh tế mở Chu Lai vào tháng 4.2014, Tỉnh ủy Quảng Nam cũng yêu cầu phải tập trung xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường tại NM kính Chu Lai. Nếu DN gây ô nhiễm chưa khắc phục được thì phải thu hẹp sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động, khi nào xử lý tốt các vấn đề về môi trường mới được sản xuất trở lại. Tỉnh Quảng Nam cũng đã đề nghị Bộ TNMT hỗ trợ việc kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của Cty này vào tháng 7.2014. Hiện vẫn chưa có kết luận từ đoàn công tác của Bộ TNMT.
Trao đổi với PV về việc này, ông Đỗ Tuấn Việt - TGĐ Cty CP kính nổi Chu Lai - cho rằng, không có cơ sở để khẳng định NM gây ô nhiễm. “Dù NM bị sự cố gây ô nhiễm một lần, nhưng việc người dân đổ hết cho NM xả khói gây ô nhiễm là không khách quan, vì ở đó có nhiều NM chứ không riêng nhà máy của Cty. Sản xuất công nghiệp ít nhiều cũng gây ô nhiễm môi trường, quan trọng là làm sao để hạn chế thấp nhất” - ông Việt nói.
Theo Trương Tâm Thư/Báo Lao Động