Bước tiến mới trong quản lý và sử dụng đất

31/08/2018 08:21

(TN&MT) - Thời gian qua, chính sách về đất đai ngày càng được đổi mới, hoàn thiện, đã giúp cho công tác quản lý có nhiều bước tiến mới trong việc tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất. Trong đó, nổi bật là công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất; công tác đo đạc, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất GCN và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.

Bước tiến mới trong quản lý và sử dụng đất
Chính sách về đất đai ngày càng được đổi mới và hoàn thiện. Ảnh: MH

Cấp GCN lần đầu đạt gần 97%

Theo Tổng cục Quản lý đất đai, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, Tổng cục đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác đo đạc, đăng ký, cấp GCN. Kết quả đến nay, cả nước đã đo đạc lập bản đồ địa chính đạt trên 76% tổng diện tích tự nhiên (các loại tỷ lệ bản đồ); tỷ lệ cấp GCN lần đầu đạt trên 96,9% tổng diện tích các loại đất cần cấp, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp đạt 92,9%, đất lâm nghiệp đạt 98,2%, đất nuôi trồng thuỷ sản đạt 86,1%, đất ở nông thôn đạt 96,1%, đất ở đô thị đạt 98,3%, đất chuyên dùng đạt 86,9%, cơ sở tôn giáo đạt 83,6%.

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục đã tổng hợp các trường hợp còn tồn đọng chưa được cấp GCN lần đầu và phân tích nguyên nhân vướng mắc để đề xuất các giải pháp thực hiện hoàn thành công tác cấp GCN lần đầu trên phạm vi cả nước. Trong đó, việc tồn đọng chủ yếu do, người dân chưa kê khai đăng ký chiếm 34,1%; do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho từ ngày 1/1/2008 trở về sau, đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất chiếm 10,7%; phải thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng không nộp và không có nhu cầu ghi nợ chiếm 5,4%; hồ sơ chưa hoàn thành thủ tục chia thừa kế chiếm 5,2%; đất lấn chiếm giao trái thẩm quyền không phù hợp quy hoạch chiếm 3,6%; chưa hoàn thành thủ tục báo cáo rà soát hiện trạng sử dụng đất chiếm 0,98%; còn lại là các trường hợp như: đất công ích nằm trong cùng thửa đất, sử dụng đất có nguồn gốc vi phạm pháp luật, tranh chấp đất đai, vướng trong xác định hạn mức đất ở...

Bước tiến mới trong quản lý và sử dụng đất1
Tỷ lệ cấp GCN lần đầu đạt trên 96,9% tổng diện tích các loại đất cần cấp. Ảnh: MH

Về đo đạc, cấp GCN đất nông, lâm trường, Tổng cục đã chuẩn bị báo cáo về tình hình quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông trường, lâm trường tại các tỉnh vùng Tây Nguyên phục vụ Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện tổng hợp kết đo đạc, rà soát cắm mốc giới và cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với các công ty nông, lâm nghiệp để xây dựng báo cáo Quốc hội khóa XIV về kết quả thực hiện Nghị quyết số 112/NQ-QH13. Theo đó, kết quả thực hiện các nhiệm vụ tại các địa phương đến nay, như sau: có 34/45 tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát ranh giới, cắm mốc, 38/45 tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành đo đạc lập bản đồ địa chính, 11/45 tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác cấp GCN, 13/45 tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác phê duyệt phương án sử dụng đất. Các tỉnh còn lại đều đang triển khai thực hiện các hạng mục công việc, dự kiến sẽ cơ bản hoàn thành trong năm 2018.

Ngoài ra, Tổng cục đã đôn đốc các địa phương triển khai xây dựng Đề án Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, cả nước có 51 tỉnh, thành phố có đất có nguồn gốc nông, lâm trường, trong đó có 32 tỉnh có nhiệm vụ thực hiện trong Đề án, đến nay, có 15 tỉnh đã lập Đề án, trong đó, có 7 tỉnh đã phê duyệt Đề án (tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Phú Yên, Kon Tum, Quảng Trị, Thái Nguyên và Hậu Giang). Tuy vậy, hầu hết, các tỉnh hiện nay, vẫn chưa triển khai thực hiện, do chưa bố trí được kinh phí.

 Về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Tổng cục đã có nhiều văn bản chỉ đạo tập trung đẩy mạnh xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai và đã được các địa phương quan tâm tổ chức thực hiện. Hiện, đã có 132/713 đơn vị cấp huyện xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu địa chính (chiếm 18,5% trên tổng số huyện), đây là nền tảng quan trọng để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, phục vụ đa mục tiêu và vận hành Chính phủ điện tử.

Gỡ vướng trong giao đất, cho thuê đất

Cũng theo Tổng cục Quản lý đất đai, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Tổng cục chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp tỉnh để rà soát và trình Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật đất đai. Tính đến nay, Chính phủ đã có Nghị quyết phê duyệt cho 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng với việc trình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, Tổng cục cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện việc lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện để làm cơ sở cho việc quản lý, sử dụng đất đai, nhất là công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Hoàn thiện việc đề xuất Bộ trưởng về những định hướng lớn liên quan đến đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phục vụ sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013.

Về giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất, Tổng cục đã chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong công tác giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Tổng cục đã tiếp nhận 25 Văn bản của 24 tỉnh, thành phố đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp, trong đó, Tổng cục đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ 7 Văn bản chấp thuận cho các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Nghệ An, Bình Định, Bắc Giang, Trà Vinh, Hải Phòng được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện các công trình, dự án; các hồ sơ còn lại Tổng cục đang lấy ý kiến Bộ NN&PTNT và đề nghị địa phương bổ sung thêm thành phần hồ sơ theo quy định…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước tiến mới trong quản lý và sử dụng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO