Bồi thường 3.614m2 đất giá 0 đồng: Những quyết định "tiền hậu bất nhất" của quận 9

24/09/2016 00:00

(TN&MT) - Năm 1980, địa phương đã thu hồi 1 phần đất và có bồi thường. Vậy tại sao đến năm 1990, chỉ thu hồi mà không bồi thường? Tại sao cùng là quyết định của...

 

(TN&MT) - Theo kế hoạch số 41 ngày 18-1-2016 của Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình quận 9 (TPHCM), nguồn gốc mảnh đất 3.614m2 của ông Châu Văn Nguyên (phường Hiệp Phú, quận 9) bị lên kế hoạch thu hồi căn cứ theo Quyết định (QĐ) 154/QĐ-NN ngày 5/11/1994 của Ủy ban nhân dân huyện Thủ Đức (nay là quận 9) về giải quyết đơn khiếu nại tranh chấp đất của hộ ông Châu Văn Nguyên. QĐ 154 ra đời nhằm mục đích giải quyết khiếu nại một QĐ khác mang số 1181 cũng do chính UBND huyện Thủ Đức ban hành ngày 25/7/1990. Vậy QĐ 1181 nói gì?.

Ngày 25/7/1990, Ủy ban nhân dân huyện Thủ Đức ban hành Quyết định số 1181/QĐ-UB với nội dung: “V/v thu hồi đất sử dụng vào công ích do ông Châu Văn Nguyên và bà Lê Thị Kim Vân chiếm đất diện tích 3.614m2 thuộc 1 phần lô 680 và lô 677 tờ 4, xã Tăng Nhơn Phú cũ”. Điều 1 của QĐ 1181 nêu rõ: “Nay thu hồi và giao cho UBND xã Hiệp Phú quản lý khu đất diện tích 3.614m2 thuộc 1 phần của lô 680 và lô 677 tờ 4 (xã Tăng Nhơn Phú cũ) do ông bà Châu Văn Nguyên và Lê Thị Kim Vân (cư ngụ tại 2/144 ấp Hòa Phú xã Hiệp Phú) chiếm sử dụng đất trái phép…”.

Ông Châu Tuấn Quốc (con trai ông Nguyên - bà Vân) sinh năm 1977 đã được sinh ra và sinh sống liên tục 40 năm qua trên mảnh đất hơn 3.600 do cha ông mua từ năm 1970.
Ông Châu Tuấn Quốc (con trai ông Nguyên - bà Vân) sinh năm 1977, đã được sinh ra và sinh sống liên tục 40 năm qua trên mảnh đất hơn 3.614 m2 do cha ông mua từ năm 1970.

Như vậy, nếu căn cứ vào QĐ 1181 thì UBND huyện Thủ Đức lúc bấy giờ đã áp dụng khoản 6 điều 14 và khoản 4 điều 53 của Luật Đất đai năm 1987 để thu hồi phần đất nói trên. Thế nhưng, 4 năm sau ngày ban hành QĐ 1181, UBND huyện Thủ Đức lại ra QĐ154 giải quyết khiếu nại của ông Châu Văn Nguyên và bà Lê Thị Kim Vân. Tại QĐ 154 này, UBND huyện Thủ Đức có xác định nguồn gốc của mảnh đất 3.614m2 như sau: “do ông Nguyên và bà Vân mua lại của bà Huỳnh Thị Năm (bằng giấy tay)…”. Cũng trong QĐ 154 này, UBND huyện Thủ Đức nêu rõ “khi mua xong, ông Nguyên và bà Vân có sử dụng đến năm 1980, do nhu cầu xây dựng sân vận động, địa phương đã thu hồi 1 phần và đã bồi thường hoa màu, phần còn lại ông Nguyên và bà Vân tiếp tục sử dụng”. QĐ 154 kết luận rằng QĐ 1181 là đúng đắn và hợp lý, đồng thời bác đơn xin sử dụng 3.614m2 của ông Nguyên và bà Vân. Từ QĐ 154 này bắt đầu nảy sinh nhiều vấn đề mâu thuẫn.

Cụ thể, về nguồn gốc đất, QĐ 154 đã xác định là đất do ông Nguyên và bà Vân mua năm 1970, và sử dụng liên tục. Như vậy, việc QĐ 1181 cho rằng ông Nguyên và bà Vân chiếm sử dụng đất trái phép đã bị bác bỏ. Và các điều khoản áp dụng của QĐ 1181 theo Luật Đất đai năm 1987 đã không còn chính xác.

Năm 1980, địa phương đã thu hồi 1 phần và có bồi thường. Vậy tại sao đến năm 1990, QĐ 1181 chỉ thu hồi mà không bồi thường? Tại sao cùng là quyết định của UBND huyện Thủ Đức (nay là UBND quận 9) mà lại tiền hậu bất nhất như vậy? Khi việc chiếm sử dụng đất trái phép đã bị QĐ 154 bác bỏ như đã phân tích ở trên thì căn cứ vào điều 49 của Luật Đất đai 1987, việc QĐ 1181 không bồi thường cho gia đình ông Nguyên là đã vi phạm pháp luật. Như vậy tại sao QĐ 154 vẫn khẳng định QĐ 1181 là đúng đắn và hợp lý?

Hiện trạng khu đất hơn 3.614 m2 của gia đình ông Nguyên - bà Vân hiện do ông Châu Tuấn Quốc đang sinh sống và quản lý
Hiện trạng khu đất hơn 3.614 m2 của gia đình ông Nguyên - bà Vân hiện do ông Châu Tuấn Quốc đang sinh sống và quản lý

Về mặt hình thức, QĐ 154 là QĐ giải quyết khiếu nại về đất đai. Tuy nhiên trong QĐ này không có dòng nào căn cứ vào Luật Đất đai 1993 (có hiệu lực từ 15/10/1993). Hay UBND huyện Thủ Đức lúc bấy giờ không căn cứ vào Luật Đất đai 1993 để bác đơn xin sử dụng 3.614m2 của gia đình ông Nguyên? Bởi vì điều 2 Luật Đất đai 1993 nêu rõ: “Người sử dụng đất ổn định, được Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn xác nhận thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Chưa kể, việc QĐ 154 khẳng định “…phần đất của ông Nguyên và bà Vân mua của bà Năm được xác định hầu hết những con đường ngày xưa thuộc dạng đất công do nhà nước trực tiếp quản lý…”. UBND huyện Thủ Đức đã tự quy định thêm loại đất mới là “đất công” ngoài các nhóm đất, loại đất đã được phân loại theo quy định của Luật Đất đai năm 1993 là chỉ có 6 loại căn cứ vào mục đích sử dụng đất: “1. Đất nông nghiệp; 2. Đất lâm nghiệp; 3. Đất khu dân cư nông thôn; 4. Đất đô thị; 5. Đất chuyên dùng; 6. Đất chưa sử dụng”.

Luật Đất đai năm 1993 không hề có khái niệm pháp lý nào là “đất công”, và các văn bản của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đất đai cũng không có quy định về “đất công”. Như vậy, ngoài các nhóm đất, loại đất đã được phân loại theo quy định của Luật Đất đai năm 1993, việc Uỷ ban nhân dân huyện Thủ Đức tự quy định thêm loại “đất công” là trái với các văn bản pháp luật do các cơ quan nhà nước cấp trên ban hành và có hiệu lực pháp lý thống nhất trên toàn quốc.

Từ các phân tích nói trên để thấy rằng có quá nhiều khúc mắc, khuất tất chưa rõ ràng trong các QĐ thu hồi đất và giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, 22 năm sau, UBND Q9 lại căn cứ vào đó để tiếp tục xác định phần đất 3.614m2 là đất công để... bồi thường với giá 0 đồng.

Để xác minh, làm rõ vụ việc đồng thời bảo đảm tính khách quan, thông tin đa chiều, chiều ngày 22/9/2016, PV Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc với Lãnh đạo Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình quận 9 (TPHCM). Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin diễn biến vụ việc này.

Trọng Mạnh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bồi thường 3.614m2 đất giá 0 đồng: Những quyết định "tiền hậu bất nhất" của quận 9
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO