Thực tế cho thấy, việc phát triển du lịch “nóng” thời gian qua đã kéo theo những vấn đề môi trường rất lớn, nhưng việc xử lý thì chưa tương xứng, chưa triệt để, gây ra nhiều bức xúc trong xã hội. Ý thức du khách trong bảo vệ môi trường chưa cao, còn xả rác bừa bãi tại các khu, điểm du lịch và đặc biệt là việc tổ chức thu gom chưa có đầu tư sâu, không tập trung thống nhất đã khiến cho vấn đề rác thải trong du lịch trở thành nỗi sợ trầm kha đối với mọi người trong xã hội.
Dịch Covid-19 đã gây ra suy thoái trầm trọng, trong đó du lịch là ngành phải gánh chịu và bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc ngưng trệ du lịch thời gian qua cũng là thời gian “vàng” để ngành phân tích, tìm ra những hạn chế, đưa ra các giải pháp khắc phục và tăng tốc khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Thế nên, để bảo vệ môi trường trong phát triển ngành “công nghiệp không khói” thì vấn đề cốt yếu là cần có đủ dũng cảm và tâm huyết thay đổi thói quen đầu tư ngay trong thời gian “vàng” này.
Khu du lịch sinh thái Mỹ Khánh |
Trước hết, trong quy hoạch phát triển, cần xây dựng cơ chế chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển loại hình du lịch xanh gắn với bảo tồn tài nguyên, thân thiện với môi trường, như: Du lịch sinh thái; Du lịch gắn với bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên; Đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ du khách... Cạnh đó, các địa phương và ngành du lịch cũng cần xây dựng cơ chế để thành lập và phát huy hiệu quả các quỹ môi trường trong hoạt động du lịch.
Thực tế cho thấy, nhiều nhà đầu tư đã không chú trọng đến vấn đề xử lý môi trường khi xây dựng cơ sở dịch vụ du lịch do cắt giảm kinh phí đầu tư. Điển hình là công tác thu gom, xử lý rác thải không được đầu tư chuyên nghiệp bằng các thiết bị công nghệ hiện đại và có chiều sâu nên khi du lịch nở rộ sẽ gây ra hiện tượng quá tải. Rác thải và môi trường đã làm xấu đi hình ảnh bộ mặt du lịch trong mắt du khách. Thực tế cũng cho thấy, nếu đầu tư việc thu gom rác thải bằng công nghệ hiện đại và tổ chức duy trì thường xuyên, chặt chẽ sẽ giúp cho du khách thay đổi thói quen và hạn chế tối đa hành vi xả rác thải bừa bãi. Bên cạnh đó, cần tích cực truyền thông để hạn chế sử dụng hoặc tăng cường tái chế, tái sử dụng tài nguyên rác, áp dụng khoa học tiến bộ trong xử lý rác; ứng dụng khoa học công nghệ xử lý môi trường du lịch; đầu tư sâu cả trong quản lý giám sát môi trường tự nhiên trong du lịch và xử lý rác thải.
Hiện nay, một số công nghệ cụ thể có thể áp dụng, như: Điện mặt trời, điện gió ở nhiều quy mô như nhà máy lớn cấp điện cho diện tích lớn hoặc quy mô một khu du lịch, khu nghỉ dưỡng; sử dụng công nghệ tắt - bật thông minh và hệ thống sensor nhiệt trong các khu nghỉ dưỡng, phòng khách sạn để tiết kiệm điện; đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại các khu, điểm du lịch để tái sử dụng lại nguồn nước; đặc biệt việc áp dụng phân loại rác tại nguồn như đã đề cập trên đây phải được triển khai rộng rãi tại các khu/điểm du lịch.
Môi trường luôn là cơ sở quan trọng cho phát triển du lịch. Khai thác du lịch quá mức nhưng không chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường là một hình thức tận diệt ngành “công nghiệp không khói”. Thế nên, ngay trong lúc này, trước khi mở cửa du lịch cần phải tận dụng thời gian “vàng”, triệt để củng cố quản lý, khai thác gắn với gìn giữ môi trường du lịch bền vững.