Từ giữa năm 2019, hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” và hạn chế không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, UBND huyện Bảo Lạc đã thay đổi nhận thức, sử dụng các chai đựng nước bằng thủy tinh thay thế chai đựng nước bằng nhựa. Phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn huyện Bảo Lạc giờ không chỉ còn là khẩu hiệu mà đã đi sâu vào cuộc sống, tạo thành hành động cụ thể, nền nếp và được áp dụng thực hiện ở các cấp huyện, xã, thị trấn.
Ông Dương Viết Lưu, Phó Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Bảo Lạc cho biết: Nhận thức của Cán bộ, Đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện về phong trào “Chống rác thải nhựa” thay đổi rõ rệt. Từ khi phong trào được triển khai, mỗi tháng, huyện Bảo Lạc không chỉ tiết kiệm được hàng chục triệu đồng kinh phí mua nước đóng chai mà quan trọng hơn là góp phần giảm thiểu được lượng rác thải nhựa ra môi trường.
Hội LHPN phường Hợp Giang, TP. Cao Bằng (Cao Bằng) sử dụng túi thân thiện với môi trường khi mua hàng hằng ngày |
Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, bảo vệ môi trường, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Cao Bằng đã chủ động xây dựng kế hoạch và hướng dẫn 100% Hội LHPN các cấp triển khai phong trào gắn với thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, xây dựng nông thôn mới… Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tích cực thực hiện phong trào bằng những hoạt động, việc làm cụ thể, thiết thực… Hội thành lập các mô hình, câu lạc bộ, vận động các đơn vị cơ sở hội, cơ quan hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần… Khuyến khích hội viên, phụ nữ là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thay đổi thói quen tiêu dùng. Hiện, toàn tỉnh có 311 mô hình “Gia đình 5 không, 3 sạch”, trong đó có 47 mô hình “Thu gom, xử lý rác thải hộ gia đình”; 34 mô hình “Hạn chế sử dụng túi nilon” và mô hình “Sử dụng làn nhựa đi chợ”… Các cấp Hội cơ sở thực hiện hiệu quả phong trào “Chống rác thải nhựa” gắn với thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, tiêu biểu như: TP. Cao Bằng, Hòa An, Quảng Hòa, Trùng Khánh, Bảo Lạc.
Chi cục Bảo vệ môi trường thường xuyên phối hợp tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn về tác hại, nguy cơ của rác thải nhựa đến các cơ quan, đoàn thể, các huyện, thành phố. Tuy vậy, do thói quen cũng như giá thành các sản phẩm thân thiện với môi trường còn cao hơn so với túi sản phẩm nhựa truyền thống. Nên để thay đổi nhận thức của người dân cần kiên trì tuyên truyền, vận động theo phương pháp “mưa dầm thấm lâu”. Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng sự quan tâm, phối hợp triển khai thực hiện có trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân chung tay “Chống rác thải nhựa”.
Bà Nguyễn Thị Lâm, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cao Bằng khẳng định: Phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng, chống ô nhiễm từ rác thải nhựa đã và đang có sức lan tỏa sâu rộng, thực sự trở thành việc làm thường xuyên của các cấp Hội. Để phong trào “Chống rác thải nhựa” tiếp tục phát huy hiệu quả cao nhất, ngoài sự nỗ lực của các cấp Hội cần sự chung tay của các cấp, ngành, địa phương và người dân nhằm chung tay chống rác thải nhựa, giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp.