Môi trường

Báo chí chung tay bảo tồn đa dạng sinh học

Minh Hạnh 08/06/2024 - 18:37

Trong 3 ngày, từ 6/8 đến 8/8, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã tổ chức chương trình tập huấn “Báo chí cùng tham gia bảo vệ thiên nhiên trong thập kỷ phục hồi sinh thái”. Chương trình có sự tham dự của hơn 30 nhà báo, phóng viên đến từ các cơ quan thông tấn tại 4 tỉnh, thành phố bao gồm Hà Nội, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang và Tuyên Quang.

Chia sẻ về chương trình tập huấn “Báo chí cùng tham gia bảo vệ thiên nhiên trong thập kỷ phục hồi sinh thái”, đại diện PanNature cho biết: Báo chí đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy cộng đồng cùng chung tay bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để có một bài báo hay, ngoài sự nhiệt huyết, nhà báo cần rất nhiều kĩ năng và yếu tố. Nhưng trong vô vàn khía cạnh của chủ đề đa dạng này, làm sao để tìm kiếm được một câu chuyện có thể “chạm” tới nhiều độc giả và làm sao để kể câu chuyện ấy một cách chân thực, khách quan, có tác động lan tỏa là điều không hề dễ dàng.

Bảo tồn đa dạng sinh học là chủ đề rộng lớn với nhiều đề tài thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó có những đề tài đòi hỏi kiến thức chuyên sâu và hiểu biết nhất định. Đây cũng là một trong những trở ngại khiến chủ đề này tuy rất thú vị và gần gũi với cuộc sống nhưng lại chưa được khai thác tối đa và và tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau dưới lăng kính báo chí.

Theo đó, trung tâm kỳ vọng chương trình tập huấn sẽ đưa các nhà báo tới gần hơn với hoạt động bảo tồn thiên nhiên, các loài động vật hoang dã, qua đó báo chí có thể chung tay thực hiện các mục tiêu bảo tồn tham vọng.

bao-chi-chung-tay-bao-ton-da-dang-sinh-hoc6.jpg
Đoàn báo chí tham gia chương trình tập huấn "Báo chí cùng tham gia bảo vệ thiên nhiên trong thập kỷ phục hồi sinh thái"

Trong chuyến tập huấn, đoàn báo chí đã đến làm việc và trao đổi với Ban quản lý Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long (tỉnh Ninh Bình) và tìm hiểu về các hoạt động tại đây.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long cách trung tâm thành phố Ninh Bình 17 km về phía Đông Bắc, được thành lập tháng 12/2001. Đây là một trong ba khu rừng đặc dụng của tỉnh Ninh Bình và nằm trong hệ thống hơn 100 khu rừng đặc dụng của Việt Nam. Vân Long có 2 hệ sinh thái đặc trưng là hệ sinh thái núi đá vôi và đất ngập nước.

Thông tin về Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, ông Mai Văn Quyền – Giám đốc Khu bảo tồn cho biết ban đầu, khu bảo tồn được thành lập với mục đích bảo tồn loài vọoc mông trắng, một loài đặc hữu của Việt Nam được tìm thấy tại Vân Long từ năm 1998. Tuy nhiên, sau khi thành lập, ban quản lý đã nhận thấy nhiều giá trị bảo tồn khác bao gồm hệ sinh thái núi đá vôi và hệ sinh thái đất ngập nước nên đã mở rộng phạm vi hoạt động.

bao-chi-chung-tay-bao-ton-da-dang-sinh-hoc2.jpg
Ông Mai Văn Quyền – Giám đốc Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long - chia sẻ tại buổi làm việc

Một điểm đặc biệt của Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long đó là hoạt động bảo tồn thiên nhiên tại đây chủ yếu dựa vào cộng đồng, coi cộng đồng là trung tâm. Trao đổi với các phóng viên, ông Mai Văn Quyền đã chia sẻ về cách ban quản lý, địa phương phối hợp với cộng đồng và thu hút cộng đồng tham gia vào các hoạt động bảo tồn.

Nhờ vậy, mô hình bảo tồn tại Vân Long đã đạt được nhiều kết quả tích cực. cụ thể, vọoc mông trắng đã tăng từ 40 cá thể (từ năm 1998) lên khoảng 250 cá thể, thu hút hơn 200 loài chim di cư, hơn 1.000 loài thực vật và là khu bảo tồn đầu tiên của Việt Nam được nhận danh lục xanh (Green list).

Trong chuyến thăm, đoàn báo chí cũng đã được các cán bộ kiểm lâm thuộc Ban quản lý Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long đưa đi tham quan khu vực núi đá vôi và quan sát đàn vọoc mông trắng từ xa.

bao-chi-chung-tay-bao-ton-da-dang-sinh-hoc5(1).jpg
Đàn vọoc mông trắng tại Vân Long

Cũng trong khuôn khổ chương trình tập huấn, đoàn báo chí đã ghé qua cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình, thuộc tổ chức FOUR PAWS. Làm việc với đoàn báo chí, anh Trần Quốc Bảo – Giám đốc cơ sở - đã thông tin về các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và đảm bảo “phúc lợi động vật” cho loài gấu. Hiện nay, cơ sở đang chăm sóc cho 46 cá thể gấu, là những “nạn nhân” của tình trạng buôn bán động vật hoang dã và hút mật gấu trái phép.

bao-chi-chung-tay-bao-ton-da-dang-sinh-hoc1-1-.jpg
Anh Trần Quốc Bảo - Giám đốc Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình - chia sẻ tại buổi làm việc

Anh Trần Quốc Bảo cho biết trong thời gian tới, cơ sở hướng tới giải cứu 200 cá thể gấu vẫn đang bị nuôi nhốt tại các trang trại trên khắp cả nước, đồng thời có kế hoạch bảo tồn thêm loài hổ. Hiện cơ sở đang xây dựng lồng và trang thiết bị, cơ sở hạ tầng để chuẩn bị cho kế hoạch trên.

bao-chi-chung-tay-bao-ton-da-dang-sinh-hoc4(1).jpg
Một con gấu được bảo tồn tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình

Trong chuyến tập huấn, đoàn báo chí cũng tới tham quan Vườn Quốc gia Cúc phương và được tìm hiểu về các giá trị đa dạng sinh học tại đây. Chương trình cũng bao gồm một buổi hội thảo trao đổi giữa các nhà báo về kỹ năng tác nghiệp và điều tra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo chí chung tay bảo tồn đa dạng sinh học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO