Biển Việt Nam đối mặt hiểm họa rác thải nhựa

08/05/2018 12:53

Một nghiên cứu của ĐH Georgia vào năm 2015 cho thấy Việt Nam là nước đứng thứ tư thế giới trong việc gây ô nhiễm biển từ rác thải nhựa.

Trong hội thảo về đại dương và ô nhiễm nhựa do Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tổ chức chiều 7-5 ở Hà Nội, phái viên Mỹ phụ trách khoa học, tiến sĩ Margaret Leinen, nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến túi ni-lông và rác thải nhựa là vấn đề rất lớn đối với đại dương và các vùng biển, trong đó có Việt Nam.

Nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy rác thải nhựa khi phân hủy sẽ phân tách ra thành những phân tử nhựa rất nhỏ, mắt thường không thể nhìn thấy được, hòa lẫn trong nước. Các loài sinh vật ở biển thay vì ăn thức ăn hữu cơ lại ăn phải phân tử nhựa này, bị nhiễm độc và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người khi ăn những loại hải sản đó. Môi trường biển trong sạch không chỉ cần thiết đối với nghề đánh bắt thủy sản mà những bãi biển sạch sẽ cũng rất quan trọng đối với ngành du lịch. Khách du lịch không muốn đến những bãi biển đầy rác, điều này ảnh hưởng đến nền kinh tế của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

rac tuyen duong ca na 1502855630262 15257429567831545449278
Bãi biển dọc tuyến đường xã Cà Ná - vùng biển đẹp của Ninh Thuận đầy rác, trong đó rất nhiều rác thải nhựa - Ảnh: Lê Trường.

Theo thông tin từ Đại sứ quán Mỹ, một nghiên cứu của ĐH Georgia (Mỹ) vào năm 2015 cho thấy Việt Nam là nước đứng thứ tư thế giới trong việc gây ô nhiễm biển từ rác thải nhựa. Đánh giá vấn đề về rác thải nhựa là vấn đề ở toàn cầu phải đối mặt, bà Alison Davis, Phó Phòng Môi trường - Khoa học - Công nghệ và Y tế Đại sứ quán Mỹ, cho rằng Việt Nam cần có hành động, xử lý các vấn đề này. "Xử lý tốt vấn đề chất thải nhựa sẽ giúp Việt Nam phát triển tốt ngành du lịch, tận dụng các lợi thế về biển của mình" - bà Alison nói.

Theo bà Alison Davis, Đại sứ quán Mỹ đang có rất nhiều chương trình hợp tác với phía Việt Nam để bảo đảm sử dụng một cách bền vững các nguồn sinh vật biển cũng như đường bờ biển của Việt Nam, trong đó có thực hiện bảo tồn Vịnh Hạ Long, bảo đảm môi trường biển trong khu vực này được sử dụng bền vững. Các tổ chức quốc tế lưu tâm không chỉ làm việc về khía cạnh môi trường mà còn về vấn đề nguồn sinh kế của người dân để bảo đảm người dân ở những khu vực đó có được nguồn sinh kế bền vững. "Thời gian tới sẽ có một chương trình mới, được thực hiện trực tiếp từ Washington DC, trong đó, phía Mỹ hỗ trợ thúc đẩy việc tái sử dụng các vật liệu bằng nhựa, một vấn đề rất quan trọng ở khu vực này, đặc biệt là ở một số nước như Việt Nam, Sri Lanka hoặc Trung Quốc" - bà Alison cho biết.

Theo tiến sĩ Margaret Leinen, giải pháp cho vấn đề này trước tiên cần bảo đảm rằng các rác thải nhựa không bị trôi ra biển bằng cách thu gom và xử lý. Đồng thời, thay đổi cách tiêu dùng, thay thế các sản phẩm nhựa bằng các sản phẩm khác, thân thiện hơn (như không sử dụng túi ni-lông, chai, ống hút nhựa… thay thế bằng sản phẩm có thể tái sử dụng). Hiện nay, ở Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu đã sử dụng biện pháp sản xuất bao bì bằng giấy hoặc chất xơ, có thể tan trong nước...

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biển Việt Nam đối mặt hiểm họa rác thải nhựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO