Chi phí vay đầu tư các dự án năng lượng tái tạo giảm đáng kể

Khánh Ly| 20/04/2021 16:07

(TN&MT) - Theo một nghiên cứu mới của Đại học Oxford (Anh), khi so sánh giai đoạn 2007-2010 với giai đoạn 2017-2020, chi phí vay để đầu tư cho các dự án năng lượng năng lượng tái tạo đã giảm trung bình 12% đối với điện gió trên bờ và 24% đối với điện gió ngoài khơi. Trong khi đó, chi phí cho các nhà máy điện than đã tăng 56%, còn nhà máy điện dầu khí ít thay đổi.

Xu hướng này càng trở nên rõ ràng kể từ năm 2015 khi lượng lắp đặt năng lượng tái tạo tăng lên. Các chuyên gia của Đại học Oxford đã theo dõi sự thay đổi chi phí tài chính cho các dự án năng lượng thông qua chi phí vay trong vòng 20 năm qua. Theo đó, chi phí tài trợ điện mặt trời, điện gió trên đất liền và điện gió ngoài khơi giảm lần lượt là 20%, 15% và 33% (so sánh giai đoạn 2010-2014 với 2015-2020).

Sự khác biệt giữa các khu vực địa lý thể hiện rõ. Chi phí tài chính cho điện gió ngoài khơi ở Châu Âu đã giảm 39%; điện gió trên đất liền ở Úc, Bắc Mỹ và Châu Âu giảm lần lượt 41%, 14% và 11%; và điện mặt trời ở Bắc Mỹ và Châu Âu giảm 32% và 27%.

Chi phí vay đầu tư cho điện gió ngoài khơi đã giảm khoảng 1/3 so với trước

Trái ngược với năng lượng tái tạo, so sánh 2007-2010 với 2017-2020, các nhà máy điện than và mỏ than đã chứng kiến chi phí vay tăng mạnh với chi phí vay tăng lần lượt là 56% và 65%. Đối với dầu mỏ và khí đốt, trong thập kỷ qua, mức chi phí vay chủ yếu vẫn ổn định, chỉ tăng 3%.

Tiến sĩ Ben Caldecott, đồng tác giả kiêm Giám đốc Chương trình Tài chính Bền vững Oxford cho biết: Biến đổi khí hậu được coi là rủi ro dài hạn và trong tương lai xa. Phát hiện của chúng tôi củng cố các luận điểm về chi phí cho điện than tăng và chi phí cho năng lượng tái tạo giảm. Thách thức ở đây là xu hướng này không diễn ra đồng đều, và chắc chắn vẫn chưa đủ nhanh để đối phó với biến đổi khí hậu. Thay đổi cần đến từ chính các nhà đầu tư, đặc biệt là các ngân hàng.

Mới đây, một nhóm nhà đầu tư quản lý lượng tài sản trị giá 11.000 tỷ USD đã kêu gọi các ngân hàng đặt ra các mục tiêu khí thải nghiêm ngặt hơn trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu diễn ra vào ngày 22-23/4 tới tại Mỹ, nhằm thúc đẩy nỗ lực chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Trong khi một số ngân hàng lớn nhất thế giới có tham vọng đưa mức phát thải khí nhà kính "về không" vào năm 2050, nhiều ngân hàng vẫn chưa xác định rõ kế hoạch của mình trong vấn đề này và tiếp tục tài trợ cho các hoạt động có mức phát thải lớn.

Natasha Landell- Mills, Trưởng phòng Quản lý tại Sarasin & Partners cho biết, quá nhiều ngân hàng không cân nhắc đến tác hại của khí hậu khi họ đưa ra quyết định tài trợ và quá nhiều tiền đang được đổ vào các hoạt động phát thải lượng lớn CO2. Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới về biến đổi khí hậu sắp diễn ra tại Mỹ, nhóm nhà đầu tư trên cho biết họ muốn các ngân hàng đẩy nhanh nỗ lực, bao gồm cả việc đặt ra các mục tiêu tạm thời để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào giữa thế kỷ này hoặc sớm hơn. Họ cũng nói thêm rằng, mức nợ cần được thay đổi để gắn với việc đạt được các mục tiêu về khí hậu, trong khi các rủi ro về khí hậu cũng nên được đưa vào các điều khoản đã công bố của các ngân hàng.

Một số ngân hàng cho biết họ đã có kế hoạch tăng cường đầu tư vào năng lượng xanh và các hoạt động khác nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải ít carbon, nhưng nhóm nhà đầu tư này cho biết, các ngân hàng cần hành động nhiều hơn nữa. Họ nhấn mạnh, điều quan trọng là các nhà đầu tư cần đặt ra tiêu chí rõ ràng cho việc rút tiền tài trợ cho các hoạt động "sai lệch", đi ngược với mục tiêu chống biến đổi khí hậu của các lĩnh vực và các ngành công nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chi phí vay đầu tư các dự án năng lượng tái tạo giảm đáng kể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO