Bến Tre: Nhân rộng mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi

Bạch Thanh| 21/05/2020 14:47

(TN&MT) - Để kiểm soát ô nhiễm môi trường, tỉnh Bến Tre đã xây dựng và từng bước nhân rộng nhiều mô hình sinh học xử lý chất thải chăn nuôi quy mô nông hộ trên địa bàn tỉnh.

Mô hình sinh học biogas - cá góp phần bảo vệ môi trường, cải thiện sinh kế nông hộ

Bến Tre có địa bàn chăn nuôi phân bổ đều khắp các địa phương trong tỉnh như: chăn nuôi bò tập trung ở Ba Tri; chăn nuôi gia cầm tập trung ở các huyện Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Châu Thành; chăn nuôi heo tập trung ở các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Châu Thành... 

Theo đó, huyện Mỏ Cày Nam với tổng đàn heo hơn 250.000 con, chiếm khoảng 50% tổng đàn heo của toàn tỉnh Bến Tre, với hơn 9.000 hộ nuôi, trong đó hộ nuôi quy mô trên 100 con chiếm khoảng 15%. Do tổng đàn khá lớn nên các chất thải trong chăn nuôi chưa được xử lý triệt để, gây ô nhiễm môi trường. 

Từ năm 2018, huyện Mỏ Cày Nam đã thực hiện dự án Sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải chăn nuôi heo, nhằm tạo nguồn phân bón hữu cơ có bổ sung vi sinh, chi phí thấp phục vụ sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, đồng thời giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 

Cụ thể, dự án lựa chọn 10 hộ dân đủ điều kiện tham gia mô hình, với các tiêu chí là hộ có chăn nuôi heo thịt từ 20 con trở lên, hoặc heo nái từ 10 con trở lên trong tổ hợp tác và có đất từ  2.000 m2 trồng cây ăn trái, dừa.

Nguồn nguyên liệu phân heo phục vụ quy trình ủ, hộ dân tự thực hiện việc thu gom, dự trữ trong bao thức ăn, sau đó cột kín lại hoặc thu gom xuống hầm, hố gom phân, có che đậy hạn chế gây ô nhiễm môi trường; hoặc phân heo sau khi xử lý từ mô hình máy ép tách phân heo do Dự án hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp (Lcasp) hỗ trợ. 

Chăn nuôi bò tập trung phát triển tại huyện Ba Tri, Bến Tre

Trong khi đó, tại huyện Giồng Trôm, cũng với sự hỗ trợ của Dự án Lcasp, huyện đã thực hiện có hiệu quả công tác quản lý chất thải chăn nuôi. Những năm qua, toàn huyện Giồng Trôm có trên 600 công trình khí sinh học được lắp đặt, đem lại hiệu quả tích cực đối với môi trường chăn nuôi.

Theo thông tin từ Trạm Khuyến nông huyện Giồng Trôm, việc triển khai lắp đặt các công trình khí sinh học nói riêng, các giải pháp quản lý chất thải chăn nuôi nói chung trên địa bàn huyện được người dân đồng tình, ủng hộ, chính quyền các xã nhiệt tình phối hợp thực hiện cũng như tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng các mô hình. 

Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Bến Tre Nguyễn Thị Thúy cho biết, tình hình ô nhiễm môi trường ở nông thôn tại tỉnh Bến Tre ngày càng tăng do chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi, chủ yếu là heo, bò và vịt. 

Các chất thải này nếu không được xử lý triệt để sẽ trở thành một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí ảnh hưởng đến tính bền vững của nghề chăn nuôi, đồng thời sẽ đe dọa đến môi trường sống và sức khoẻ của cộng đồng.

Chất thải chăn nuôi được thu gom, hạn chế gây ô nhiễm môi trường

Theo bà Nguyễn Thị Thúy, để kiểm soát ô nhiễm môi trường, cải thiện sinh kế nông hộ, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ xây dựng 9 mô hình sinh học xử lý chất thải chăn nuôi quy mô nông hộ trên địa bàn hai huyện Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam. 

Trong đó, có hai dạng mô hình: biogas - cá và biogas - chế phẩm sinh học. Mô hình biogas - cá để xử lý chất thải chăn nuôi heo cho các hộ có đủ diện tích đất để làm ao nuôi cá, còn mô hình biogas - chế phẩm sinh học để kiểm soát ô nhiễm nước thải sau túi ủ biogas đối với các hộ chăn nuôi heo có diện tích đất và không có ao nuôi cá.

Sau thời gian thực hiện, kết quả mang lại thiết thực, tất cả các mô hình tỏ ra hiệu quả đối với hộ chăn nuôi có ít đất hoặc không có mương vườn, đã góp phần thúc đẩy phát triển đa dạng các mô hình cải thiện sinh kế nông hộ do bởi không tốn tiền mua chất đốt, giảm ô nhiễm môi trường và thu được lợi nhuận từ nuôi cá và sử dụng nước từ các hố tưới cho vườn cây.

Trước tình hình ô nhiễm môi trường do thực trạng chăn nuôi diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp, bà Nguyễn Thị Thúy cho rằng, tỉnh Bến Tre đã và đang tổ chức tuyên truyền, hội thảo, hội nghị, ứng dụng nhân rộng các mô hình chăn nuôi kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn toàn tỉnh.

Qua đó, chất thải chăn nuôi được xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí năng lượng, tăng thu nhập của các hộ dân, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường, góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bến Tre: Nhân rộng mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO