Bình Định: Doanh nghiệp khai thác đất, lấp ruộng làm đường – vai trò quản lý của chính quyền ở đâu?

Mỹ Bình | 10/07/2020 08:15

(TN&MT) - Công ty TNHH Xây lắp và Dịch vụ Hùng Tiến ngang nhiên xây dựng Nhà máy sản xuất mì, xây dựng một số công trình kiên cố, đào ao trên đất trồng cây, trồng rừng sản xuất và lấp ruộng làm đường; Công ty TNHH An Trường khai thác đất khi chưa đầy đủ thủ tục, đặt trạm trộn bê tông tự phát tại xã Tây Phú, huyện Tây Sơn. Vai trò quản lý của chính quyền địa phương ở đâu khi doanh nghiệp làm trái?

Công ty TNHH Xây lắp và Dịch vụ Hùng Tiến đào ao, lấp ruộng làm đường

Trên diện tích hàng nghìn m2 đất trồng cây lâu năm, trồng rừng sản xuất tại thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, Công ty TNHH Xây lắp và Dịch vụ Hùng Tiến ngang nhiên xây dựng Nhà máy sản xuất mì, xây dựng một số công trình kiên cố và đào ao rộng khoảng 2000m2, độ sâu khoảng 10m để chứa nước tưới cây. Theo người dân địa phương kể lại thì Công ty đào ao để lấy đất sét, sau khi lấy hết lớp đất sét thì mặt bằng đất tạo thành ao như hiện tại.

Khu đất Công ty TNHH Xây lắp và Dịch vụ Hùng Tiến đào ao

Việc đào ao quá rộng và sâu dẫn đến nguồn nước trên núi Một đổ xuống khu vực cánh đồng lúa của người dân bị chặn lại. Bao nhiêu nguồn nước từ trên núi đều đổ xuống ao gây ra tình trạng thiếu nước tưới, người dân không có nguồn nước tưới tiêu cho đồng ruộng, nên có hơn 03ha ruộng của bà con luôn trong tình trạng khô hạn hoặc bị bỏ hoang vì thiếu nước tưới, khiến người dân ở đây rất bức xúc.

Nhà máy mì xây dựng trên đất trồng rừng sản xuất, trồng cây lâu năm

Riêng chuyện xây dựng Nhá máy sản xuất mì, vì xây dựng trên đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng sản xuất, chưa được cấp có thẩm quyền cho phép và sử dụng đất không đúng mục đích, bởi vậy UBND huyện Tây Sơn đã xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH Xây lắp và Dịch vụ Hùng Tiến và yêu cầu tạm dừng thi công. Đến nay, công trình này vẫn tồn tại để làm nơi chứa sản phẩm cây ăn quả của Công ty.

Xây dựng một số công trình kiên cố 

Không chỉ làm Nhà máy sản xuất mì, đào ao, xây dựng một số công trình kiên cố, mà Chủ doanh nghiệp Công ty TNHH Xây lắp và Dịch vụ Hùng Tiến còn ngang nhiên lấp ruộng làm con đường có chiều dài gần 30m, rộng 04m để đi lại. Chưa kể Công ty này còn cắm cọc bê tông ngăn cản không cho xe doanh nghiệp khác và người dân đi lại trong khu vực.

Lấp ruộng làm đường, cắm cọc bê tông không cho xe khác ra vào 

Thấy vậy, một doanh nghiệp khác cùng nhiều hộ dân lại lấp ruộng làm thêm con đường mới nằm bên cạnh con đường mà Công ty TNHH Xây lắp và Dịch vụ Hùng Tiến đã làm để đi lại. Tuy nhiên, điều nghịch lý là UBND xã Tây Phú yêu cầu người dân múc đất lên trả lại hiện trạng đất ruộng ban đầu, nhưng lại không yêu cầu Công ty TNHH Xây lắp và Dịch vụ Hùng Tiến múc đất lên trả lại hiện trạng đất ruộng lúc chưa mở đường.

San lấp ruộng làm đường như nhau nhưng một bên yêu cầu phải múc đất lên, một bên không bị xử lý 

Nghĩa là cùng một hành vi sai phạm san lấp ruộng làm đường như nhau, nhưng người dân và một doanh nghiệp khác bị yêu cầu múc đất lên trả lại hiện trạng ban đầu, còn riêng Công ty TNHH Xây lắp và Dịch vụ Hùng Tiến thì được yên vị.

Công ty TNHH An Trường khai thác đất khi chưa đủ thủ tục và đặt trạm trộn bê tông tự phát

Công ty TNHH An Trường được UBND tỉnh Bình Định cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 57, ngày 08/08/2019, được khai thác đất làm vật liệu san lấp trong diện tích Dự án đầu tư xây dựng Khu trang trại kết hợp du lịch sinh thái tại thôn Phú Thọ, xã Tây Phú với diện tích 06ha, trữ lượng khai thác 377.0003 (trong đó đất làm vật liệu san lấp 309.895m3, đất sét 67.105m3), công suất khai thác 95.000m3/năm, thời hạn 04 năm kể từ ngày ký.

Công ty TNHH An Trường khai thác đất ở thôn Phú Thọ, xã Tây Phú

Mặc dù các thủ tục tiếp theo sau khi cấp giấy phép khai thác, Công ty chưa hoàn thành, chưa được quyền khai thác đất, nhưng Công ty TNHH An Trường vẫn ngang nhiên khai thác đất cho đến ngày bị cơ quan chức năng kiểm tra, yêu cầu tạm dừng hoạt động khai thác xảy ra vào cuối tháng 06/2020.

Người dân phản ánh Công ty Hùng Tiến có tham gia lấy đất tại mỏ đất Công ty An Trường bị cơ quan chức năng xử lý

Qua người dân phản ánh, bên cạnh Công ty TNHH An Trường khai thác đất còn có sự góp mặt của Công ty TNHH Xây lắp và Dịch vụ Hùng Tiến chen vào khai thác đất nằm ngoài vị trí cấp phép. Thế nhưng, khi cán bộ xã Tây Phú đến khu vực mỏ đất kiểm tra thì chỉ thấy xe cơ giới của Công ty TNHH An Trường. Còn chiếc xe đào mang logo An Trường lại nằm trong khu đất đào ao của Công ty TNHH Xây lắp và Dịch vụ Hùng Tiến.

Chiếc xe đào mang logo An Trường nằm trong khu đất đào ao của Công ty TNHH Xây lắp và Dịch vụ Hùng Tiến.

Gần mỏ đất của Công ty TNHH An Trường đang khai thác, có một con đường đất đi vào phía bên trong núi Một khoảng gần 100m là có thể nhìn thấy trạm trộn bê tông nằm vươn mình trong khu đất trồng cây lâu năm, trồng hoa màu và xe trộn bê tông mang logo An Trường ngang nhiên chạy ra vào trạm trộn hoạt động.

 Trạm trộn bê tông nằm vươn mình trong khu đất trồng cây lâu năm, trồng hoa màu và xe trộn bê tông mang logo An Trường

Vai trò quản lý của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng ở đâu?

Làm việc với Pv Báo TN&MT, ông Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND xã Tây Phú cho biết: Khu đất đào ao, xây Nhà máy sản xuất mì của Công ty TNHH Xây lắp và Dịch vụ Hùng Tiến là đất trồng cây lâu năm, trồng rừng sản xuất đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do ông Tiến mua lại của người dân. Việc xây dựng Nhà máy sản xuất mì đã bị tạm dừng xây dựng cho đến nay sau khi bị UBND huyện xử phạt vi phạm hành chính. Việc đào ao thì cái ao đã có từ trước đó, ông Tiến đào thêm để trữ nước tưới cây ăn trái hiện Công ty đang trồng.

Lý giải việc Công ty TNHH Xây lắp và Dịch vụ Hùng Tiến và người dân đều lấp ruộng làm đường như nhau, nhưng tại sao bên yêu cầu múc đất trả lại hiện trạng ban đầu còn bên thì không, ông Thành giải thích: Con đường mà ông Tiến làm là con đường đã có từ trước, nhưng quá nhỏ xe đi lại khó khăn nên người dân tự nguyện hiến đất ruộng làm đường lớn cho xe ra vào vận chuyển cây cối, hoa màu và khai thác rừng. Còn việc một số hộ dân và doanh nghiệp khác tự ý lấp ruộng mở đường bên cạnh là họ sử dụng đất sai mục đích nên UBND xã buộc phải xử lý.

Trạm trộn bê tông Công ty An trường hoạt động tự phát

Đối với Công ty TNHH An Trường được cấp phép khai thác đất nhưng chưa làm xong thủ tục khai thác và chưa treo bảng thông tin mỏ đất nên UBND xã cũng đã mời doanh nghiệp làm việc và yêu cầu dừng hoạt động khai thác. Riêng phản ánh Công ty TNHH Xây lắp và Dịch vụ Hùng Tiến lấy đất, cán bộ xã lên mỏ đất kiểm tra thì chỉ thấy xe của Công ty TNHH An Trường.

Phóng viên ghi nhận tại hiện trường khu đất xây dựng Nhà máy sản xuất mì, đào ao và việc lấp ruộng làm đường của Công ty TNHH Xây lắp và Dịch vụ Hùng Tiến cùng các hộ dân, doanh nghiệp khác; khu vực mỏ đất và trạm trộn bê tông của Công ty TNHH An Trường hoạt động đều cho thấy dấu tích sai phạm xảy ra trong thời gian dài trước đó.

Khai thác đất với khối lượng rất lớn 

Đặc biệt, là tại khu vực mỏ đất của Công ty TNHH An Trường với khối lượng đất bị khai thác rất lớn trên diện tích hàng chục nghìn m2, nếu chính quyền cùng cơ quan chức năng huyện Tây Sơn siết chặt công tác quản lý thì những vụ việc trên đã không thể xảy ra và tồn tại đến nay chưa xử lý dứt điểm, gây bức xúc trong nhân dân và dư luận địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Doanh nghiệp khai thác đất, lấp ruộng làm đường – vai trò quản lý của chính quyền ở đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO