Do địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn. Hàng năm, vào mùa mưa bão thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Ảnh hưởng của BĐKH khiến tình hình thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ thiệt hại. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng tại một số địa phương như: công trình giao thông, nhà ở..., chưa đảm bảo chống chịu được. Mặt khác, một phần do hạn chế nhận thức về thiên tai; tập quán xây dựng nhà ở tự phát của nhân dân địa phương.
Bà Ma Thị Huyền Linh, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy lợi tỉnh Cao Bằng cho biết, để chủ động giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra, tỉnh Cao Bằng đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân nhận thức rõ hơn về vai trò, tầm quan trọng và trách nhiệm trong công tác ứng phó sự cố thiên tai cũng như công tác cứu hộ, cứu nạn; chú trọng thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng tự nhiên; trồng, tái sinh rừng phòng hộ đầu nguồn. Rà soát, quy hoạch dân cư, bố trí, sắp xếp dân cư tại khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Đồng thời, “tiếp tục nghiên cứu xây dựng, sử dụng hiệu quả Bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, xác định các điểm đã xảy ra trượt lở đất đá, khoanh vùng các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá trên địa bàn tỉnh, phục vụ chỉ đạo sơ tán dân cư kịp thời, phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo, phân tích, đánh giá tác động của thiên tai”, bà Ma Thị Huyền Linh cho biết thêm.
Trận mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường giao thông liên xã của tỉnh Cao Bằng bị sạt lở nghiêm trọng. |
Các tháng đầu năm 2021, tại tỉnh Cao Bằng đã xảy ra 1 đợt rét đậm, rét hại diện rộng; 1 vụ lở đá; 7 đợt dông, lốc cục bộ, mưa lớn, sét. Các đợt thiên tai đã gây thiệt hại về nhà ở, hoa màu, công trình giao thông, trâu, bò bị chết rét…, ước tính tổng thiệt hại trên 7,5 tỷ đồng.
Về những khó khăn trong công tác cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa tại tỉnh Cao Bằng, Phó Chi cục trưởng Ma Thị Huyền Linh chia sẻ, tình hình lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Cao Bằng thường xảy ra cục bộ ở những lưu vực khe suối nhỏ, xuất hiện phức tạp, bất ngờ do điều kiện địa hình của tỉnh chia cắt, độ dốc sông suối lớn. Hiện, mạng lưới trạm quan trắc và theo dõi để cảnh báo lũ quét, sạt lở đất còn quá mỏng, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn tại địa phương. Bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét trên địa bàn tỉnh Cao Bằng do Bộ Tài nguyên và Môi trường chuyển giao là cơ sở để các cơ quan quản lý lập quy hoạch, xây dựng các khu dân cư, công trình cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai… Tuy nhiên, với bản đồ giấy và bản đồ số khó có thể áp dụng, do tỷ lệ bản đồ nhỏ, chưa có bộ phận chuyên trách khai thác, cập nhật thông tin vào bản đồ để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Để nâng cao chất lượng cảnh báo, dự báo sớm và chi tiết lũ quét, sạt lở đất do mưa, tỉnh Cao Bằng tiếp tục tăng cường phát triển hệ thống quan trắc và hiện đại công nghệ cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét; thường xuyên rà soát, xác định và cập nhật khu vực trọng điểm xảy ra sạt lở, lũ quét; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ, xây dựng hệ thống cảnh báo tự động và cảnh báo rủi ro do thiên tai. Rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu thiên tai tích hợp trên bản đồ để các địa phương trong tỉnh làm cơ sở phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sắp xếp lại dân cư đảm bảo ổn định, bền vững.
Theo số liệu thống kê, năm 2020, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng xảy ra 19 đợt thiên tai (trong đó, 3 đợt lở đá; 16 đợt lốc, mưa đá, sét, mưa lớn, lũ quét), làm 3 người chết, 3 người bị thương; 20 ngôi nhà bị đổ sập, thiệt hại hoàn toàn; trên 6.000 nhà ở và gần 760 ha hoa màu bị ảnh hưởng; nhiều tuyến giao thông, trường học, nhà văn hóa, công trình thuỷ lợi, cấp nước bị thiệt hại. Tổng giá trị thiệt hại trên 78 tỷ đồng.