Xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 tỉnh Bến Tre ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 1.660 tỷ đồng |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã chính thức bước vào mùa mưa. Độ mặn trên các sông chính của tỉnh giảm nhanh, đến cuối tháng 7/2020 độ mặn 4‰ chỉ còn tồn tại cách cửa sông khoảng 5 - 8 km. Sau đó, tiếp tục giảm, cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn dưới cấp độ 1.
Qua đó, UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu các Sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, thống kê thiệt hại; đồng thời, tập trung thực hiện công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả do xâm nhập mặn, giúp nhân dân sớm ổn định đời sống, phục hồi sản xuất.
UBND tỉnh Bến Tre cũng đề nghị các ngành chức năng trong tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình, phi công trình; định hướng sản xuất, hoạt động phù hợp với từng khu vực để hạn chế ảnh hưởng do xâm nhập mặn trong những năm tiếp theo.
Trước đó, ngay từ đầu năm 2020, trước tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính tại tỉnh Bến Tre diễn biến hết sức phức tạp, mặn xâm nhập nhanh đột ngột và rất sâu, UBND tỉnh Bến Tre quyết định ban bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn.
Qua đó, các ngành, các cấp địa phương tại Bến Tre tích cực khẩn trương vào cuộc thực hiện ngay các giải pháp trọng tâm trong phòng chống, ứng phó tình huống khẩn cấp xâm nhập mặn nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bến Tre tập trung đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi khép kín ứng phó với hạn, mặn |
Theo UBND tỉnh Bến Tre, thiệt hại do xâm nhập mặn năm 2019-2020 gây ra là rất lớn, tác động trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh. Chỉ riêng lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản có 27.985 ha cây ăn quả, 1,2 triệu hoa kiểng các loại, 600 ha cây giống, 168 ha hoa màu, 3.097 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại và ảnh hưởng, ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 1.660 tỷ đồng.
Nước mặn cũng tác động đến lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, đô thị, du lịch, cấp nước sinh hoạt... Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến bị ảnh hưởng nặng nề. Tác động “kép" của hạn mặn và dịch Covid-19 làm cho tăng trưởng những tháng đầu năm của tỉnh Bến Tre bị âm.
Để ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, Bến Tre đã và đang tập trung xây dựng các hạng mục hệ thống thủy lợi khép kín, quyết tâm hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2023 như: hệ thống thủy lợi Nam - Bắc Bến Tre; dự án cung cấp nước sạch cho khu vực Cù lao Minh; các dự án đê, kè, đập thủy lợi đầu mối ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh.
Song song đó, Bến Tre có kế hoạch đầu tư xây dựng thêm hồ chứa nước ngọt tại huyện Ba Tri và các huyện ven biển; các cống, âu thuyền lớn để đảm bảo đủ nguồn nước ngọt trong thời gian tới. Đầu tư, mở rộng tuyến dẫn nước thô về các nhà máy nước, đồng thời nghiên cứu xây dựng phương án trữ nước ngọt trong lòng đất tại các khu vực phù hợp.
Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đang tập trung chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng và quy hoạch phát triển tỉnh phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt trong tương lai…