Cà Mau ứng phó với BĐKH: Chủ động thích ứng là ưu tiên hàng đầu

Lê Hùng| 04/10/2022 09:34

(TN&MT) - Tỉnh Cà Mau đã và đang quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm ứng phó hiệu quả với các hiện tượng cực đoan từ biến đổi khí hậu (BĐKH) như sạt lở, triều cường, hạn hán, xâm nhập mặn,... góp phần bảo vệ đất đai, cơ sở hạ tầng, đảm bảo đời sống sinh hoạt, sản xuất cho người dân.

BĐKH gây nhiều thiệt hại

Tỉnh Cà Mau nằm trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là địa phương ven biển duy nhất của Việt Nam có ba mặt giáp biển Đông và biển Tây với tổng chiều dài 254km. Những năm gần đây, vùng bờ biển Đông và biển Tây của tỉnh Cà Mau thường xuyên đối diện với tình trạng sạt lở, triều cường, sóng to gió lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng, diện tích rừng phòng hộ, nhà cửa của người dân...

Phát biểu tại Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030 mới đây, ông Huỳnh Quốc Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: “Tỉnh Cà Mau là khu vực đang chịu nhiều tác động từ BĐKH như sạt lở bờ biển, bờ sông, triều cường, hạn hán, sụt lún đất, xâm nhập mặn. Sạt lở bờ sông, ven biển trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu rừng phòng hộ ven biển; làm suy giảm hệ sinh thái ven biển và quanh các cụm đảo cũng như các công trình đê, kè, nhà ở, cây màu của người dân...”.

tr7-1.jpg

Mô hình sản xuất lúa - tôm ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn tại Cà Mau.

Theo thống kê của nghành chức năng tỉnh Cà Mau, từ năm 2007 đến cuối năm 2021, sạt lở ven biển Đông và biển Tây đã làm mất khoảng 5.500ha đất và cây rừng phòng hộ; hàng trăm người dân sinh sống ven biển lâm vào cảnh mất nhà, mất đất sản xuất; nhiều tuyến đê, kè bị hư hỏng;... Từ đầu năm 2022 đến nay, tình trạng sạt lở ven biển tiếp tục gia tăng trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đặc biệt ở khu vực ven biển Tây thuộc các huyện Trần Văn Thời, U Minh.

Trước tình trạng sạt lở bờ biển diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, mới đây UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định số 1804/QĐ - UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở đê biển Tây, đoạn từ bờ Nam cống Kênh Mới đến bờ Bắc cống Đá Bạc và vàm Tiểu Dừa với chiều dài khoảng 110m thuộc địa bàn các huyện Trần Văn Thời, U Minh; đồng thời, cắm biển cảnh báo và triển khai các công trình nhằm khắc phục các điểm sạt lở.

Tỉnh Cà Mau không chỉ đối diện với tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông, sóng to gió lớn mà các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, xâm nhập mặn cũng đang thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Trần Văn Thời... gây ảnh hưởng không nhỏ đến diện tích cây trồng, vật nuôi, nguồn nước sinh hoạt của người dân.

tr7-2.jpg

Triển khai nhiều giải pháp ứng phó BĐKH

Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường, nước biển dâng... gây ra, tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tỉnh Cà Mau xác định, thời gian tới, tác động của BĐKH, nước biển dâng là xu thế tất yếu, do đó phải chủ động thích ứng với BĐKH, phòng tránh thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

Hiện nay, tỉnh Cà Mau ngoài việc tập trung đầu tư khoảng 37 tỷ đồng để triển các công trình khắc phục một số khu vực bị sạt lở ven biển Tây, còn triển khai các dự án trồng, bảo tồn, khôi phục rừng ngập mặn, rừng ven biển để ứng phó với tình trạng sạt lở và đẩy mạnh quá trình bồi lắng ven bờ. Đồng thời, đầu tư xây dựng một số khu, cụm dân cư để tiếp tục bố trí nơi ở ổn định cho khoảng 2.700 hộ dân nằm trong khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở, giúp họ an tâm hơn trong cuộc sống.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Cà Mau xác định đây vẫn sẽ là một trong những ngành chủ lực, do đó, tỉnh đang tập trung triển khai cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi nhằm ngăn mặn, giữ ngọt, chống khô hạn, phát triển sinh kế phục vụ theo từng tiểu vùng sản xuất. Tỉnh Cà Mau đang quy hoạch lại vùng chuyên sản xuất lúa tập trung chất lượng cao với tổng diện tích 85.000ha và đẩy mạnh thực hiện mô hình sản xuất lúa - tôm tại một số vùng thuộc các huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước.

Song song với đó, với vị trí ba mặt giáp biển, tỉnh Cà Mau có tiềm năng rất lớn trong phát triển năng lượng tái tạo. “Hiện tại, tỉnh Cà Mau có 16 dự án điện gió trong quy hoạch đã được phê duyệt với tổng công suất 1.000 MW, trong đó, 3 dự án đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 100 MW. Hiện nay, tỉnh Cà Mau đang đề xuất các bộ, ngành Trung ương xem xét bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 24 dự án điện gió với tổng công suất 12.000 MW”- ông Huỳnh Quốc Việt thông tin.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau, để thực hiện hiệu quả công tác ứng phó với BĐKH, thời gian tới, ngoài sự nỗ lực của địa phương, Cà Mau rất mong các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm đầu tư cho tỉnh Cà Mau các công trình phòng chống sạt lở, bảo vệ rừng, bảo vệ bờ biển; đồng thời, xem xét thí điểm một số cơ chế huy động nguồn lực từ doanh nghiệp tham gia phòng chống thiên tai gắn với phát triển kinh tế - xã hội như đầu tư xây dựng bờ kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển kết hợp với đầu tư khai thác du lịch sinh thái, điện gió, điện năng lượng mặt trời, phát triển khu đô thị ven biển, ven sông.

Để thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương dự kiến sẽ huy động hơn 19.000 tỷ đồng để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án ưu tiên ứng phó với BĐKH. Trong đó, tỉnh Cà Mau dự kiến huy động gần 18.200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ và sử dụng vốn ODA; ngân sách của địa phương khoảng 207,5 tỷ đồng, còn lại là ngân sách từ Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH, xây dựng nông thôn mới; Chương trình khoa học công nghệ và từ nguồn vốn do các tổ chức Quốc tế tài trợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cà Mau ứng phó với BĐKH: Chủ động thích ứng là ưu tiên hàng đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO