Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng báo cáo với Đoàn công tác Bộ NN&PTNT |
Báo cáo với đoàn công tác, Giám đốc Sở NN&PTNT Bùi Văn Lâm cho biết, ngay từ đầu tháng 12/2019, mặn trên các sông chính trong tỉnh đã xâm nhập nhanh, sớm hơn so với trung bình nhiều năm khoảng hai tháng, độ mặn đo được tại các trạm rất cao.
Dự báo độ mặn trong thời gian tới sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, xâm nhập sâu và duy trì ở mức rất cao từ nay đến cuối tháng 3/2020. Hiện tại, độ mặn 1‰ đã bao trùm toàn bộ tỉnh Bến Tre.
Theo Sở NN&PTNT Bến Tre, hiện toàn tỉnh có hơn 5.000 ha diện tích lúa Đông Xuân chậm phát triển do ảnh hưởng của xâm nhập mặn và có nguy cơ mất trắng. Các loại cây ăn quả, cây giống, hoa kiểng cũng bị ảnh hưởng với diện tích trên 20.000 ha.
Trong thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn. Hiện tại đang thực hiện khẩn cấp các đập tạm trữ nước ngọt, mua sắm thiết bị bơm, vận hành hồ chứa nước ngọt, sửa chữa, nâng cấp các công trình cống để ngăn mặn.
Tại Khu công nghiệp Giao Long, Bệnh viên Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) đã trang bị máy lọc mặn RO. Đồng thời, đối với nước sinh hoạt đã vận hành 12 nhà máy nước được trang bị máy lọc mặn RO để cung cấp 24/24 giờ phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt.
Ngoài ra, một số địa phương đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ bồn chứa nước, cung cấp nước ngọt cho người dân...
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao công tác chỉ đạo ứng phó hạn mặn tại tỉnh Bến Tre. Trong đó, địa phương đã chủ động, vào cuộc quyết liệt, người dân có kinh nghiệm để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ và trữ nước ngọt.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, từ nay đến hết tháng 3/2020 sẽ có đợt mặn rất cao, nên các địa phương dứt khoát không chủ quan. Tỉnh cần tập trung thực hiện chỉ đạo của Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, đặc biệt Đài khí tượng thủy văn, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam để có thông tin, chỉ đạo cụ thể.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị, trong thời gian tới, Bến Tre cần chủ động các giải pháp, tránh để ảnh hưởng đến cây ăn trái hoặc người dân thiếu nước sinh hoạt. Riêng nước ngọt, tỉnh cần vận hành hợp lý các công trình đã có, đồng thời tăng cường giải pháp đắp đập để giữ nguồn nước ngọt phục vụ lâu dài.