Bộ TN&MT chủ động phối hợp với các địa phương bàn phương án vận hành hồ chống hạn

Thúy Hằng (thực hiện)| 28/02/2020 21:30

(TN&MT) - Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, tính đến ngày 10/2/2020, hạn hán và xâm nhập mặn đã khiến hơn 80.000 hộ dân ĐBSCL bị thiếu nước sinh hoạt.

Ông Châu Trần Vĩnh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước

Theo nhận định của các chuyên gia, đợt hạn này bằng thậm chí một số thời điểm còn khốc liệt hơn đợt hạn năm 2015 – 2016. Song, nhờ có dự báo, cảnh báo tốt, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành, các địa phương nên thiệt hại giảm rất nhiều so với năm 2016.

Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Châu Trần Vĩnh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước xung quanh vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết dự báo, nhận định về tình trạng hạn hán trong năm 2020?

Nguy cơ xảy ra tình trạng hạn hán thiếu nước đã được Bộ TNMT nhận định và cảnh báo từ những tháng cuối năm 2019, đầu năm 2020 và đã thông báo đến các Bộ, ngành, địa phương.

Ông Châu Trần Vĩnh: Theo dự báo thì từ tháng 01-6/2020, dòng chảy trên các sông phổ biến thiếu hụt so với TBNN, cụ thể Bắc Bộ 20-50%, Trung Bộ và Tây Nguyên từ 40-70%; dòng chảy thượng nguồn sông Mê Công các tháng đầu năm thấp hơn từ 20-45% và trong nửa cuối tháng 2-3/2020 ở mức thiếu hụt so với năm 2016 5-20%.

Nhiều hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa lớn, quan trọng, lượng nước tích được đầu mùa cạn là không nhiều, chỉ từ 40-75% tùy từng hồ, đặc biệt có hồ chứa chỉ tích được khoảng 20%. Các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ cũng chỉ tích được 70-80%, nhiều hồ chỉ đạt 40-50%.

Như vậy, khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước, nhất là từ tháng 4,5 tới sẽ là rất cao khi bắt đầu nắng nóng, nhu cầu dùng điện tăng cao,...đặc biệt ở các tỉnh Nam Bộ, trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong lưu vực (tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập) sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trở nên trầm trọng hơn.

PV: Trước tình hình trên, Cục Quản lý tài nguyên nước đã đề xuất những giải pháp cấp bách và lâu dài nào? Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện những biện pháp nào để hạn chế tác động, thích ứng với diễn biến hạn hán hiện nay?

Ông Châu Trần Vĩnh: Từ đầu tháng 12/2019 đến nay, Cục Quản lý tài nguyên nước cũng đã chủ động phối hợp với các địa phương, các chủ hồ để đôn đốc, bàn bạc phương án vận hành, có địa phương cũng đã chủ động đề xuất điều chỉnh giảm lưu lượng xả trong các tháng mùa cạn hoặc cắt giảm diện tích sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thiếu hụt nguồn nước. Vì vậy, mặc dù lưu lượng đến các hồ chứa là rất nhỏ, nhưng hiện nay các hồ chứa vẫn duy trì được mực nước tối thiểu hoặc nâng dần lên để có thể đủ nguồn nước cân đối cho mùa cạn.

Đồng bằng Sông Cửu Long đối mặt với hạn hán

Đối với các hồ chứa đang có thiếu hụt nguồn nước như hồ Cửa Đạt (sông Mã), Bình Điền (sông Hương), A Vương (Vu Gia – Thu Bồn), Ka Nak (Ba), Sê San 4 (Sê San), Đại Ninh (Đồng Nai),… Cục đã trình lãnh đạo Bộ có văn bản phối hợp, chỉ đạo điều hành các hồ chứa. Các hồ chứa này do vẫn thiếu hụt nên phương án điều chỉnh giảm lưu lượng xả xuống hạ du cho phù hợp để bảo đảm đủ nước cấp cho từ 5-7 tháng còn lại của mùa cạn.

Bộ đã chỉ đạo cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tìm kiếm thăm dò nguồn nước dưới đất để có thể cung cấp cho các vùng khan hiếm nước mà nguồn nước các hồ chứa không cấp tới được.

Trong thời gian tới, Bộ TN&MT tiếp tục chỉ đạo Tổng Cục KTTV tăng cường, nâng cao độ chính xác trong công tác dự báo, cảnh báo các hiện tượng cực đoan, đặc biệt là hạn hán. Đồng thời, chỉ đạo Cục QLTNN giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng TNN và giám sát việc vận hành các hồ chứa cấp nước cho hạ du.

Bộ TN&MT cũng sẽ đẩy mạnh xây dựng quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh. Bên cạnh đó, dần hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước tổng thể, đồng bộ từ trung ương đến địa phương...

PV: Tại một số địa phương, chính quyền cho khai thác nguồn nước ngầm để phục vụ sinh hoạt và sản xuất, xin ông cho biết các phương án để vừa bảo đảm ổn định cuộc sống vừa tránh suy thoái, cạn kiệt nguồn nước ngầm?

Ông Châu Trần Vĩnh: Hạn mặn ở ĐBSCL là vấn đề nan giải, thường xuyên xảy ra hằng năm và thường gây ra thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân, làm cho cả hệ thống chính trị đã phải vào cuộc.

Rút kinh nghiệm từ đợt hạn mặn năm 2015-2016, chúng ta đã chủ động để ứng phó với đợt hạn mặn 2019-2020 mà theo dự báo có thể nghiêm trọng hơn đợt hạn mặn 2015-2016.

Nhiều địa phương đã có những giải pháp cấp bách để hạn chế tác động của hạn hán đến cuộc sống của người dân như xây dựng các công trình ngăn nước mặn xâm nhập, khuyến cáo và hướng dẫn bà con các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm tối đa, khai thác nguồn nước ngầm…..

Theo quy định của Luật tài nguyên nước thì trong trường hợp khai thác nước để ứng phó với tình trạng khẩn cấp thì không phải có giấy phép.

Tuy nhiên, để bảo đảm vừa đáp ứng yêu cầu chống hạn, đồng thời tránh nguy cơ suy thoái, cạn kiệt nguồn nước ngầm thì giếng khoan phải được bố trí ở vị trí hợp lý, có thiết kế đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, khai thác với lưu lượng hợp lý để không làm hạ thấp mực nước quá mức gây ô nhiễm, xâm nhập mặn, sụt lún đất khi khai thác.

Đồng thời cũng phải có những giải pháp lâu dài để ứng phó, trong đó có việc đầu tư thăm dò, đánh giá trữ lượng, chất lượng nước ngầm để xây dựng các công trình khai thác lâu dài và đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

Để ứng phó với hạn mặn, đã có địa phương xây dựng nhà máy nước khai thác kết hợp giữa nước mặt, nước ngầm (NMN Ngã Bảy, Hậu Giang) để cấp nước sinh hoạt, sản xuất, đây là mô hình cần nghiên cứu, xem xét để có nhân rộng nhằm chủ động ứng phó với hạn mặn của vùng ĐBSCL.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TN&MT chủ động phối hợp với các địa phương bàn phương án vận hành hồ chống hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO