Bất động sản văn phòng đứng trước bước ngoặt sau đại dịch Covid-19

Thục Vy| 26/05/2020 12:56

(TN&MT) - Dịch bệnh Covid-19 đã tạo ra nhiều thách thức cho phân khúc văn phòng và cũng làm thay đổi cách doanh nghiệp tìm kiếm và sử dụng bất động sản (BĐS) văn phòng. Những biến động của thị trường BĐS văn phòng trong tương lai sẽ diễn ra song song với sự trưởng thành của mô hình làm việc từ xa.

Dịch Covid-19 có khả năng đẩy nhanh sự phát triển của khối BĐS văn phòng

Theo dữ liệu của JLL Việt Nam, lượng văn phòng cho thuê toàn cầu quý 1/2020 đã giảm hơn 22% so với cùng kỳ, do các giao dịch bị hủy bỏ hoặc trì hoãn. Tuy nhiên, hoạt động cho thuê ở châu Á Thái Bình Dương chỉ giảm 9% so với quý trước và tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, ảnh hưởng của dịch bệnh lên phân khúc văn phòng vẫn chỉ là ngắn hạn và tiềm năng phát triển dài hạn cũng như nhu cầu văn phòng sẽ vẫn tồn tại.

Báo cáo mới nhất của JLL Việt Nam cho thấy, TP.HCM ghi nhận 68.700 m2 nguồn cung mới hoàn thành trong quý 1/2020, nâng tổng nguồn cung văn phòng lên hơn 2,3 triệu m2. Tỷ lệ trống hạng A, được ghi nhận ở mức 6,4%, giảm 161 điểm phần trăm so với quý 4/2019. Trong khi đó, tỷ lệ trống của các tòa nhà hạng B chứng kiến sự gia tăng nhẹ, từ 6,4% trong quý 4/2019 lên 6,7% trong quý 1/2020 do sự gia tăng nguồn cung văn phòng.

Covid-19 đang khiến các doanh nghiệp phải suy nghĩ lại về chiến lược nơi làm việc và văn hóa công ty. Những thay đổi này sẽ tác động đến BĐS văn phòng theo hai hướng chính: doanh nghiệp sẽ xác định lại mục đích của văn phòng và tập trung tối ưu hóa danh mục BĐS.

Bà Trang Bùi - Giám đốc Thị trường Việt Nam của JLL Việt Nam cho biết, Covid-19 đang thúc đẩy phương thức làm việc từ xa vốn trước đây phổ biến trong giới lao động tự do hoặc công nghệ thông tin. Dịch bệnh đã cho phép doanh nghiệp thực sự thử nghiệm mô hình làm việc này, một khái niệm đã được thảo luận rất nhiều trước đây nhưng chưa được thực hiện hóa trên diện rộng. 

“Nhiều công ty ghi nhận ra rằng mô hình làm việc tại nhà là khả thi và mang lại cho nhân viên sự linh hoạt và cân bằng cuộc sống và công việc. Tuy nhiên, văn phòng vẫn đóng vai trò trung tâm trong việc tạo không gian cho nhân viên tương tác cũng như nâng cao tinh thần và tính cộng đồng trong công ty”, bà Trang Bùi chia sẻ.

Đại diện JLL Việt Nam cũng ghi nhận, một số công ty đã bắt đầu thay đổi về mặt thiết kế cho văn phòng, đưa ra nhiều lựa chọn hơn trong loại không gian mà nhân viên có thể chọn để đạt năng suất cao nhất. Những công việc đơn lẻ có thể được hoàn thành từ xa, trong khi văn phòng truyền thống sẽ là nơi làm việc nhóm hoặc gặp gỡ khách hàng. 

Quá trình chuyển đổi thiết kế văn phòng sẽ diễn ra song song với sự trưởng thành của mô hình làm việc từ xa. Để tối ưu hóa không gian, một số công ty chọn chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ văn phòng hiện có thành không gian linh hoạt, hoặc hợp tác với bên cung cấp thứ ba khi cần mở rộng quy mô văn phòng trong ngắn hoặc trung hạn. 

Không gian linh hoạt và lĩnh vực tương tự có thể được hưởng lợi trong ngắn hạn vì có thể thỏa mãn các yêu cầu trong kế hoạch mở rộng văn phòng ngắn và trung hạn cho những khách thuê đang tìm kiếm không gian bổ sung. Nhưng đây không phải là xu hướng mới. Bởi ngay từ trước dịch, một số công ty đã kết hợp các không gian linh hoạt như một phần của danh mục đầu tư văn phòng của họ để thu hút và giữ chân nhân tài.

Dịch Covid-19 có khả năng đẩy nhanh sự phát triển của khối BĐS văn phòng. “Tình hình hiện tại đang tạo ra nhiều thách thức cho phân khúc văn phòng và cách doanh nghiệp tìm kiếm và sử dụng BĐS văn phòng sẽ thay đổi. Tuy nhiên, chúng tôi có thể kỳ vọng khối văn phòng vẫn là trọng tâm đầu tư của doanh nghiệp ở Châu Á Thái Bình Dương trong trung hạn đến dài hạn”, đại diện JLL Việt Nam nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất động sản văn phòng đứng trước bước ngoặt sau đại dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO