Chí Linh (Hải Dương): Cuộc sống người dân ấm no nhờ trồng rừng
Nhiều năm qua, trên địa bàn thành phố Chí Linh (Hải Dương) người dân được giao đất rừng sản xuất đã phát huy được hiệu quả kinh tế nhờ vào trồng rừng, Từ rừng, người dân xây dựng đa dạng mô hình kinh tế cho nguồn thu nhập ổn định, bền vững vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm giàu từ đất rừng. Chính vì vậy rừng luôn được chăm sóc và bảo vệ để mỗi ngày, nối dài thêm màu xanh.
Chúng tôi về thành phố Chí LInh (Hải Dương) tìm hiểu hiệu quả giao đất rừng sản xuất cho các hộ dân. Anh Mạc Đình Thắng, Hạt trưởng Kiểm lâm Chí Linh nhiệt tình dẫn chúng tôi về xã Bắc An, trên con đường trải nhựa phẳng lì, những cánh rừng được người dân trồng xanh mướt, chuẩn bị cho mùa thu hoạch. Anh Thắng cho biết: Thành phố Chí Linh (Hải Dương) hiện có 4.556,62ha đất rừng sản xuất, được giao khoán cho khoảng 800 hộ dân. Nhiều năm qua, các hộ nhận đất trồng rừng đã cho thu nhập ổn định đều vươn lên xóa đói giảm nghèo, trở thành các hộ khá giả, có hộ nhờ kết hợp các mô hình kinh tế mà hàng năm thu nhập từ 300 – 500 triệu đồng. Trong đó, xã Bắc An có diện tích đất rừng sản xuất lớn 684.48ha, người dân nhận đất trồng rừng nay đều là hộ gia đình khá giả và thu nhập cao trong xã. Rừng đã mang lại cho người dân cuộc sống tốt hơn rất nhiều, thoát được đói nghèo. Chình vì vậy, người dân xã Bắc An được giao đất rừng sản xuất luôn coi rừng như ngôi nhà thứ 2 để chăm sóc, bảo vệ.
Đến thôn Mệnh Trường, xã Bắc An, chúng tôi vào thăm nhà ông Trấn Văn Bồ một ngôi nhà mái Thái to đẹp khang trang, đây là thành quả của gia đình ông qua nhiều năm trồng rừng. Ông Bồ kể: Năm 1993, gia đình tôi được nhận 6ha đất rừng và được gia trông nom, bảo vệ gần 10ha rừng phòng hộ. Cuộc sống của gia đình khi đó rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo vì không có nguồn thu nhập ổn định, được các cơ quan, tổ chức và nhất là chính quyền địa phương, cán bộ kiểm lâm động viên trồng rừng sản xuất để phát triển kinh tế lâu dài, kết hợp phát triển kinh tế dưới tán cây rừng. Ban đầu không có tiền thuê người trồng, cả gia đình ông tập trung đào hố trồng cây rất vất vả của 6ha rừng trồng bạch đàn, keo. Công sức của gia đình được đền đáp khi rừng cầy chỉ qua một năm trồng đã lên xanh mướt, bởi cây keo, bạch đàn ở đây phù hợp với thổ nhưỡng.
Mỗi vụ cây trồng từ 5 – 7 năm, gia đình ông thu được gần 700 triệu đồng. Đến nay là vụ thứ 4 sắp cho thu hoạch, 1ha cây trồng trừ công chi phí thu được 100 – 120 triệu đồng, số tiền này đối với những người nông dân quanh năm “chân lấm tay bùn” quả là không nhỏ – ông Bồ nói: “Rừng mang lại hiệu quả kinh tế nay gia đình tôi đã làm được nhà to, con cái có được cuộc sống ấm no. Không chỉ nguồn thu từ trồng rừng mà gia đình còn phát triển mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng xen canh các loại cây ngắn ngày. Chính việc trồng rừng mang lại hiệu quả lớn về kinh tế, giúp bà con xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu. Nhờ rừng mà hàng trăm hộ gia đình trong xã xây được nhà cửa khang trang, lo cho con cái ăn học đàng hoàng.
Chia tay ông Bồ, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Công Bốn, người ở cùng thôn. Ông Bốn đang cùng gia đình chăm sóc các tổ ông nuôi ở khu 6ha rừng sản xuất của gia đình. Trong ngôi nhà tiện bề trông coi cánh rừng keo, bạch đàn năm thứ 4 chuẩn bị cho thu hoạch và hàng trăm tổ ong sắp đến ngày lấy mật, ông Bốn, chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi được chính quyền địa phương động viên nhận đất để trồng rừng sản suất, giờ ngẫm lại thấy đúng quá vì không có gì quý bằng đất, bằng rừng. Những giọt mồ hôi của người trong gia đình đổ xuống chăm sóc, bảo vệ cây trồng qua năm tháng đã cho những mùa trái ngọt. Tính sơ sơ thu hoạch 4 vụ rừng trồng của gia đình ông Bốn đến nay cũng được trên 2 tỷ đồng, số tiền đó đối với những người ở vùng nông thôn, rừng núi quả là “giấc mơ”. Nhờ cánh rừng trồng, gia đình ông Bốn đầu tư nuôi hàng trăm tổ ong, đàn ong sinh sôi nảy nở rất nhanh nhờ vào rừng nhiều các loại hoa.
Trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng rất vất vả - ông Bốn, nói: Thời điểm ban đầu trồng cây phải thường xuyên chăm nom; phát cỏ và bón phân cho cây chậm phát triển còi cọc… khi cây qua năm đầu đã lên cao thì hàng ngày phải lên trông nom, tỉa cành cho cây được phát triển nhanh, vào mùa hanh khô phải phát quang cây cối và làm hành lang bảo vệ ngăn lửa phòng chống cháy rừng. Trách nhiệm với diện tích 6ha rừng trồng sản xuất và nhận trông nom, bảo vệ 10ha rừng phòng hộ từ năm 1993 đến nay, hộ gia đình ông Bốn luôn được đánh giá là điển hình gương mẫu trong bảo vệ rừng, làm kinh tế giỏi tại địa phương không chỉ vươn lên xóa đói giảm nghèo mà còn là hộ khá giả có nguồn thu nhập cao hàng trăm triệu mỗi năm nhờ nuôi ong.
Hiệu quả từ hàng nghìn ha đất rừng sản xuất giao cho người dân TP. Chí Linh vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm giàu đây cũng chính là động lực tạo nên niềm vui, gắn bó hơn với rừng để người dân bảo vệ tốt diện tích rừng phòng hộ được giao.