Bình Định: Gia tộc Trần Đức hiến đất phục dựng công trình văn hóa

Mỹ Bình | 02/01/2022 09:34

(TN&MT) - Gia tộc Trần Đức ở phường Hoài Thanh Tây, thị xã Hoài Nhơn hiến tặng đất, vật kiến trúc để phục dựng, tôn tạo phát huy giá trị của Quần thể di tích Đền thờ Danh nhân văn hóa Đào Duy Từ và di tích mộ Cống quận công Trần Đức Hòa.

Cống quận công Trần Đức Hòa là người xã Bồ Đề, huyện Bồng Sơn, phủ Quy Nhơn (nay là thôn Hy Văn, xã Hoài Sơn, thị xã Hoài Nhơn). Ông vốn là con của nhà tướng nên buổi đầu được làm chức Hoằng tín đại phu, sau đổi làm Đô Chỉ huy sứ quyền nhiếp vệ cẩm y. Nhờ có công trạng lớn nên được chúa Nguyễn phong giữ chức Khám lý phủ Quy Nhơn, tước phong Cống quận công.

Ông là người có tài không những biết vỗ an dân chúng, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng, đảm bảo hậu phương của phía Nam mà còn mưu tính đại sự cho nghiệp bá vương, kinh bang tế thế nên được chúa Nguyễn rất trọng dụng.

Tấm bia ghi lại cuộc đời của Cống quận công Trần Đức Hòa

Ông là người có công rất lớn trong việc tiến cử Đào Duy Từ lên chúa Nguyễn bậc văn võ toàn tài về sau là người đứng đầu các công thần khai quốc, Danh nhân văn hóa dân tộc. Theo đánh giá của Hội sử học Việt Nam, tại Hội thảo Bình Định với chữ Quốc ngữ ngày 13/1/2016 tại thành phố Quy Nhơn thì chữ Quốc ngữ xuất hiện rất sớm ở phủ Quy nhơn nhờ có vai trò đóng góp rất lớn của Trần Đức Hòa.

Cuộc đời và sự nghiệp của Cống quận công Trần Đức Hòa gắn liền với sự nghiệp mở nước của cha ông thuở trước, là người có công lao to lớn đối với vùng đất Hoài Nhơn, Bình Định, ông xứng đáng được tôn vinh như một Danh nhân của đất Việt. Điều đó được thể hiện ở 10 đạo sắc của các vua triều Lê – Nguyễn ban tặng.

Lễ hiến tặng đất, vật kiến trúc nhằm phục dựng, tôn tạo, phát huy Quần thể di tích Đền thờ Danh nhân văn hóa Đào Duy Từ và di tích mộ Cống quận công Trần Đức Hòa

Mới đây, tại Khu tưởng niệm (tục gọi là Đất Dinh, xứ Bồ Đề xưa) nay thuộc phường Hoài Thanh Tây, thị xã Hoài Nhơn là vùng đất sinh ra nhân vật lịch sử Khám lý Cống quận công Trần Đức Hòa – nơi Danh nhân văn hóa Đào Duy Từ chọn làm quê hương thứ hai để dựng nghiệp – nơi có phong trào cách mạng sớm và mạnh vào bậc nhất tỉnh Bình Định. Thị ủy – HĐND – UBND - Ủy ban MTTQVN thị xã Hoài Nhơn phối hợp cùng Gia tộc Trần Đức tổ chức Lễ hiến tặng đất, vật kiến trúc nhằm phục dựng, tôn tạo, phát huy Quần thể di tích Đền thờ Danh nhân văn hóa Đào Duy Từ và di tích mộ Cống quận công Trần Đức Hòa.

Ông Trần Đức Khải – Một người con của Gia tộc Trần Đức kể về cuộc đời Khám lý Cống quận công Trần Đức Hòa

Ông Trần Đức Khải – Một người con của Gia tộc Trần Đức phấn khởi chia sẻ: Trong số 1.800 m2 đất mà gia tộc chúng tôi thống nhất hiến tặng cho Nhà nước có 500 m2 đất ở, hơn 1.300 m2 đất vườn cùng các công trình đã tôn tạo trên 3 tỷ đồng. Chúng tôi trao toàn bộ quyền sử dụng khối tài sản này cho Nhà nước mà đơn vị tiếp nhận việc hiến tặng này là UBND thị xã Hoài Nhơn với mong muốn sẽ phục dựng, tôn tạo quần thể di tích Đền thờ Đào Duy Từ và mộ Cống quận công Trần Đức Hòa nhằm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với cha ông, tạo điểm nhấn giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân.

Khu tưởng niệm Cống quận công Trần Đức Hòa

Là cơ quan chuyên môn được UBND thị xã Hoài Nhơn giao tiếp nhận và phát huy giá trị Khu tưởng niệm Cống quận công Trần Đức Hòa, ông Hồ Khắc Cầu - Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT thị xã Hoài Nhơn, cho biết: Trên cơ sở đất, vật kiến trúc của Gia tộc Trần Đức hiến tặng, UBND thị xã Hoài Nhơn sẽ đầu tư hạ tầng giao thông hình thành tuyến tham quan quần thể các di tích lịch sử, văn hóa gồm: Khu lưu niệm Trần Đức Hòa - Đền thờ Danh nhân văn hóa Đào Duy Từ - lăng Lê Đại Lang - chùa Bà - mộ Đào Duy Từ - mộ Trần Đức Hòa - Di tích Cây số 7 Tài Lương và các di tích được xếp hạng trên địa bàn trở thành những địa chỉ về nguồn của hậu thế, tạo điểm nhấn phát triển du lịch theo định hướng phát triển của thị xã Hoài Nhơn.

10 đạo sắc của các vua triều Lê – Nguyễn ban tặng cho Cống quận công Trần Đức Hòa

Phường Hoài Thanh Tây hiện có 2 di tích cấp quốc gia là Đền thờ Đào Duy Từ và Địa điểm lưu niệm cuộc biểu tình năm 1931 tại Cây số 7 Tài Lương. Trong quy hoạch đô thị Hoài Nhơn theo hướng “Một trục, Hai cánh, Bốn trung tâm” thì Hoài Thanh Tây là trung tâm vùng đô thị văn hóa, lịch sử. Việc quy hoạch, xây dựng, tôn tạo quần thể di tích Đền thờ Đào Duy Từ và mộ Cống quận công Trần Đức Hòa sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch gắn với các di tích lịch sử văn hóa địa phương.

Các công trình đã tôn tạo trên 3 tỷ đồng tại Khu tưởng niệm Cống quận công Trần Đức Hòa

Đền thờ Danh nhân văn hóa Đào Duy Từ là di tích cấp quốc gia

Địa điểm lưu niệm cuộc biểu tình năm 1931 tại Cây số 7 Tài Lương là di tích cấp quốc gia

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Gia tộc Trần Đức hiến đất phục dựng công trình văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO