Cần giải pháp kịp thời “cứu” nguồn nước ngọt

Khải Minh| 27/01/2021 20:31

(TN&MT) - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đề nghị Trung ương nhanh chóng đề ra giải pháp tối ưu và sự đầu tư kịp thời cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và suy giảm về số lượng, chất lượng nguồn nước ngọt.

Đồng bộ giải pháp công trình và phi công trình

Trình bày tham luận tại phiên làm việc Đại hội XIII của Đảng, chiều 27/1, ông Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết, trong điều kiện đại dịch Covid-19 giai đoạn cuối nhiệm kỳ ảnh hưởng nhiều đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh Đồng Tháp năm 2020 vẫn đạt 3,45%, xếp thứ 3 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Điều đó cho thấy, Đồng Tháp đã bước đầu phát huy tốt nội lực và sức sáng tạo, từng bước chuyển đổi từ “Tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “Tư duy kinh tế nông nghiệp” thích ứng với biến đổi khí hậu và xu thế thị trường.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong tại Đại hội XIII của Đảng

Chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo thêm giá trị mới trên đơn vị diện tích canh tác, ông Phong cho hay, Đồng Tháp đã chuyển đổi từ tư duy độc canh, tăng sản lượng lúa gạo sang giảm dần diện tích lúa vụ ba, luân canh các loại cây trồng, thủy sản khác cũng như việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, manh mún sang trồng cây ăn trái, hoa màu, hoa kiểng, nuôi thủy sản...

Đồng thời, triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, thích ứng với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và sự suy giảm số lượng, chất lượng nguồn nước, nhất là sự thay đổi giảm lưu lượng, dòng chảy sông Mê Kông và tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn biến phức tạp. Từng bước tổ chức lại không gian sản xuất, quy mô sản xuất, quy hoạch lại ngành hàng phù hợp với mỗi vùng sinh thái đặc trưng.

Cùng với đó, hình thành liên kết phát triển các tiểu vùng phù hợp, phát huy thế mạnh liên kết vùng trong phục vụ sản xuất, ứng phó với biến đổi khí hậu. Hình thành vùng sản xuất tập trung chất lượng cao, nâng cao hiệu quả kinh tế gắn với bảo tồn văn hoá, lịch sử và đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; khai thác tài nguyên di sản văn hoá phi vật thể, các lễ hội dân gian, ẩm thực địa phương để phục vụ du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm, góp phần tiêu thụ nông sản tại chỗ, cải thiện thu nhập cho nông dân.

Theo ông Phong, để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, không chỉ cần có các giải pháp công trình (như: đê, kè, đập...), mà còn cần đến giải pháp phi công trình, do chính cộng đồng dân cư tổ chức thực hiện, với sự điều chỉnh của quy hoạch sản xuất chung, thay đổi lịch thời vụ. Mô hình hợp tác xã hoạt động dựa trên triết lý lợi thế về quy mô, hợp tác của nhiều thành viên là nền tảng quan trọng hình thành sức mạnh cộng đồng trong sản xuất.

Các đại biểu lắng nghe tham luận tại hội trường

Không có hợp tác xã đủ mạnh, hoạt động hiệu quả, sẽ không thể thay đổi cấu trúc các ngành hàng nông sản cũng như lịch thời vụ phù hợp với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan. Hợp tác xã trở thành mắt xích quan trọng để thực hiện tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi ngành hàng, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, làm chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, giúp người dân cùng nhau thay đổi phương thức sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu và các nguồn tài nguyên là hữu hạn.

“Hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, công nghệ bảo quản, sơ chế, chế biến, đóng gói, bao bì... sẽ giúp hợp tác xã thực hiện tốt vai trò trong hình thành chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu nông sản”, ông Phong nói.

Xem xét tách quy định về phát triển Hợp tác xã nông nghiệp

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi từ “Tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “Tư duy kinh tế nông nghiệp” thích ứng với biến đổi khí hậu và xu thế thị trường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đề nghị có nghiên cứu để tính toán đầy đủ hơn đóng góp của khu vực nông nghiệp vào tăng trưởng kinh tế theo xu thế hiện nay, không chỉ dựa vào năng suất, sản lượng, giá trị gia tăng làm thước đo cho sự tăng trưởng của Ngành, mà cần chú trọng hơn đến "lợi nhuận đạt được" của sản phẩm nông nghiệp.

“Cần có sự nghiên cứu, xem xét tách quy định về phát triển Hợp tác xã nông nghiệp thành một Luật hoặc Nghị định riêng của Chính phủ”, ông Phong đề xuất.

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ phát triển mô hình “Vườn ươm doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao”, tạo điều kiện thuận lợi không chỉ cho hoạt động của Vườn ươm, mà cả cho việc khuyến khích nhu cầu sáng tạo, kinh doanh của phía cầu và thúc đẩy tăng cường các dịch vụ hướng đến doanh nghiệp khởi nghiệp từ phía cung.

Chú trọng tổ chức, xây dựng đầy đủ nguồn cơ sở dữ liệu thông tin ngành Nông nghiệp, thông tin về hoạt động đầu tư cũng như nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước đối với từng mặt hàng nông sản để có những đánh giá, dự báo chuyển động của thị trường, đưa ra các khuyến cáo phù hợp. Từ đó, Nhà nước sẽ có đủ thông tin để đề ra những chính sách phù hợp với thực tế sản xuất; người sản xuất, doanh nghiệp cũng có đủ thông tin để tự tính toán, đề ra cho mình phương án, lộ trình đầu tư, phát triển sản xuất theo hướng dài hạn, chuyên nghiệp hơn.

Đặc biệt cần có nghiên cứu khoa học để nhanh chóng đề ra giải pháp tối ưu và có sự đầu tư kịp thời cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu và sự suy giảm về số lượng, chất lượng nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất, nhất là sự thay đổi giảm lưu lượng, dòng chảy sông Mê Kông và tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn biến phức tạp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần giải pháp kịp thời “cứu” nguồn nước ngọt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO