Bố Trạch- Quảng Bình: Nhiều mỏ đất cải tạo vườn đồi khai thác sai quy trình

04/05/2018 21:31

(TN&MT) - Hàng chục mỏ đất, với trữ lượng hàng nghìn m3 khối được UBND huyện Bố Trạch cấp phép trên địa bàn với danh nghĩa là cấp phép cải tạo vườn đồi. Có những mỏ cải tạo vườn đồi có trữ lượng còn lớn hơn cả mỏ đất được UBND tỉnh cấp phép. Đáng nói hơn là, nhiều mỏ đất cải tạo vườn đồi này khai thác theo kiểu đào ao “thả cá voi”.  

Theo thống kê từ năm 2016 đến nay, UBND huyện Bố Trạch đã cấp phép mỏ đất cải tạo vườn đồi cho 38 hộ cá nhân, chỉ riêng xã Lý Trạch đã có đến 10 mỏ (hiện vẫn còn 7 mỏ đang có thời gian hoạt động) cải tạo vườn đồi được cấp phép. Trong đó, nhiều mỏ khai thác vượt quá trữ lượng, sai quy trình theo kiểu đào ao “thả cá voi” nhưng không hề có sự kiểm tra xử lý của cơ quan chức năng.
 

Nhiều mỏ cải tạo vườn đồi khai thác sai quy trình
Nhiều mỏ cải tạo vườn đồi khai thác sai quy trình

Trong đó, phải kể đến mỏ cải tạo vườn đồi của hộ gia đình Nguyễn Thành Trung tại Thị trấn Nông Trường Việt Trung, được UBND huyện Bố Trạch cấp phép Quyết định số 3372/QĐ-UB ngày 14/07/2017, với diện tích gần 41.000m2, có trữ lượng lến đến gần 220.000m3 và thời hạn trong 12 tháng. Một hộ khác là Nguyễn Văn Long cũng tại Thị trấn Nông Trường Việt Trung, được cấp phép theo Quyết định số 2903/QĐ-UB ngày 26/9/2017, với diện tích gần 21.000m2, có trữ lượng hơn 34.000m3, thời hạn trong 12 tháng.
 

Việc kiểm tra, giám sát tại các mỏ bị buông lỏng
Việc kiểm tra, giám sát tại các mỏ bị buông lỏng

Bên cạnh đó, việc cấp phép với trữ lượng lớn ngang với mỏ đất được UBND tỉnh cấp phép của nhiều mỏ cải tạo vườn đồi nhưng cũng chỉ phải làm một bản kế hoạch bảo vệ môi trường đơn giản. Không những vậy, việc kiểm soát, kiểm tra quy trình, diện tích cũng như khối lượng khai thác không được kiểm soát do đó có nhiều hộ đã vô tư khai thác, chiều sâu đến 3-4 mét.
 

Thậm chí có mỏ sau khi cải tạo lại trở thành nơi tập kết rác thải
Thậm chí có mỏ sau khi cải tạo lại trở thành nơi tập kết rác thải

Theo ghi nhận của PV Báo TN&MT tại xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch giáp với đường tránh TP.Đồng Hới, nhiều khu vực đã được UBND huyện Bố Trạch cấp phép cho người dân cải tạo nay trở thành những cái ao lớn, rộng hàng trăm mét vuông, nhiều nơi có độ sâu 3-4 mét, đất đồi bị đào khoét nham nhở nhưng không hề thực hiện phục hồi môi trường. Còn tại Thị trấn Nông Trường Việt Trung giáp với đường mòn Hồ Chí Minh hộ ông Nguyễn Văn Long đang trong quá trình cải tạo, tại đây một khu vực đất đã được lấy đi tạo thành hồ rộng lớn có độ sâu 2-3 mét.
 

Có nhiều mỏ đất sau khi cải tạo có độ sâu 3-4 mét rất nguy hiểm
Có nhiều mỏ đất sau khi cải tạo có độ sâu 3-4 mét rất nguy hiểm

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Trường- Chủ tịch UBND Thị trấn Nông Trường Việt Trung, cho biết: “Sau khi có công văn chỉ đạo của huyện, anh đã chỉ đạo cả công an, địa chính tiến hành kiểm tra tất cả các bãi, kiểm tra lại giấy phép, nếu hết hạn sẽ áp dụng biện pháp đình chỉ. Đáng là kiểm tra tuần trước, nhưng do mắc hội nghị liên tục nên chưa triển khai được. Bây giờ cấp chỉ có giấy cấp phép chứ không có phương án chi cả, cấp phép cho tận thu mà tận thu thì đang nói chung nên mình cũng không biết chi cả, họ vận chuyển đi đâu mình không biết và không kiểm soát được”.
 

Hiện, trên địa bàn huyện Bố Trạch không có mỏ đất nào được UBND tỉnh Quảng Bình cấp phép, do vậy các công trình trên địa bàn vẫn đang dùng đất tại các mỏ cải tạo vườn đồi này. Tuy nhiên, đất tại các mỏ cải tạo vườn đồi này vẫn chưa được kiểm tra, thẩm định chất lượng nhưng được bán đi đâu “tùy ý”?. Câu hỏi đặt ra, liệu rằng chất lượng đất tại các mỏ này có đảm bảo chất lượng để thi công các công trình hay không? Đơn vị nào kiểm tra chất lượng đất tại các mỏ cải tạo vườn đồi này?.
 

Đất được đưa đi phục vụ các công trình khi chưa được đánh giá, thẩm định chất lượng
Đất được đưa đi phục vụ các công trình khi chưa được đánh giá, thẩm định chất lượng

Trao đổi với PV, ông Đỗ Mạnh Tài- Trưởng phòng TN&MT huyện Bố Trạch, cho biết: “Sau khi nắm được thông tin phòng đã tiến hành kiểm tra, những đơn vị vi phạm phải thực hiện cải tạo phục hồi môi trường, san lại và trồng cây. Yêu cầu xã giám sát những đơn vị làm lại, lấy đất đâu thì lấy nhưng phải lấp lại, san bằng lại đúng quy định”.
 

Việc nhiều mỏ cải tạo vườn đồi được cấp phép với trữ lượng như cấp phép mỏ đất ông Đỗ Mạnh Tài lý giải rằng: “Do đất xấu không thể trồng được dược liệu nên phải hạ độ cao, cải tạo đất, đấy là diện tích của họ, họ xin cải tạo cho bằng để sử dụng nên tạo điều kiện cho họ thôi. Trữ lượng giao xã giám sát trực tiếp”.
 

Ngoài việc đất tại các mỏ cải tạo vườn đồi này được đưa đi phục vụ các công trình khi chưa được kiểm tra, thẩm định chất lượng thì hiện nay việc kiểm tra, giám sát quy trình khai thác cũng như vận chuyển của những đơn vị đứng ra tận thu vẫn chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ nên nhiều mỏ cải tạo vẫn để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường hay khai thác sai quy trình.
 

“Hiện nay phòng đang kiến nghị lên tỉnh để có quy định về trữ lượng được cấp phép. Nếu mức trữ lượng quá lớn thì tỉnh cấp phép, còn một mức vừa vừa thì huyện cấp, còn bây giờ trữ lượng lớn nhỏ chưa có quy định. Huyện cũng có văn bản yêu cầu các đơn vị tận thu phải thực hiện công tác bảo vệ môi trường, chịu trách nhiệm nếu trong quá trình vận chuyển làm đường xuống cấp”, bà Nguyễn Thị Cẩm Hoàng- Phó phòng TN&MT huyện Bố Trạch, cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bố Trạch- Quảng Bình: Nhiều mỏ đất cải tạo vườn đồi khai thác sai quy trình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO