Biến đổi khí hậu gây tổn hại sức khỏe hàng triệu người

31/10/2017 00:00

(TN&MT) - Ngày 31/10, Tạp chí Y khoa Lancet (thuộc tổ chức hợp tác nghiên cứu quốc tế Lancet Countdown) đã công bố báo cáo toàn cầu mới nhất về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) lên sức khỏe cộng đồng. Báo cáo tập hợp nghiên cứu của 24 tổ chức, đem đến các phát hiện và cung cấp thông tin hỗ trợ các chuyên gia y tế trong việc xử lý các tác động của BĐKH.

Gia tăng suy dinh dưỡng và các bệnh về nhiệt, ô nhiễm bụi

Các nghiên cứu trong báo cáo đã xác định, suy dinh dưỡng là tác động lớn nhất của BĐKH lên sức khỏe con người trong thế kỉ 21. Điều này có quan hệ mật thiết với những ảnh hưởng của BĐKH trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm sản lượng lúa mỳ toàn cầu giảm 6% và sản lượng lúa giảm 10% tương ứng với mỗi 1°C nhiệt độ toàn cầu tăng thêm. Nhiệt độ tăng cũng khiến năng suất lao động nông nghiệp toàn cầu suy giảm trung bình 5,3% (kể từ năm 2000).

Ấn Độ dẫn đầu thế giới về số lượng trẻ em bị suy dinh dưỡng, chiếm khoảng 30% toàn cầu (nguồn: Oneindia)
Ấn Độ dẫn đầu thế giới về số lượng trẻ em bị suy dinh dưỡng, chiếm khoảng 30% toàn cầu (nguồn: Oneindia)

Nghiên cứu cũng chỉ ra, tính từ năm 1990 đến nay, khả năng lây truyền của 2 chủng virut sốt xuất huyết đã tăng lần lượt 3% và 5,9% do ảnh hưởng của BĐKH, trở thành loại bệnh có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Với khoảng 50 triệu - 100 triệu ca sốt xuất huyết ước tính xảy ra mỗi năm, tình hình này sẽ càng diễn ra trầm trọng hơn.

Bên cạnh đó, giai đoạn 2000-2016, mỗi năm có thêm khoảng 125 triệu người bị tác động bởi các đợt sóng nhiệt trên toàn cầu, trong đó, năm 2015 đạt con số kỷ lục là 175 triệu người. Thông tin này cùng với những kết quả nghiên cứu hiện tại của Lancet cho thấy có thể có thêm gần 1 tỷ người bị ảnh hưởng của sóng nhiệt mỗi năm trong giai đoạn từ nay đến 2050.

Hơn 803.000 trường hợp tử vong sớm và có thể tránh được ở 21 quốc gia châu Á mỗi năm xảy ra do ô nhiễm không khí từ các nhà máy điện than, từ giao thông và sử dụng các dạng nhiên liệu hóa thạch trong nhà. Khoảng 87% số các thành phố được chọn ngẫu nhiên đã vi phạm các hướng dẫn của WHO về ô nhiễm không khí. Điều này có nghĩa rằng hàng tỷ người trên khắp thế giới sẽ phải tiếp xúc với các mức độ không an toàn các phân tử bụi mịn (PM) ở các mức cao hơn nhiều so với dự đoán trước đây. Sự tiếp xúc toàn cầu với ô nhiễm bụi mịn trong không khí đã tăng 11,2% kể từ năm 1990.

Các tác giả của báo cáo khẳng định, cần đẩy mạnh các hoạt động ứng phó với BĐKH trên phạm vi toàn cầu để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chú trọng làm sạch không khí của các thành phố bị ô nhiễm, cung cấp nhiều chế độ dinh dưỡng bổ sung, bảo đảm năng lượng, an ninh lương thực và thực phẩm, giảm nghèo và bất bình đẳng về xã hội và kinh tế.

Theo Tiến sĩ Anthony Costello, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới - Đồng Chủ tịch của Lancet Countdown: "BĐKH đã và đang đe dọa đến sức khoẻ của hàng triệu người trên toàn thế giới. Đây là thách thức lớn, nhưng chúng ta vẫn có cơ hội để chuyển hóa thành những tiến bộ y tế quan trọng nhất cho sức khoẻ cộng đồng trong thế kỷ này. Các chính phủ cần đi đúng hướng và cho thấy những nỗ lực giải quyết cả nguyên nhân và tác động của BĐKH".

Giáo sư Hugh Montgomery, Giám đốc Viện Sức khoẻ  và Hiệu suất của con người (Đại học College London) - Đồng chủ tịch của Lancet Countdown nói thêm: "Chúng ta mới chỉ bắt đầu cảm nhận được những tác động của BĐKH. Không chỉ đơn giản là thích ứng theo cách của chúng ta, mà còn cần phải điều trị cả triệu chứng và nguyên nhân của BĐKH. Có nhiều cách để làm cả 2 việc đó, ví dụ như sử dụng tốt hơn ngân sách chăm sóc y tế vốn đã quá tải và định hướng cải thiện cuộc sống".

Cần đưa những nỗ lực y tế vào kế hoạch ứng phó BĐKH quốc gia

Thế giới đã chứng kiến các thảm họa liên quan đến thời tiết tăng 46% kể từ năm 2000. Có đến 99% tổn thất thuộc về các nước có thu nhập thấp. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu không có hành động cần thiết, hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới sẽ cần phải di cư trong vòng 90 năm tới do nước biển dâng.

Cần gia tăng các nỗ lực ứng phó BĐKH trên phạm vi toàn cầu
Cần gia tăng các nỗ lực ứng phó BĐKH trên phạm vi toàn cầu

Việc đối phó với BĐKH một cách trực tiếp, rõ ràng và ngay lập tức, sẽ giúp cải thiện tình trạng sức khỏe trên toàn cầu. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia không đề cập đến điều này khi họ phát triển các kế hoạch ứng phó BĐKH cho Hiệp định Paris. Đó là khẳng định của bà Christiana Figueres, Chủ tịch Ủy ban Tư vấn cấp cao của Lancet Countdown, nguyên Tổng thư ký của Công ước Liên Hợp quốc về BĐKH.

Theo bà Christiana Figueres, chúng ta cần phải làm tốt hơn thế. “Khi bác sĩ nói với chúng ta rằng chúng ta cần để ý đến sức khỏe của mình nhiều hơn, chúng ta sẽ để ý hơn và điều quan trọng là các chính phủ cũng làm như vậy”.

Báo cáo của Tạp chí Y khoa Lancet cũng chỉ ra những xu hướng lạc quan mang lại lợi ích cho sức khoẻ cộng đồng. Đáng chú ý nhất là công cuộc đẩy mạnh cắt giảm khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng và vận tải đang hình thành trên phạm vi toàn cầu. Từ các cam kết cắt giảm nhiệt điện than ở Canada, Phần Lan, Pháp, Hà Lan và Anh - sự gia tăng nhanh chóng các nguồn năng lượng tái tạo và hứa hẹn về một cuộc cách mạng trong vận tải bằng xe điện, việc giảm phát thải sẽ giúp nâng cao chất lượng không khí và mang lại những lợi ích to lớn về y tế.

K. Ly

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến đổi khí hậu gây tổn hại sức khỏe hàng triệu người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO