Cần nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo lũ, sạt lở đất

25/10/2018 11:35

(TN&MT) - Để giảm thiệt hại do lũ, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc, việc dự báo, cảnh báo sớm được coi là giải pháp đặc biệt quan trọng. Do đó, cần thường xuyên nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo lũ, sạt lở đất.

T7
Hiện tượng lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại tại các tỉnh miền núi. Ảnh: Hoàng Minh

Lũ quét, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng

Vùng núi phía Bắc gồm 15 tỉnh, chiếm 28,8% diện tích tự nhiên của cả nước. Khu vực này có địa hình chủ yếu là dãy núi cao, thung lũng sâu, độ dốc lớn, nền địa chất yếu… Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu nên các tỉnh vùng núi thường xuyên bị thiệt hại vì lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), trong 20 năm qua, xảy ra trên 300 trận lũ quét, sạt lở đất với quy mô và phạm vi ngày càng lớn, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản và cơ sở hạ tầng. Trong đó, một số trận lũ quét, sạt lở đất điển hình như: Lũ quét ngày 5/9/2013 tại xã Bản Khoang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai làm 11 người chết và mất tích, 16 người bị thương; lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ sau bão số 2 năm 2016 ở Lào Cai đã làm 15 người chết và mất tích tại các huyện Bát Xát và Sa Pa; sạt lở tại mỏ vàng Mà Sa Phìn, xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai làm 10 người chết và mất tích,...

Năm 2017, lũ quét, sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng trên diện rộng tại các tỉnh miền núi tại huyện Mường La (tỉnh Sơn La), Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) vào đầu tháng 8; tại các huyện Tân Lạc, Đà Bắc, TP. Hoà Bình (tỉnh Hòa Bình) từ giữa tháng 10. Lũ quét, sạt lở đất trong năm đã làm 71 người chết và mất tích, 4.109 ngôi nhà bị sập, đổ, cuốn trôi.

Từ đầu năm 2018 đến nay, tại khu vực này đã xảy ra 12 trận lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, làm 49 người chết, 14 người mất tích, 21 người bị thương, thiệt hại về kinh tế khoảng 1.000 tỷ đồng… Hiện nay, vẫn còn nhiều hộ gia đình đang sinh sống tại những nơi không đảm bảo an toàn, có nguy cơ cao ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất.

Nhiều điểm cần khắc phục

Trong bối cảnh thiên tai diễn biến phức tạp, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Trong đó, tập trung vào việc lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm cho một số vị trí có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; xây dựng bản đồ nguy cơ trượt lở đất đá; cắm biển cảnh báo tại các vị trí nguy hiểm. Hàng năm, tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai ở cấp huyện, cấp xã; ban hành các tài liệu hướng dẫn tổ chức, hộ gia đình phục vụ hoạt động phòng chống thiên tai; triển khai đánh giá nhanh nhà ở an toàn khu vực miền núi.

Tại hội thảo “Giải pháp khoa học công nghệ trong phòng, chống lũ quét, sạt lở đất” do Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) tổ chức mới đây, một vài ý kiến tại địa phương cho rằng, chất lượng dự báo, cảnh báo lũ, sạt lở đất hiện nay ở các tỉnh miền núi còn một số điểm cần khắc phục như bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất hiện nay có phạm vi rộng, chưa chi tiết các điểm xã, thôn, bản; chưa cảnh báo được theo thời gian thực. Mặt khác, hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm cho các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất vẫn dựa trên dữ liệu mưa, mực nước sông, suối, không phù hợp với loại hình thiên tai sạt lở đất, lũ bùn đá ở vùng sinh lũ.

Bên cạnh đó, các mô hình dự báo mưa hiện nay của Việt Nam chưa cho phép dự báo chi tiết, cụ thể và có độ chính xác cao ở từng khu vực nhỏ, đặc biệt là các vùng dễ bị chia cắt. Ngoài ra, do biến đổi khí hậu, các hiện tượng mưa bất thường, cực đoan gia tăng, các đợt mưa lớn cục bộ ngày càng xuất hiện tại nhiều nơi nhưng chưa có khả năng dự báo, cảnh báo trước...

Ông Trần Hồng Thái, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết, việc dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất là thách thức lớn đối với ngành Khí tượng thủy văn không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Nguyên nhân chủ yếu là biến đổi khí hậu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan và trái quy luật; trong khi khoa học công nghệ hiện nay chưa cho phép dự báo, cảnh báo chính xác về lượng mưa, yếu tố gây ra lũ và sạt lở đất…

Để các tỉnh miền núi giảm thiệt hại do lũ, sạt lở đất, ông Trần Hồng Thái cho biết Tổng cục Khí tượng thủy văn đã tham mưu Bộ TN&MT triển khai đồng bộ các giải pháp: Huy động các nguồn lực đầu tư để tăng dày và hiện đại hóa mạng lưới quan trắc.

Dự kiến đến năm 2025, trên toàn quốc sẽ có khoảng 4.000 trạm đo mưa tự động được lắp đặt. Cùng với đó, Tổng cục Khí tượng thủy văn sẽ cập nhật các bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tỷ lệ 1/10.000 để phục vụ công tác quy hoạch sử dụng đất, phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh miền núi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo lũ, sạt lở đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO