Với diện tích mặt nước lên đến 52km2, phá Tam Giang là nơi hội tụ của ba con sông lớn (sông Ô Lâu, sông Hương, sông Bồ) trước khi đổ ra cửa biển Thuận An. Độ sâu trung bình 2-4 mét, sâu nhất tới 7 mét, đầm phá này là môi trường sống của hàng ngàn loài thủy sinh có giá trị kinh tế cao.
Từ trung tâm TP Huế, đi về phía đông khoảng 12km là đến đầm Chuồn (còn gọi là đầm Cầu Hai), thuộc huyện Phú Vang. Đầm Chuồn là một phần lớn của hệ thống đầm phá Tam Giang, nơi hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản cũng như buôn bán, trao đổi diễn ra tấp nập. Các dịch vụ du lịch như homestay, nhà hàng, thuyền chở khách tham quan cũng đầy đủ, tiện lợi.
Để đón bình minh trọn vẹn nhất, du khách nên đến đầm Chuồn từ khoảng 4h-4h30 để tìm hiểu cuộc sống người dân qua buổi họp chợ sớm, thưởng thức các món ăn độc đáo bản địa. Khi mặt trời chưa lên, một vùng đồi núi, nước non chìm trong làn sương mờ ảo, điểm xuyết là những chiếc thuyền nhỏ, đẹp như bức tranh thủy mặc. Tiếng người đi chợ trò chuyện, gọi nhau rộn ràng, lao xao. Dần dần, phía đông bừng lên sắc hồng, rồi chuyển sang cam, cam đỏ lộng lẫy. Mặt trời rực rỡ nhô lên soi sáng và sưởi ấm không gian, báo hiệu một ngày mới đã bắt đầu với tất cả mọi người.
Bạn có thể thuê người dân dùng xuồng máy chở đi vòng quanh đầm, hóng gió, chiêm ngưỡng và chụp những khung hình nên thơ trên sóng nước cùng những ngôi làng nằm bình yên bên bờ.
Từ trước bình minh, nhiều ghe thuyền đã cập bến để mua bán, trao đổi cá tôm |
Bên cạnh cá, tôm, chợ địa phương còn có nhiều loại bánh lạ mắt và hấp dẫn |
Bầu trời và mặt nước đầm Chuồn như được nhuộm màu hồng cam lãng mạn, mộng mơ |
Khoảnh khắc mặt trời ló rạng, soi sáng những nhà chồ (chòi) canh các khu nuôi trồng thủy sản được cắm cọc, quây lưới |
Tham quan đầm phá bằng xuồng máy mang đến cho du khách cảm giác tươi mới, thú vị |
Mặt trời đã lên cao nhưng không khí vẫn rất mát mẻ và trong lành |
Trời sáng hẳn, làng quê bên bờ đầm cũng thức giấc với nhịp sống ngày mới |