Các viện nghiên cứu, trường học tham gia cam kết Net Zero bằng cách nào?

Khánh Ly - Ảnh: Trần Tân| 29/03/2022 10:21

(TN&MT) - Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) vừa phối hợp cùng Tổ chức WWF tổ chức thảo trực tuyến “Thúc đẩy cam kết và thực hiện Phát thải ròng bằng không từ các Viện Nghiên cứu và Trường Đại học”

anh-1-.jpg
PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH cho biết, tại hội nghị COP26, thủ tướng Phạm Minh Chính đã đại diện Việt Nam đưa ra cam kết rất mạnh mẽ chung tay cùng các quốc gia về đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Để đạt được các cam kết này, cần phải tăng cường sự tham gia và hợp tác của các bên liên quan nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng và triển khai các chính sách hiệu quả, thiết thực và bền vững. Trong đó, thanh niên, học viện, các cơ quan nghiên cứu là đối tượng quan trọng cần hướng đến trong mục tiêu thúc đẩy Net Zero, như Điều 6 của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (UNFCCC) về Giáo dục, Đào tạo và Nhận thức Cộng đồng nêu rõ: “Khuyến cáo các Bên, các tổ chức liên chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, học viện, các cơ quan nghiên cứu, khu vực tư nhân, chính quyền nhà nước và địa phương và thanh niên tiếp tục thực hiện các chính sách và hoạt động”.

Chia sẻ về Chiến dịch Race to Zero, ông Vũ Quốc Anh – đại diện cho tổ chức WWF Việt Nam cho biết, đây là chiến dịch nhằm huy động các bên thuộc khu vực ngoài Nhà nước xây dựng những kế hoạch hành động cụ thể cho cam kết Net Zero. Doanh nghiệp, trường học, thành phố… mong muốn tham gia Chiến dịch sẽ được mời tham gia vào một trong 25 đối tác thành viên của Race to Zero. Trong đó, đối tác/mạng lưới dành cho các Viện, Trường học là Race to Zero for Universities and Colleges.

Nhiều trường học trên thế giới tham gia mạng lưới này đã đưa ra các cam kết giảm phát thải cụ thể hướng đến Net Zero 2030. Ví dụ, Trường Đại học Mahidol (Thái Lan) đặt mục tiêu đến năm năm 2024 sẽ giảm 65% phát thải carbon so với giai đoạn hiện tại (2021); năm 2030 sẽ giảm 100% với các giải pháp: Lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời tại các toà nhà, kêu gọi sử dụng hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phương tiện giao thông thân thiện môi trường, mở rộng các “khoảng xanh” giúp hấp thụ KNK, áp dụng nguyên tắc 3R trong quản lý rác thải, xây dựng mô hình theo dõi, giám sát quá trình giảm phát thải KNK…

screenshot-2021-11-05-at-15_30_55.png
Tranh vẽ tham gia Chiến dịch "Race To Zero" và hưởng ứng Hội nghị COP26 của học sinh Trường Nguyễn Siêu

Tương tự, Trường Đại học University of Reading (Vương quốc Anh) đề ra 3 cách tiếp cận cho mục tiêu Net zero vào năm 2030 của Trường: Thay thế toàn bộ hệ thống sưởi, áp dụng giải pháp phát thải carbon thấp; thúc đẩy các thực hành tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu suất thiết bị điện và giảm thiểu tổn thất truyền tải điện/truyền tải điện phát thải carbon thấp; hạn chế, kiểm soát phát thải từ hoạt động đi lại, di chuyển của cán bộ, sinh viên thông qua cập nhật, đổi mới các chính sách quy định và thúc đẩy công nghệ, giải pháp giảm thiểu/đền bù dấu chân carbon.

Tại Việt Nam, Trường British International Hồ Chí Minh và Trường Nguyễn Siêu là hai trường đầu tiên tiên phong tham gia Chiến dịch Race to Zero. Trong đó, trường Nguyễn Siêu đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến dịch RtZ cho gđ 2021-2025, phổ biến đến hơn 3.000 học sinh và cán bộ giáo viên của trường. Các hoạt động triển khai bao gồm: Tận dụng thức ăn thừa, cung cấp cho các trang trại chăn nuôi; Phân loại rác thải, thu gom pin đã qua sử dụng; Kế hoạch nhỏ – tiết kiệm giấy; mô hình căng-tin thân thiện môi trường; Tiết kiệm năng lượng; Phát triển môn học “Enterprise”: đào tạo để phát triển các dự án về môi trường, khí hậu; Chiến dịch Eco-School, cùng gia nhập vào Dự án Eco-Schools của thế giới, được chủ trì tổ chức bởi Quỹ Giáo dục Môi trường (FEE)…

Theo thầy Trần Anh Tuấn, Đại học Khoa học Huế, nhiều trường đại học đã kiểm kê khí nhà kính. Kết quả nhìn chung cho thấy 3 nguồn phát thải chính đến từ năng lượng cố định trong tòa nhà, giao thông và chất thải. Trong đó, phát thải từ sử dụng năng lượng trong tòa nhà cao nhất nên cần tập trung nguồn lực giảm phát thải nhất, đặc biệt là tiết giảm sử dụng điều hòa không khí trong mùa hè. Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng nên đầu tư điện mặt trời mái nhà tại các tòa nhà của trường. Tuy nhiên, nguồn bức xạ mặt trời ở miền Bắc không cao, miền Trung cao hơn một chút và miền Nam cao nhất. Nếu áp dụng, các trường cần nghiên cứu bài toán kinh tế, thời gian hòa vốn và những lợi ích về mặt chi phí.

z3297345317486_0378072ec52d17cc68835513d4a20db1.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo trực tuyến

Tại hội thảo, đại diện nhóm chuyên gia từ Đại học Xây dựng Hà Nội và Khoa Môi trường ĐH Cần Thơ đã công bố kết quả nghiên cứu phương pháp tính toán phát thái khí nhà kính và các giải pháp giảm nhẹ tại trường.

Gần 100 đại biểu đến từ các cơ quan, trường, viện nghiên cứu tham dự Hội thảo đã cùng thảo luận xoay quanh các vấn đề như: Các giải pháp tiềm năng khác cho giảm phát thải KNK toàn diện tại trường đại học và viện nghiên cứu; Cơ hội và thách thức thực hiện các giải pháp này; Làm thế nào để thúc đẩy các trường đại học và viện nghiên cứu tại Việt Nam đóng góp thực hiện NDC cũng như mục tiêu Net Zero; Vai trò của các viện, trường đại học và các đối tác trong việc hỗ trợ thành phố thực hiện các giải pháp xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu… Đây là cơ sở để các Viện, Trường thúc đẩy hành động vì khí hậu trong khả năng của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các viện nghiên cứu, trường học tham gia cam kết Net Zero bằng cách nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO