Bình Định: Triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý"

03/08/2016 00:00

(TN&MT) – Chiều ngày 3/8, tại TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.

Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” thu hút đông đảo người xem
Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” thu hút đông đảo người xem

Phát biểu khai mạc triển lãm, ông Đoàn Công Huynh- Vụ trưởng Vụ Thông tin cơ sở (Bộ TT&TT) cho biết: Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 11/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác sưu tầm, thẩm định, công bố, sử dụng các tài liệu, ấn phẩm và khen thưởng đối với các cá nhân, tổ chức đã sưu tầm và hiến tặng tài liệu liên quan đến chủ quyền biển, đảo Việt Nam; Bộ TT&TT đã tổ chức Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại 44 tỉnh, thành phố, 10 điểm đảo, huyện đảo và 10 đơn vị lực lượng vũ trang.

Lần này, Bộ phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại tỉnh Bình Định từ ngày 03/8 đến ngày 07/8/2016. Triển lãm là hoạt động thông tin tuyên truyền quan trọng, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài, đặc biệt là tầng lớp thanh niên trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thông qua các tư liệu lịch sử được công bố.

Bản đồ và tư liệu trưng bày tại Triển lãm là một phần bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông. Các tư liệu cho thấy các nhà nước Việt Nam, từ thời kỳ phong kiến, đến thời kỳ xã hội chủ nghĩa ngày nay, đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và nhiều vùng biển đảo khác thuộc lãnh thổ Việt Nam. Đó là một quá trình liên tục, lâu dài, diễn ra trong hòa bình, được ghi nhận trong nhiều nguồn sử liệu của Việt Nam và các nước, đặc biệt là những tư liệu, bản đồ được soạn vẽ, xuất bản từ thế kỷ XVI đến nay ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Nội dung triển lãm và trưng bày, gồm nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm và gần 100 bản đồ được trưng bày là tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả ở trong nước và quốc tế, như: Phiên bản của các văn bản Hán  Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam và chính quyền Pháp ở Đông Dương, ban hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, khẳng định quá trình xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt là các châu bản triều Nguyễn (từ triều Gia Long đến triều Bảo Đại) ban hành liên quan trực tiếp đến vấn đề khai thác, quản lý, xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Các lực lượng vũ trang quan tâm sâu sắc với những tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm và gần 100 bản đồ được trưng bày tại triển lãm
Các lực lượng vũ trang quan tâm sâu sắc với những tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm và gần 100 bản đồ được trưng bày tại triển lãm

Phiên bản của các văn bản hành chính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam ban hành trong thời kỳ 1954 – 1975 tiếp tục khẳng định quá trình quản lý hành chính, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Phiên bản của các văn bản hành chính của nhà nước Cộng hòa XHCH Việt Nam ban hành từ năm 1975 đến nay tiếp tục khẳng định thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và những vùng biển đảo khác thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Một số tư liệu, ấn phẩm do các nước phương Tây biên soạn và xuất bản từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Một số hình ảnh tư liệu về quá trình thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ những năm 1930 đến khi Trung Quốc xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa bằng trận “Hải chiến Hoàng Sa” ngày 19/1/1974.

Trưng bày 65 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, do Việt Nam, phương Tây công bố từ thế kỷ XVII đến nay; 4 tập bản đồ (atlas) và 30 bản đồ do các nhà nước Trung Quốc xuất bản và phát hành chính thức qua các thời kỳ lịch sử cho thấy Trung Quốc không hề quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ gọi là Xisha và Nansha và đòi hỏi chủ quyền đối với hai quần đảo này.

Trong đó, đáng chú ý là 4 cuốn atlas do nhà Thanh và Chính phủ Trung Hoa Dân quốc xuất bản gồm: Trung Quốc địa đồ (xuất bản năm 1908), Trung Quốc toàn đồ (xuất bản năm 1917), Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản năm 1919) và Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản năm 1933). Các atlas này là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh vạch ra vào năm 1906 và được chính phủ Trung Hoa dân quốc kế tục vào các năm sau đó. Các bản đồ được lập chi tiết ở từng tỉnh, thể hiện rõ các con đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh, thành của Trung Quốc. Nơi nào không thuộc lãnh thổ Trung Quốc thì không được thể hiện trên các bản đồ trong atlas. Cương giới cực nam của Trung Quốc trong các atlas này luôn chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, mà không hề nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này chứng tỏ rằng cho đến khi nhà Thanh phát hành các atlas này vào năm 1908 và sau này chính quyền Trung Hoa dân quốc tái bản các atlas này vào các năm 1917, 1919 và 1933, thì hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn nằm ngoài cái gọi là “chủ quyền lịch sử của Trung Quốc” như họ vẫn tuyên bố hiện nay.

Bộ Atlas Universel do Philippe Vandermaelen (1795 – 1869), nhà địa lý học người Bỉ, người sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ biên soạn, gồm 6 tập: Châu Âu (tập 1), Châu Á (tập 2), Bắc Mỹ (tập 3), Nam Mỹ (tập 4), Châu Phi (tập 5) và Châu Úc (tập 6), xuất bản tại Bruxelles (Bỉ) vào năm 1827. Trong đó có bản đồ Partie de la Cochinchine ở tập 2 khẳng định Paracels (quần đảo Hoàng Sa) là thuộc Việt Nam. Đây là một tài liệu vô giá, không chỉ về mặt học thuật, mà còn là một tài liệu có giá trị pháp lý góp thêm vào bộ hồ sơ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thuyết minh tại triển lãm như một minh chứng hùng hồn của dân tộc Việt nam trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thông qua các tư liệu lịch sử được công bố
Thuyết minh tại triển lãm như một minh chứng hùng hồn của dân tộc Việt nam trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thông qua các tư liệu lịch sử được công bố

Những công trình nghiên cứu, ấn phẩm của các học giả Việt Nam và nước ngoài về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được xuất bản từ năm 1975 cho đến nay.

Trưng bày tư liệu về “Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim Việt Nam” được thể hiện rất sinh động thông qua những hình ảnh, tài liệu, hiện vật thể hiện sự quan tâm, tình cảm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, quân đội, các tổ chức chính trị-xã hội, nhân dân với những hành động thiết thực, chung sức bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Điều này thể hiện qua các phong trào, chương trình hoạt động hướng về Hoàng Sa, Trường Sa như: Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa; triệu trái tim hướng về biển đảo quê hương,…

Một số hình ảnh, tư liệu về hoạt động phát triển kinh tế, văn hoá và xã hội của huyện đảo Trường Sa trong thời kỳ công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước.

Ngoài ra, tại triển lãm cũng sẽ trưng bày một số hình ảnh các bộ Tem như Bộ tem 154: Kỷ niệm 20 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, phát hành ngày 22/12/1964; Bộ tem 190: Cồn Cỏ anh hùng, phát hành ngày 1/6/1966; Bộ tem 311: Việt Nam thống nhất, phát hành ngày 24/6/1976; Bộ tem 337: Hải quân, phát hành ngày 10/10/1978; Bộ tem 445: Phong cảnh vịnh Hạ Long, phát hành ngày 30/7/1984; Bộ tem 447: Tem Quân đội, phát hành ngày 30/8/1984; Bộ tem 456: Kỉ niệm 25 năm truyền thống độ đội Biên phòng, phát hành ngày 15/12/1984; Bộ tem 483: Kỷ niệm 40 năm bầu cử Quốc hội đầu tiên (1946-1986), phát hành ngày 6/1/1986; Bộ tem 536: Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, phát hành ngày 19/1/1988; Bộ tem 541B: Blốc du lịch, phát hành ngày 20/4/1988; Bộ tem 543: Giàn khoan dầu, phát hành ngày 28/4/1988; Bộ tem 565B: Máy bay lên thẳng, phát hành ngày 12/4/1989; Bộ tem 661: Thông tin phục vụ đời sống, phát hành ngày 1/3/1993; Bộ tem 883: Phong cảnh miền Trung, phát hành ngày 23/3/2002.

Các tư liệu được trưng bày sau triển lãm này sẽ được Bộ TT&TT tặng cho tỉnh Bình Định để địa phương sử dụng trong công tác tuyên truyền về biển, đảo cho cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương trong thời gian tới.

Quỳnh Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO