Chất lượng môi trường nước là 1 trong 3 nhóm tiêu chí trong đề án xây dựng Đà Nẵng thành phố môi trường giai đoạn 2008 – 2020, do đó, việc bảo tồn nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước mặt rất quan trọng.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS. TS. Trần Văn Quang – Phó Chủ tịch thường trực Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường cho biết, Tọa đàm lần này sẽ nhằm mục tiêu: Cập nhật và chia sẻ thông tin hiện trạng công tác bảo tồn nguồn nước mặt tại Đà Nẵng và các bên liên quan; Xác định các vấn đề ưu tiên và quan trọng, mối quan tâm và nhu cầu của các bên liên quan trong thực hiện các hành động kiểm soát ô nhiễm nước mặt và bảo tồn nguồn nước cho thành phố; Xác định cơ hội xây dựng mạng lưới bảo tồn nguồn nước tại Đà Nẵng và phát huy sáng kiến từ cộng đồng.
Tọa đàm xác định các vấn đề và đề xuất sáng kiến nhằm bảo tồn nguồn nước mặt tại TP. Đà Nẵng |
Bà Đinh Thu Hằng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR), nhận định, Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng đang phải đối mặt với những thách thức về nước như: Thiếu nước vào mùa cạn; Tác động của BĐKH và nước biển dâng gây xâm nhập mặn, đe dọa nguồn nước ngọt của các sông, nước dưới đất; Hiệu quả sử dụng nước thấp; Vấn đề ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt.
Trước những thách thức lớn đó cần những cách tiếp cận quản lý đổi mới như: Sự chung tay và tham gia hành động của các bên; Nâng cao nhận thức để thay đổi hành vi của mỗi người dân, doanh nghiệp; Giải quyết vấn đề cho địa phương xác định với các sáng kiến địa phương; Thúc đẩy sáng kiến, công nghệ, sáng tạo; Huy động sự tham gia của địa phương và doanh nghiệp, đảm bảo tính bền vững.
PGS. TS. Trần Văn Quang – Phó Chủ tịch thường trực Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP. Đà Nẵng |
Hiện, Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang đang là một trong những điểm nóng ô nhiễm môi trường với ba vấn đề chính là: nước thải, rác thải và mùi hôi. Khu vực này chịu nhiều hoạt động trong ngày như: nơi tránh trú, neo đậu tàu thuyền; chợ đầu mối; tàu cá, xe cộ ra, vào bốc dỡ hàng hóa; có nhiều đơn vị kinh doanh xăng dầu và xưởng sửa chữa, đóng tàu. Ngoài ra, đây còn là nơi tiếp giáp gần khu dân cư và là nơi tiếp cận nước thải đô thị, nước thải sau xử lý…
Tại tọa đàm, các đại biểu nhận định rằng, cần thiết phải có sự chung tay của cộng đồng để giải quyết các vấn đề về ô nhiễm nguồn nước mặt trên địa bàn thành phố nói chung, Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang nói riêng.
Bà Lê Thị Trang – Phó Giám đốc Trung tâm GreenViet cho rằng, hiện nay đang có nhiều dự án tập trung vào môi trường triển khai tại Đà Nẵng, Hội An. Đa số các dự án có mục tiêu là thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ, các bên liên quan để bảo vệ môi trường bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
“Nếu đã có sự quan tâm của nhiều dự án, nên có sự ngồi lại để xem mình làm được gì, đóng góp được gì cho mục tiêu chung đó. Cũng như cần sự kết nối với cơ quan chức năng, doanh nghiệp để đầu tư cho dự án, giải pháp của họ. Cần “sân chơi” chung cho các bên ngồi vào để kết nối các thành phần trong cộng đồng, cùng nhau phát triển các dự án được bền vững, lâu dài”, bà Trang chia sẻ.
Để giải quyết các vấn đề về ô nhiễm nguồn nước mặt trên địa bàn thành phố nói chung, Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang nói riêng cần sự chung tay của cộng đồng |
Đại diện cho người dân, cô Đào Thanh Hương, Chủ tịch Chi hội phụ nữ Xuân Đán 4 (phường Xuân Hà, quận Thanh khê) cho biết, phường Xuân Hà có triển khai KDC thân thiện môi trường từ 2016, là KDC thí điểm của quận và TP. Ngay khi bắt đầu đã vận động 10 triệu đồng mua giỏ nhựa phát cho dân đi chợ giảm thiểu túi ni lông. Ngoài ra, phường còn thực hiện chương trình đại dương không nhựa, phân loại rác tại nguồn. Các chương trình đã góp phần giảm thiểu rác thải cho TP, nhất là giảm áp lực cho bãi rác Khánh Sơn.
Thông qua các hoạt động này ý thức của cá nhân mỗi người dân trong KDC đều được nâng cao, người dân thay đổi hành vi, thói quen vứt rác bừa bãi và sử dụng túi ni lông từ đó dần dần hình thành một khối tập thể có ý thức bảo vệ môi trường, tạo hiệu ứng tốt trong cộng đồng.
Bà Đinh Thu Hằng - Giám đốc CECR chia sẻ, Toạ đàm hôm nay là cơ hội thảo luận sâu hơn về các thách thức và đề xuất các sáng kiến cho công tác quản lý môi trường nước và bảo tồn nguồn nước mặt tại TP. Đà Nẵng đặc biệt là những giải pháp giúp thúc đẩy cùng chia sẻ trách nhiệm và nâng cao nhận thức, các thực hành tốt, nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm nước ở cấp cộng đồng, cấp tỉnh. Những ý kiến tại tạo đàm lần này sẽ là đầu vào vô cùng quan trọng cho Trung tâm CECR cùng các đối tác thiết kế các hoạt động của dự án “Chung tay Hành động Bảo vệ nguồn nước” dự kiến thực hiện tại Đà Nẵng trong 3 năm tới”.