"Cánh tay robot" làm rạng danh Việt Nam nơi xứ người

26/05/2017 00:00

(TN&MT) - Những ngày qua, cái tên Phạm Huy (lớp 11A3, trường THPT thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) được nhiều người nhắc đến khi đã mang vinh quang về cho nước Việt. Huy xuất sắc giành giải 3 cuộc thi Khoa học- Kỹ thuật Quốc tế 2017 vừa diễn ra tại Mỹ với sản phẩm “cánh tay robot cho người khuyết tật”.

Sản phẩm “cánh tay robot cho người khuyết tật” của Huy
Sản phẩm “cánh tay robot cho người khuyết tật” của Huy

Muốn giúp đỡ người khuyết tật

Con hẻm nhỏ đi vào nhà nam sinh lớp 11 luôn chật kín người đến chung vui trong gần một tuần vừa qua. Anh Quang Hiền (người dân cùng xã với nhà Huy) hào hứng: “Huy là đứa học giỏi, ở quanh xã rất nhiều người biết đến em và tự hào vì em đạt giải cao ở quốc gia và tham gia giải quốc tế”.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở làng Bích La Hậu (xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), từ nhỏ Huy học rất giỏi và đam mê đồ điện tử, em đã tự tay làm ra đồ chơi cho riêng mình.

Chị Nguyễn Thị Niềm (mẹ Huy) nói rằng khi Huy học cấp 2, cấp 3, gia đình cũng khuyên bảo, ngăn cấm để Huy tập trung cho việc học hành. Nhưng Huy luôn lén lút tìm hiểu việc chế tạo máy và có niềm đam mê kỳ lạ với các sáng chế kỹ thuật.

Theo Huy, từ nhỏ em chứng kiến nhiều người khuyết tật không chỉ do bom mìn mà cả tai nạn giao thông hay những khuyết tật bẩm sinh, nhưng vì không có công cụ hỗ trợ nên việc sinh hoạt bình thường hết sức khó khăn.

Bố của Huy tự hào và chia sẻ thành tích tuyệt vời của con trai mình
Bố của Huy tự hào và chia sẻ thành tích tuyệt vời của con trai mình

“Trong một lần xem ti vi, em thấy có chương trình nói về cánh tay robot cho người khuyết tật do người Mỹ sáng tạo. Thế nhưng chi phí của cánh tay này quá đắt so với điều kiện của người Việt Nam, nên từ đó em ấp ủ ước muốn chế tạo ra một cánh tay robot giá rẻ cho người khuyết tật...”- Huy chia sẻ.

Trước đó, Huy đã chế tạo nhiều sản phẩm nhưng đều không như mong muốn. Cuối năm lớp 10, Huy bắt tay vào chế tạo và đến giữa năm 2016 thì hoàn thành sản phẩm, tổng chi phí khoảng 3 triệu đồng.

Cánh tay robot của Huy được điều khiển bằng các vi mạch dưới lòng bàn chân có thể thao tác nhịp nhàng, úp ngửa, co duỗi ngón tay cẳng tay, cầm nắm những đồ vật nặng... Là học sinh phổ thông ở vùng quê nên Huy còn khó khăn, phải sử dụng nhựa mêca để làm cánh tay robot. Sau này, Huy và thầy giáo hướng dẫn đã tìm tòi và cải tiến bằng công nghệ in 3D nên đẹp và vận hành tốt hơn.

Niềm vui từ tấm vé muộn

Đề tài cánh tay robot của Huy được mang đi dự thi ở tỉnh Quảng Trị và đạt giải nhất tỉnh, rồi mang đi thi tiếp ở Quốc gia cũng đạt giải Nhất lĩnh vực và Nhất toàn cuộc. Phạm Huy và sản phẩm của mình được Bộ GD&ĐT cử đi Mỹ để dự cuộc thi Khoa học- Kỹ thuật Quốc tế. Thế nhưng, em đã bị từ chối cấp visa 2 lần sau khi phỏng vấn không suôn sẻ. Đến lần thứ 3, Huy được gọi ra Hà Nội phỏng vấn và chính thức được tham dự cuộc thi khi chỉ còn vài giờ đồng hồ.

Để có được thành công ngoài mong đợi không thể không kể đến sự giúp đỡ tận tình của thầy Lê Công Long (giáo viên hướng dẫn của Huy). Thầy Long đã định hướng công việc, hướng dẫn nghiên cứu, lập kế hoạch và viết báo cáo, các vấn đề kỹ thuật liên quan bộ môn, hướng phát triển đề tài. Trong thời gian thực hiện, hai thầy trò Huy cùng ăn cùng ngủ với đề tài tâm huyết này.

Giáo viên hướng dẫn và Huy đang xem lại mô hình (Ảnh: nhân vật cung cấp)
Giáo viên hướng dẫn và Huy đang xem lại mô hình (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Chia sẻ về giây phút nghẹt thở khi được cấp visa sang Mỹ, thầy Long nói: “Thật may mắn, tia sáng hy vọng đã lóe lên. Tôi nghĩ rằng cơ hội sau cùng ấy đã rất kịp thời trao cho em, một đứa trẻ thắp lên niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống này. Đồng thời, đó cũng là một thử thách mới và củng cố thêm minh chứng cho mọi người rằng Huy là một học sinh rất đam mê, có bản lĩnh trước những khó khăn mà em gặp phải”.

Thầy Công Long cho biết thêm, nếu như trước đây em chỉ đi lại quanh nhà, còn bây giờ mình em đã tự đi tận nửa vòng Trái đất bằng chính đôi chân của mình. Cái bước chạy của em khi lên sân khấu nhận giải tuy là một bước chạy ngắn nhưng lại là một bước đà cho cả quãng đường dài sau này.

“Từ khi nó bay sang Mỹ đêm nào tôi cũng thức trắng đêm và cầu nguyện cho nó. Dù vui nhưng gia đình rất lo lắng. Đến khi có kết quả rồi, tôi cũng không chợp mắt được...”- chị Niềm (mẹ Huy) tâm sự.

“Khi nghe kết quả, cả nhà ai ai cũng nín thở. Chúng tôi không hiểu tiếng Anh nhưng nghe hai từ Quảng Trị là nhảy cởn lên và khi đó biết con đã đạt giải 3 rồi. Đến gần sáng thì nó gọi về nói con đạt giải rồi khiến tôi với mẹ nó khóc òa”- ông Đính vui mừng kể.

Bà Lê Thị Hương- Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết: “Khi nhận được tin, tôi dường như thức trắng cả đêm vì quá vui mừng. Ngoài giải thưởng này, trước đó Huy còn nhận được một giải thưởng phụ khác do Viện Kỹ nghệ và Điện từ Quốc tế trao tặng”- bà Hương chia sẻ.

Được biết, hiện tại có một số trường muốn tài trợ học bổng cho em đến hết cấp 3. Gia đình Huy cho hay sẽ để cho Huy quyết định mọi việc. “Gia đình muốn cháu đi du học, học đến nơi đến chốn và đặc biệt là cháu sẽ luôn cháy hết mình vì đam mê”, mẹ của Huy trải lòng.

Đối với Huy, em thật sự hạnh phúc vì như vừa ghi bàn thắng ở phút bù giờ vậy.Nói về những dự định của mình, Huy cho biết trước hết sẽ hoàn thành chương trình học phổ thông còn bỏ dở trong thời gian tập trung nghiên cứu và dự thi vừa qua. Em cũng sẽ tiếp tục phát triển đề tài “cánh tay robot” và chia sẻ kiến thức cho những bạn cùng đam mê.

“Hy vọng sẽ có một tổ chức hay cá nhân nào đó chung sức với mình để phát triển đề tài này một cách hoàn thiện, sản phẩm có thể ứng dụng rộng rãi, giúp đỡ được nhiều người”- Huy chia sẻ thêm.

Bài & ảnh:Thế Anh – Quỳnh Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Cánh tay robot" làm rạng danh Việt Nam nơi xứ người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO