Cà Mau cần tập trung phát triển hệ sinh thái ngành tôm
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, ngành nông nghiệp nói chung và Cà Mau nói riêng cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, trong đó có hệ sinh thái ngành tôm.
Tối 10/12, tại Quảng trường Phan Ngọc Hiển (TP. Cà Mau), UBND tỉnh Cà Mau phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức lễ khai mạc Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023 với chủ đề: "Festival Tôm Cà Mau - Tự hào thương hiệu Việt".
Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, năm 2023 là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Chúng ta thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, phức tạp hơn.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều biện pháp để vừa chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Nhờ đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm; lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng GDP của nước ta đạt khoảng trên 5%, dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%), nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trên 3,4%, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn.
Cũng theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về "nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã xác định: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò, vị trí chiến lược trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị của chúng ta.
Vì vậy, Phó Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến của tỉnh Cà Mau đã phối hợp với Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành, doanh nghiệp tổ chức Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023 với chủ đề: "Festival Tôm Cà Mau - Tự hào thương hiệu Việt".
Theo Phó Thủ tướng, lần đầu tiên Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức tại tỉnh Cà Mau. Đây là sự kiện hết sức quan trọng, có quy mô cấp khu vực, diễn ra từ ngày 10-13/12, tập trung vào các hoạt động nhằm khơi dậy sức mạnh tổng hợp của tỉnh Cà Mau nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tạo không khí đoàn kết, thể hiện tình cảm trân trọng, mến khách của nhân dân địa phương đối với du khách, bạn bè trong nước và quốc tế.
Trong chuỗi sự kiện này, tỉnh Cà Mau đã phối hợp tổ chức 2 hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Phó Thủ tướng đánh giá, Hội nghị "Công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau" đã tạo tiền đề, định hướng phát triển và thu hút đầu tư cho tỉnh trong chặng đường phát triển của địa phương thời kỳ mới.
Còn Hội nghị "Kết nối giao thương sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023" là dịp để trao đổi, chia sẻ các giải pháp, định hướng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kết nối tiêu thụ, ký kết hợp tác kinh doanh sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các siêu thị, nhà phân phối, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ngành tôm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức
Theo Phó Thủ tướng, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, năm 2023, GRDP tỉnh Cà Mau tăng 7,83% so cùng kỳ, cao hơn bình quân cả nước.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của nước ta đạt hơn 53 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm khoảng 3,6 tỷ USD. Việt Nam trở thành nước cung cấp tôm lớn thứ hai trên thế giới, xuất khẩu tới khoảng 100 quốc gia. Riêng tỉnh Cà Mau đóng góp khoảng 1 tỷ USD về xuất khẩu tôm (chiếm 22% cả nước và duy trì ở mức 1 tỷ USD trong 3 năm gần đây).
Ngành tôm Cà Mau đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới, xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, ngoài nuôi siêu thâm canh còn có những loại hình nuôi bền vững ít nơi nào có được, như tôm-rừng, tôm-lúa đạt tiêu chuẩn sinh thái, hữu cơ.
Bên cạnh đó, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được chính thức triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2018 với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đến nay, cả nước đã có gần 9.500 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, riêng Đồng bằng sông Cửu Long đã có trên 1.300 sản phẩm. Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống tinh thần và vật chất.
Tiết mục biểu diễn nghệ thuật tại lễ khai mạc - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Phó Thủ tướng khẳng định, những kết quả đạt được từ con tôm và các sản phẩm OCOP nêu trên là nhờ sự cố gắng và nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương; sự năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, dám nghĩ, dám làm, tư duy nhạy bén của người nông dân.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng, đặc biệt là ngành hàng tôm vẫn còn những khó khăn, thách thức. Đó là giống, vật tư đầu vào; vùng nguyên liệu chưa tập trung; quy mô sản xuất còn nhỏ và manh mún; sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định và chưa đa dạng, phụ thuộc một số thị trường lớn; yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao với các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe; phát thải khí metal gây ô nhiễm môi trường; sản phẩm OCOP chưa ổn định…
Vì vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, để phát triển nông nghiệp hiệu quả và gia tăng giá trị, ngành nông nghiệp nói chung và Cà Mau nói riêng cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, trong đó có hệ sinh thái ngành tôm; xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu… Đây là định hướng chiến lược phù hợp để phát huy tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh khác biệt của tỉnh Cà Mau và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng hy vọng qua sự kiện lần này sẽ quảng bá mạnh mẽ hình ảnh, thương hiệu tôm Cà Mau và các sản phẩm OCOP của địa phương đến du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển các ngành nghề; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu sản phẩm và liên kết hợp tác.
"Với tiềm năng, lợi thế do thiên nhiên ban tặng, tôi mong muốn và tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau sẽ đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, biến tiềm năng, lợi thế và cả những thách thức thành cơ hội, động lực phát triển, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, đưa Cà Mau bứt phá đi lên", Phó Thủ tướng bày tỏ.
Trước đó, vào sáng 10/12, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã tới dự lễ và cắt băng khánh thành cầu sông Ông Đốc tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.
Đây là dự án thành phần 1 thuộc dự án xây dựng cầu sông Ông Đốc, tuyến đường trục Đông-Tây và cầu Gành Hào, có tổng mức mức đầu tư trên 690 tỷ đồng.
Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng đã tới thăm ông Đặng Thành Học (Ba Thám), thương binh 4/4, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Minh Hải.