Cách chức Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn

03/03/2016 00:00

(TN&MT) - Chiều 3/3, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Sở NN&PTNT TP. Đà Nẵng, UBND quận Sơn Trà và các cơ quan có liên quan trong vụ phá rừng ở bán đảo Sơn Trà. Sau khi nghe ý kiến của các cơ quan ban ngành liên quan. Ông Nguyễn Xuân Anh chỉ đạo Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng ra quyết định cách chức Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn đối với ông Trần Văn Thanh, cách chức Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn đối với ông Lê Phước Bảy để làm gương trong toàn ngành.

Rừng bán đảo Sơn Trà bị chặt, phá từ gần 2 tháng nay nhưng lực lượng kiểm lâm lại không hay biết
Rừng bán đảo Sơn Trà bị chặt, phá từ gần 2 tháng nay nhưng lực lượng kiểm lâm lại không hay biết

Theo thông tin từ cuộc họp, Hạt trưởng Trần Văn Thanh đã buông lỏng quản lý, để chị em, con ruột của Hạt phó Lê Phước Bảy thao túng rất nhiều thứ. Đáng chú ý, bà Lê Thị Một là chị em ruột với ông Lê Phước Bảy, cũng là người đã cùng ông Phạm Hùng Mạnh nhận giao khoán đất rừng và gây ra vụ phá rừng tại lô 84, tiểu khu 63. Trong khi đó, ông Lê Minh Quân, con trai đầu của ông Lê Phước Bảy, là người cùng ông Phạm Hùng Mạnh nhận giao khoán đất rừng và gây ra vụ phá rừng tại khu vực Tiên Sa thuộc tiểu khu 62.

Cùng với việc cách chức Hạt trưởng và Hạt phó, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cũng yêu cầu Sở NN&PTNT và Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng điều chuyển toàn bộ kiểm lâm viên hiện nay của Hạt Kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn và thay bằng các cán bộ khác.

Lán trại được dựng trong vùng lõi để cho người ở lại chặt, phá rừng bán đảo Sơn Trà
Lán trại được dựng trong vùng lõi để cho người ở lại chặt, phá rừng bán đảo Sơn Trà

Trước đó, như Báo TN&MT đã thông tin đến bạn đọc, hơn 2,3 ha rừng bán đảo Sơn Trà đã bị xâm hại. Nơi đây là Khu bảo tồn thiên nhiên với hệ thống rừng nguyên sinh gồm 298 loài thực vật và có hơn một trăm loài động vật với hàng chục loài quý hiếm nằm trong sách đỏ cần bảo tồn của thế giới như gà tiền mặt đỏ, trăn gấm, thủy sinh; trong đó đặc biệt có loài Vooc chà vá thuộc nhóm động vật rừng nguy cấp, quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam, được ưu tiên bảo vệ được theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

Điều đáng nói, việc rừng nguyên sinh bán đảo Sơn Trà bị chặt phá vô tội vạ trong gần 2 tháng qua, thế nhưng khi được hỏi về trách nhiệm quản lý, các cơ quan chức năng và ngành kiểm lâm lại đùn đẩy trách nhiệm này cho nhau.

Một đội quân chặt, phá rừng trước khi bị phát hiện đã lên xe biển Sài Gòn tẩu tán. Ảnh Lan Anh
Một đội quân chặt, phá rừng trước khi bị phát hiện đã lên xe biển Sài Gòn tẩu tán. Ảnh Lan Anh

Được biết, sau khi vụ phá rừng bán đảo Sơn Trà được phát hiện, ông Trần Văn Thanh - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn đã lý giải với công chúng rằng, việc phá rừng mà kiểm lâm không biết là do lực lượng cán bộ của Hạt mỏng? Còn Chủ tịch UBND phường Thọ Quang, ông Võ Đình Công thì cho rằng: “Hàng nghìn ha đất rừng tại bán đảo kiểm lâm chỉ mới bàn giao trên một tổng thể, chưa bàn giao chi tiết nên chúng tôi không biết đâu cả. Vì vậy, trách nhiệm chính khi để xảy ra việc này là kiểm lâm. Chúng tôi chỉ có một phần trách nhiệm trong chuyện này thôi”.

Cũng tại cuộc họp do Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh chủ trì trong chiều 3/3, đã thống nhất giao cho UBND quận Sơn Trà có hình thức phê bình kiểm điểm nghiêm khắc, không xét bất cứ thi đua nào trong năm 2016 đối với ông Võ Đình Công, chủ tịch UBND phường Thọ Quang.

Cũng liên quan tới vụ phá rừng bán đảo Sơn Trà, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cũng nghiêm khắc phê bình Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Phú Ban; Phó Giám đốc Sở phụ trách lâm nghiệp, ông Trần Viết Phương. Tùy theo kết luận của Thanh tra TP. Đà Nẵng sau khi tiến hành việc tổng thanh tra, rà soát các vấn đề liên quan đến kiểm lâm, quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng đất ở bán đảo Sơn Trà, sẽ tiến hành xử lý trách nhiệm của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng, ông Trần Văn Lương.

Tại đây có hơn 400 con voọc Chà Vá chân nâu được mệnh danh là Nữ hoàng của loài linh trưởng cùng với rất nhiều khỉ như khỉ đuôi dài, khỉ vàng (nên Sơn Trà được người Mỹ gọi là Monkey Mountain - Núi khỉ)
Tại đây có hơn 400 con voọc Chà Vá chân nâu được mệnh danh là Nữ hoàng của loài linh trưởng cùng với rất nhiều khỉ như khỉ đuôi dài, khỉ vàng (nên Sơn Trà được người Mỹ gọi là Monkey Mountain - Núi khỉ)

Như chúng tôi từng thông tin qua các kỳ trước, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà vừa có hệ sinh thái đất ướt ven biển vừa có thảm rừng nhiệt đới mưa ẩm nguyên sinh, được bảo vệ theo chế độ rừng cấm quốc gia. Tổng diện tích tự nhiên là 4.439 ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 4.180 ha, đất có rừng là 3.431 ha (rừng tự nhiên 2.806 ha, rừng trồng 625 ha), đất chưa có rừng 748 ha.

Tin & ảnh: Xuân Lam - Võ Hà

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách chức Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO