Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, cùng với sự phát triển của đất nước, ngành tài nguyên và môi trường ngày càng lớn cả về quy mô tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và nguồn nhân lực, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường đã có những chuyển biến tích cực, bước đầu đáp ứng những nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cơ bản, hiện nay công tác quản lý tài nguyên và môi trường vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế về chức năng, nhiệm vụ; tổ chức bộ máy; đội ngũ công chức, viên chức.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, trong bối cảnh hiện nay, khối lượng công việc của Bộ, ngành ngày càng lớn, tăng nhiều nhiệm vụ so với trước đây; trong khi đó việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế đã tạo áp lực và là thách thức lớn cho toàn ngành tài nguyên và môi trường. Chính vì vậy, việc xây dựng Đề án tăng cường năng lực hệ thống tổ chức và đội ngũ công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường mang ý nghĩa, vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành tài nguyên và môi trường.
Bên cạnh đó, việc xây dựng danh mục vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành tài nguyên và môi trường đối với các cơ quan đơn vị ở Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện sẽ giúp đảm bảo tính tổng thể và liên thông trong xây dựng vị trí việc làm. Đồng thời, làm cơ sở cho việc xác định biên chế và xây dựng cơ chế, chính sách quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.
Để có cơ sở hoàn thiện dự thảo Đề án trình Chính phủ và dự thảo Danh mục vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành tài nguyên và môi trường từ trung ương đến địa phương, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo để lấy ý kiến góp ý đối với các Dự thảo nêu trên.
Thứ trưởng đề nghị Hội thảo tập trung thảo luận, cho ý kiến về kết cấu, các nội dung, nhận định, đánh giá được nêu trong Đề án; trong đó, chú trọng quan điểm, mục tiêu của Đề án; nhiệm vụ và giải pháp của Đề án; đối với các nội dung đánh giá thực trạng hệ thống tổ chức, đội ngũ công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường từ Trung ương đến địa phương... Cùng với đó, tập trung cho ý kiến về tên gọi, số lượng và cơ cấu ngạch công chức đối với mỗi vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành theo các lĩnh vực ở các cấp: Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện để đảm bảo thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đang được giao ở mỗi cấp.
Báo cáo dự thảo Đề án làm cơ sở lấy ý kiến tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Huyền, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, mục tiêu của Đề án nhằm giải quyết hai vấn đề lớn là kiện toàn bộ máy tổ chức của ngành; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tài nguyên và môi trường từ trung ương đến địa phương.
Trên cơ sở mục tiêu Đề án, Ban Soạn thảo đưa ra một số nhiệm vụ ưu tiên triển khai như rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường từ trung ương đến địa phương; Nghiên cứu, rà soát, đánh giá thực trạng tổ chức bộ máy, đề xuất kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường từ trung ương đến địa phương; Xây dựng, thực hiện các dự án cung cấp, lắp đặt, cung cấp trang thiết bị, tin học hóa...
Tại Hội thảo, lãnh đạo, đại diện lãnh đạo Sở TN&MT nhiều tỉnh cho rằng, ngành tài nguyên môi trường hiện nay chịu áp lực lớn, nhất là ở các địa phương, khối lượng công việc tăng lên rất nhiều nhưng nhân sự lại yêu cầu giảm đi.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Văn Phong – Giám đốc Sở TN&MT Nam Định đề nghị trong thời gian tới, Bộ thiết kế các khóa đào tạo bồi dưỡng ngắn ngày đối với cán bộ ngành tài nguyên và môi trường cho các địa phương liên quan đến việc chuẩn hóa theo danh mục vị trí việc làm.
Ghi nhận những ý kiến trao đổi, thảo luận hết sức thiết thực từ lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và Sở TN&MT các tỉnh đối với các Dự thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị khẩn trương hoàn thiện dự thảo Đề án trình Chính phủ và dự thảo Danh mục vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành tài nguyên và môi trường từ trung ương đến địa phương, bảo đảm đáp ứng thời gian quy định.
Từ đó, kiện toàn hệ thống tổ chức, nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức, người lao động thuộc ngành tài nguyên và môi trường từ trung ương đến địa phương; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường; phát triển ngành tài nguyên và môi trường ngày càng chính quy, hiện đại, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hội nhập quốc tế và bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.