Trước thực tế đó, ngành Giao thông vận tải (GTVT) Cao Bằng đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, sẵn sàng bố trí nhân lực, vật lực, ứng phó và kịp thời khắc phục sự cố do thiên tai gây ra, đặc biệt tại các tuyến giao thông huyết mạch nhằm bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt trong mùa mưa bão.
Nguy cơ mất an toàn giao thông mùa mưa bão
Sau những trận mưa lớn kéo dài, bùn đất tràn xuống đường khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. |
Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng chỉ có một loại hình kết nối giao thông duy nhất là đường bộ, với tổng chiều dài khoảng 7.325 km, trong đó, 714 km đường quốc lộ, 1.030 km đường tỉnh, 1.489 km đường huyện và 4.092 km đường xã, thôn xóm; với tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa quốc lộ là 100%.
Mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng khá lớn, song hầu hết các tuyến đường được đầu tư đã lâu, một số tiêu chuẩn kỹ thuật đã không còn đáp ứng được sự an toàn khi tham gia giao thông của các phương tiện có kích thước và tải trọng lớn. Nhiều tuyến đường tỉnh đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân. Đối với các tuyến đường huyện, đường xã thiết kế với quy mô kỹ thuật thấp, kết cấu mặt đường mỏng, hệ thống thoát nước còn thiếu dẫn đến nền mặt đường bị xói lở trong mùa mưa bão.
Ông Lã Hoài Nam, Giám đốc Sở GTVT Cao Bằng cho biết, trước thực trạng giao thông của tỉnh và trên cơ sở những kinh nghiệm từ mùa mưa bão năm trước, Sở GTVT Cao Bằng đã chủ động triển khai nhiều biện pháp để xử lý cũng như đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trong mùa mưa bão năm nay. Sở GTVT Cao Bằng đã thành lập đoàn kiểm tra, tiến hành rà soát các vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, ngập lụt và thường xuyên bị hư hỏng, ách tắc giao thông trong mùa mưa bão để có phương án sửa chữa, xử lý kịp thời khi thiên tai gây ra. Các điểm xung yếu cụ thể như: đoạn đèo Nà Tềnh trên Quốc lộ 4A; đoạn Km73+600-Km78 (Pác Nhùng - Bảo Lâm), đoạn Km142-Km182 (Bản Riển - Bản Ngà - Ca Thành), đoạn Km193-Km209 (Thị trấn Tĩnh Túc - Thị trấn Nguyên Bình)… trên Quốc lộ 34; đoạn Km200-Km217 trên Quốc lộ 4C; đường tỉnh 202, 204, 207, 209, 212…
“Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra đối với ngành GTVT, Sở GTVT Cao Bằng đã chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án cụ thể, chi tiết, chuẩn bị tốt mọi điều kiện để xử lý khi có sự cố về hạ tầng giao thông. Chỉ đạo các đơn vị, thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) trực thuộc Sở thường xuyên kiểm tra các khu vực đường xung yếu, các cầu yếu…; bố trí sẵn sàng nhân lực, vật lực, ứng phó và kịp thời khắc phục sự cố do thiên tai gây ra, bảo đảm thường xuyên, giao thông thông suốt khi mưa bão xảy ra…”. Ông Lã Hoài Nam cho biết thêm.
Nỗ lực không để mưa bão ảnh hưởng đến ATGT
Các ngành chức năng và nhà thầu thi công nỗ lực, khẩn trương khắc phục khối lượng lớn đất, đá sạt lở xảy ra hồi tháng 5/2020 tại tuyến Tỉnh lộ 207, bảo đảm giao thông thông suốt. |
Bước vào mùa mưa bão năm nay, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN trực thuộc Sở GTVT Cao Bằng thường xuyên chỉ đạo kiểm tra các khu vực đường xung yếu, các cầu yếu để đảm bảo giao thông thông suốt khi có sự cố do thiên tai; bố trí hơn 40 xe tải, máy xúc sẵn sàng ứng phó và kịp thời khắc phục sự cố thiên tai, bảo đảm việc vận chuyển hàng hóa cứu trợ cho nhân dân vùng bị thiên tai. Cùng với đó, Sở đã xây dựng phương án phân luồng giao thông trên hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ; xây dựng phương án cụ thể, kịp thời xử lý các tình huống, sự cố, dạng thiên tai xảy ra.
Các phòng chức năng của Sở GTVT Cao Bằng chủ động tiến hành rà soát, xác định những vị trí thường xuyên xảy ra sự cố, sạt lở đất, đá trên tất cả các tuyến đường, đặc biệt các tuyến đường có nhiều đèo dốc nguy hiểm, nằm trong vùng thấp và đầu mối giao thông có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao. Đối với các dự án đang triển khai, Sở GTVT Cao Bằng chỉ đạo các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ, xây dựng phương án bảo đảm ATGT đối với các công trình đang thi công; khắc phục kịp thời thiệt hại do thiên tai gây ra ở khu vực công trình đang thi công.
Giám đốc Sở GTVT Cao Bằng Lã Hoài Nam cho biết, công tác đảm bảo ATGT đường bộ trước, trong và sau mùa mưa lũ luôn được Sở GTVT Cao Bằng đặc biệt quan tâm, triển khai quyết liệt, với phương châm của công tác khắc phục hậu quả thiên tai “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Song, công tác này cũng đang gặp phải một số khó khăn, hạn chế nhất định, mà vấn đề bất cập nhất hiện nay là điểm đổ thải của đất, đá khi khắc phục các điểm sạt lở trên đường bộ. Cụ thể, theo quy định hiện hành, việc cấp điểm đổ thải thực hiện theo dự án đầu tư và được đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm và tuân thủ quy định của Luật Đất đai. Nhưng trình tự thực hiện hoạt động sửa chữa, khôi phục hư hỏng công trình đường bộ lại không như dự án đầu tư thông thường mà phải thực hiện ngay sau khi thiên tai suy yếu hoặc thời tiết trở lại bình thường, với mục tiêu kịp thời sửa chữa, khôi phục nhanh nhất những hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông do thiên tai gây ra nhằm đảm bảo ngay cho hoạt động giao thông thông suốt, an toàn, do vậy còn nhiều bất cập trong thực tiễn.
Mùa mưa bão năm nay được dự báo sẽ diễn biến bất thường, mang nhiều yếu tố cực đoan, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất lợi tới các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Với những phương án, giải pháp cụ thể, ngành GTVT Cao Bằng sẽ chủ động xử lý kịp thời và hiệu quả các tình huống khi xảy ra thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng và các công trình giao thông huyết mạch, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng.