Xã hội

Huyện Minh Hóa (Quảng Bình): Đặt người nghèo, hộ nghèo vào vị trí trung tâm của hoạt động phát triển kinh tế

Thanh Tùng (thực hiện) 10/07/2023 - 12:24

(TN&MT)  -Huyện Minh Hóa là địa phương còn nhiều khó khăn của tỉnh Quảng Bình cũng như cả nước. Tuy nhiên, trong những năm qua, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội của huyện đã có bước phát triển vững chắc, đời sống nhân dân chuyển biến tích cực.

Để làm rõ thêm những kết quả này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Bắc Việt - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa.

PV: Xin ông cho biết đôi nét khái quát về điều kiện tự nhiên, xã hội của huyện Minh Hóa?

Ông Nguyễn Bắc Việt:

Minh Hoá là huyện miền núi vùng cao nằm về phía Tây Bắc tỉnh Quảng Bình. Phía Tây giáp nước bạn Lào với 89 km đường biên giới, phía Bắc giáp huyện Tuyên Hoá, phía Nam và Đông Nam giáp huyện Bố Trạch. Toàn huyện có 14 xã và 1 thị trấn với diện tích tự nhiên là 1.410 km2. Dân số trên 58 nghìn người, trong đó, dân tộc Kinh chiếm đa số và các dân tộc ít người Bru - Vân Kiều, Chứt với trên 10.000 người, tập trung ở các xã biên giới (Dân Hoá, Trọng Hoá, Thượng Hoá và Hoá Sơn). Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế - xã hội cũng như đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn.

Tuy vậy, Minh Hoá cũng là huyện có nhiều tiềm năng và thế mạnh. Huyện có cửa khẩu quốc tế Chalo - Nà Phàu các đầu mối và tuyến giao thông quan trọng đi qua như đường Hồ Chí Minh chạy suốt chiều dài của huyện, đường 12C là tuyến đường ngắn nhất nối các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan qua Lào, về QL1A, đến cảng biển Hòn La (Quảng Bình), cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh). Bên cạnh đó, Minh Hoá còn có nhiều di tích lịch sử như đèo Đá Đẽo, Mụ Dạ, Ngầm Rinh, Khe Ve, Chalo, Cổng Trời…, các khu rừng tự nhiên, sơn thuỷ hữu tình có thể xây dựng thành khu du lịch sinh thái thu hút khách du lịch. Đây là điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất hàng hoá, thương mại, dịch vụ xuất nhập khẩu.

anh-1(1).jpg
Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Nguyễn Bắc Việt. Ảnh: Thanh Tùng

Trong những năm qua, kinh tế - xã hội của huyện luôn giữ được tốc độ tăng trưởng khá. Huyện cũng chú ý đầu tư quan tâm đúng mức đến việc xây dựng kết cấu hạ tầng, điện, giao thông, thông tin liên lạc, nước sinh hoạt, nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển du lịch, đầu tư nâng cao trình độ văn hoá, xoá mù chữ cho đồng bào, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao biên giới. Nhờ đó, Minh Hoá đã từng bước "thay da, đổi thịt", mang trong mình nguồn sức sống mới, sinh lực mới.

PV: Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện trong những năm qua?

Ông Nguyễn Bắc Việt:

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, sự giám sát chặt chẽ của Thường trực HĐND huyện, sự nỗ lực, phấn đấu của UBND huyện, của các xã, thị trấn, công tác triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đã mang lại những kết quả quan trọng. Cơ sở vật chất, hạ tầng thiết yếu đã từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp.

Cụ thể, nếu năm 2020, toàn huyện có 2.043 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 14,66%; có 3.164 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 22,70%; thì đến năm 2021, theo chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2016-2021, toàn huyện còn 1.666 hộ nghèo, tỷ lệ 11,81%, giảm 377 hộ, tương đương giảm 2,85% so với năm 2020, vượt 0,35% chỉ tiêu Chương trình hành động số 05-CT/HU đề ra.

Theo chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2022-2025, toàn huyện có 3.456 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 24,49%, tăng 9,83% so với năm 2020; có 2.195 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 15,56%, giảm 7,14% so với năm 2020.

Đến năm 2022, toàn huyện có 2.546 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 17,99%; giảm 910 hộ nghèo, giảm 6,5% so với năm 2021; có 2.629 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 18,58%; tăng 434 hộ cận nghèo, tăng 3,02% so với năm 2021.

Năm 2023, dự tính đến cuối năm toàn huyện còn 2.122 hộ nghèo, tỷ lệ 14,99%, giảm 9,5% so với năm 2021, bình quân mỗi năm giảm 3,16% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025).

Ngoài ra, từ năm 2020 đến nay, huyện đã giải quyết việc làm cho 6.715 lao động, đạt 53,7% kế hoạch giao trong cả nhiệm kỳ. Trong đó, có trong đó có 406 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 40,6% kế hoạch; hơn 2.500 lao động được tạo việc làm mới, đạt 41,6%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2023 ước đạt 39,5%; đạt 45% so với Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI đề ra. Huyện cũng mở được 29 lớp đào tạo nghề cho 991 lao động nông thôn từ năm 2020 đến nay.

PV: Những bài học kinh nghiệm nào được rút ra qua quá trình thực hiện công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương, thưa ông?

Ông Nguyễn Bắc Việt:

Để làm tốt công tác giảm nghèo bền vững, các cấp ủy, chính quyền phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo, xác định giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; gắn việc hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo với trách nhiệm của người đứng đầu và cấp ủy các cấp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị.

Phải đặt người nghèo, hộ nghèo vào vị trí chủ thể, trung tâm của hoạt động giảm nghèo. Đồng thời, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và toàn xã hội, đặc biệt là khuyến khích người dân phát huy tinh thần tự lực, tự trọng, có khát vọng và chủ động nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Đặc biệt, cần xây dựng kế hoạch giảm nghèo phải sát, đúng với điều kiện của từng địa bàn. Tập trung hỗ trợ mở rộng sinh kế, phát triển sản xuất, tăng thu nhập và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu cho người nghèo. Hướng dẫn thực hiện dự án phải khoa học, hợp lý để hộ nghèo, cận nghèo khi tham gia dự án dễ dàng tiếp cận, triển khai dự án có hiệu quả, bền vững.

PV: Quá trình triển khai công tác giảm nghèo với một huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Minh Hóa ắt hẳn sẽ gặp phải nhiều thách thức,  với Minh Hóa là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Bắc Việt:

Có thể nói, trong những năm qua, công tác giảm nghèo bền vững nhận được quan tâm của tất cả cấp, ngành từ huyện đến cơ sở. Quá trình thực hiện đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo phù hợp với từng địa phương. Từ đó, đời sống của nhân dân trong huyện ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện cũng còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế.

Đó là việc triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ nghèo vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp. Nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai chậm do vướng mắc về văn bản hướng dẫn thực hiện, chưa kích thích được sự tham gia của người dân trong sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình. Công tác giảm nghèo hàng năm đã có chuyển biến nhưng tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2022-2025 vẫn còn ở mức cao so với mặt bằng chung toàn tỉnh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao.

Bên cạnh đó, công tác giải quyết việc làm hiệu quả chưa cao; nguồn lao động dồi dào nhưng tỷ lệ lao động có việc làm làm còn ít, nhất là đối với đối tượng được đào tạo chính quy (cao đẳng, đại học); số lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài chưa tương xứng với tiềm năng.

anh-2(1).jpg
Nhiều khu tái định cư được huyện Minh Hóa xây dựng đáp ứng nơi ở mới cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Ảnh: Thanh Tùng

PV: Vậy các mục tiêu chính trong công tác giảm nghèo bền vững của huyện Minh Hóa thời gian tới là gì và đâu là giải pháp chính nhằm đạt được mục tiêu đó?

Ông Nguyễn Bắc Việt:

Hiện nay, huyện phấn đấu hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2% đến 2,5%, hộ cận nghèo giảm từ 3% đến 3,5%. Phấn đấu đến năm 2025, giải quyết việc làm cho 5.785 lao động, trong đó có 600 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hơn 3.500 lao động được tạo việc làm mới. Đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45%. Đảm bảo 100% người nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, huyện cũng phấn đấu 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh, sinh viên các đối tượng chính sách được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, thực hiện đồng bộ các chính sách khác về giáo dục đào tạo theo quy định để giảm nhanh chiều thiếu hụt về giáo dục. Đảm bảo 90% hộ nghèo, người nghèo có nhu cầu được trợ giúp pháp lý miễn phí, tạo điều kiện cho người nghèo hiểu biết quyền, nghĩa vụ của mình, chủ động tiếp cận các chính sách trợ giúp của Nhà nước để vươn lên thoát nghèo.

Để đạt được mục tiêu đó, huyện xác định huy động tối đa và tập trung nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với công tác giảm nghèo; khai thác triệt để có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh sẵn có nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng bền vững về kinh tế - xã hội. Ưu tiên thực hiện đồng bộ các dự án, chính sách trên địa bàn các thôn, xã đặc biệt khó khăn, các xã phấn đấu về đích nông thôn mới giai đoạn 2023-2025, góp phần tăng thu nhập của người lao động, của hộ nghèo; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất để người nghèo tham gia sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Đồng thời, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tốc độ phát triển kinh tế khu vực phi nông nghiệp, tạo thêm làm việc mới, tăng thu nhập. Tăng cường công tác đào tạo nghề bằng nhiều hình thức, gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm, đẩy mạnh hoạt động giới thiệu việc làm tạo điều kiện cho người lao động sau đào tạo tìm được việc làm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn cho các hộ gia đình có nhu cầu đưa con em đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Khuyến khích nhân dân mạnh dạn tham đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vì đây là con đường thoát nghèo nhanh và bền vững nhất.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

“Trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo, công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nhân dân. Đã có những hộ dân mạnh dạn, tích cực trong lao động sản xuất; chủ động làm đơn xin thoát nghèo, thoát cận nghèo; có hộ gia đình đã mạnh dạn cho con em mình tham gia lao động ở nước ngoài để thoát nghèo bền vững”.

Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Nguyễn Bắc Việt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Minh Hóa (Quảng Bình): Đặt người nghèo, hộ nghèo vào vị trí trung tâm của hoạt động phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO