Cần Thơ phát triển sản xuất xanh

Bài và ảnh: Lê Hùng| 24/09/2020 10:57

(TN&MT) - Nhiều người dân trên địa bàn TP. Cần Thơ đã mạnh dạn triển khai mô hình sản xuất xanh thân thiện với môi trường và bước đầu đã cho nhiều kết quả tích cực.

Bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Cần Thơ cho biết: trước đây, nhiều nông dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố thường sử dụng phân bón hóa học để tăng năng suất, sản lượng và diệt trừ sâu bệnh trên cây trồng, điều này đã để lại nhiều hệ lụy đối với sức khỏe con người cũng như gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí.

Để nâng cao chất lượng nông sản, giảm thiểu tác động đến sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường và đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, trong những năm gần đây, người dân trên địa bàn thành phố đã chuyển qua sản xuất lúa, rau màu, trồng cây ăn trái sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp với phân vô cơ.

Tại huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ nhiều mô hình sản xuất gạo sạch đang ngày càng phát huy hiệu quả. Ông Dương Đình Vũ, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng lúa sạch My Hậu ở ấp Vĩnh Phụng, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ cho biết: Quy trình canh tác lúa của Tổ hợp tác chỉ sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học. Với quy trình sản xuất này giúp giảm chi phí trong sản xuất, hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an toàn sức khỏe lâu dài cho nông dân trực tiếp canh tác và người tiêu dùng.

Lợi ích mang lại từ mô hình trồng lúa không sử dụng phân bón hóa học, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ cho biết: trong thời gian tới, Hội Nông dân sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, khuyến khích bà con nông dân đẩy mạnh áp dụng phương thức canh tác bằng phân bón hữu cơ, góp phần xây dựng thương hiệu gạo sạch.

Còn tại huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ, mô hình trồng vú sữa VietGAP đang mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường. Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã vú sữa VietGAP (ấp Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Điền) cho biết: Hợp tác xã có tổng cộng 45 thành viên chuyên trồng vú sữa với tổng diện tích trên 45 héc-ta.

Việc áp dụng quy trình VietGAP trong trồng vú sữa ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ môi trường

Khi tham gia vào hợp tác xã, các thành viên được ngành nông nghiệp hướng dẫn quy trình bón phân, phun thuốc và thời gian cách ly để sản phẩm được bảo đảm an toàn đối với người tiêu dùng. Cùng với đó, để xuất được mặt hàng vú sữa sang thị trường khó tính, các thành viên của hợp tác xã sản xuất theo quy trình VietGAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.

Mặc dù, các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn TP. Cần Thơ đang mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường, song mô hình này cũng đang đối diện với nhiều khó khăn nhất là khi nông dân còn nặng với phương thức sản xuất truyền thống.

Để thay đổi tập quán sản xuất của người nông dân, bà Trần Thị Thiên Thư mong muốn, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị chức năng và chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để mỗi người dân thấy rõ được lợi ích của sản xuất sử dụng phân bón hữu cơ; đồng thời, liên kết tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản hướng đến mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp xanh, bền vững.

Thống kê từ ngành chức năng của TP. Cần Thơ cho thấy, hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 117.000 héc-ta đất sản xuất nông nghiệp, trong đó đất trồng lúa khoảng 85.000 héc-ta, đất trồng cây ăn trái 20.000 héc-ta, còn lại là đất trồng rau màu và nuôi thủy sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần Thơ phát triển sản xuất xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO