Bán cá nhiễm độc: Đừng vì "tiếc của" mà bị phạt tù

26/04/2016 00:00

(TN&MT) - Xung quanh sự việc cá chết hàng loạt dọc các bờ biển tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đang có nhiều câu chuyện nhức nhối. Trong đó, việc các ngư dân trong vùng vì “xót của” mà thu gom rồi đem bán cá chết, cá nhiễm độc là “lợi bất cập hại”. Hành động này không những tiểm ẩn nguy cơ nguy cơ gây ra ngộ độc cho hàng loạt người tiêu dùng, mà còn khiến cho người bán có thể bị phạt tù.

Cá nấu chín vẫn còn độc tố

Khi thông tin cá chết do có yếu tố gây độc, các chợ cá ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…người mua hàng đều “dè chừng” khi mua các loại cá mà thường ngày vẫn được tiêu thụ tốt. Hàng loạt các loại cá xuất khẩu có giá trị cao như cá mú, cá hồng, cá thu hiện cũng ngừng mua bán bởi các đầu mối ngừng tiêu thụ.

Trong khi đó, tại nhiều quán hải sản thuộc các địa phương trên cũng đang rơi vào tình trạng “ế ẩm”. mặc dù đang vào mùa du lịch hè nhưng số lượng khách lưu tới thưa dần do tâm lý hoang mang, sợ ăn phải hải sản bị nhiễm độc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, không phải tất cả người dân, khách hàng đều ý thức được mức độ nghiêm trọng của việc cá chết do bị nhiễm độc và biết tự bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình như vậy. Theo ghi nhận của PV, tại một số chợ đầu mối TP.HCM, hiện rất khó phát hiện đâu là cá chết tự nhiên, đâu là cá chết hàng loạt tại các vùng biển trên chuyển đến. Đến cả thương lái cũng khó phát hiện, người mua thì còn khó hơn.

Trong khi đó, việc người dân “tiếc của” đi thu gom và đem bán số cá chết bị nghi là nhiễm độc vẫn xảy ra. Nhiều người thấy rẻ mua bỏ mối cho các quán ăn bình dân, các bếp ăn tập thể và cũng không ít người mua về kho ăn dần.

Hiện tại, nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt tại các bờ biển trên vẫn được các cơ quan chức năng xem xét và đưa ra kết luận. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, những loại có thể làm cho cá chết thủy sản ven biển chết nhanh và nhiều như vậy chỉ có thể là chất độc và cực độc.

Theo PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường: Trước hết cần xác định sớm mức độ độc hại trong cá chết và chính thức gửi công điện khẩn yêu cầu các địa phương liên quan thông báo đến từng người dân không được ăn loại cá chết này, không được chế biến làm bất kỳ sản phẩm nào, mà phải chôn và tiêu hủy toàn bộ.

Trong khi đó, bác sĩ Trần Ngọc Bảo, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nội Trường Đại học Y Dược TPHCM cho biết: “Nếu là cá chết do nhiễm độc chất thì dù có được móc hết ruột hay phơi khô thì độc chất vẫn không thể tan hết. Chất độc đã ngắm vào thịt cá và làm người sử dụng sẽ bị nhiễm độc. Mức độ nhiễm độc và biến chứng còn tùy thuộc vào việc ăn phải thịt cá này nhiều hay ít. Nhưng ít hay nhiều thì việc ăn phải thịt cá này cũng rất nguy hiểm”.

Phạt tù người bán cá nhiễm độc

Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc người dân cung cấp, bán các loại cá bị chết do nhiễm độc là hành vi bị nghiêm cấm tuyệt đối. Cụ thể, Điều 5, Luật An toàn thực phẩm quy đinh về những hành vi bị nghiêm cấm gồm: Sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm; Sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm; Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, bị tiêu hủy để sản xuất, kinh doanh thực phẩm…”

Trong khi đó, Điều 5 Nghị định số 178/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm quy định, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật, cụ thể: Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi “Sử dụng động vật mắc bệnh truyền nhiễm, động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, buộc phải tiêu hủy theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để sản xuất, chế biến thực phẩm.

Ngoài ra người vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng do hành vi vi phạm gây ra như chi phí y tế, bồi dưỡng hồi phục, tổn thất tinh thần… thậm chí cả mai tang phí nếu có người bị thiệt mạng.

Không chỉ có vậy, người vi phạm rất có thể sẽ bị xử lý hình sự về “Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” theo quy định tại điều 224 Bộ luật hình sự. cụ thể, người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Chính vì vậy, trước khi có kết luận cụ thể về nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt, các địa phương, cơ quan chức năng cần tuyên truyền để người dân tránh tiêu thụ số lượng cá trên. Đồng thời, các địa phương nơi bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm nên chủ động tiến hành thu gom hải sản chết để tiến hành chôn lấp, tiêu hủy nhằm tránh ô nhiễm môi trường nước và không khí.

H.Phúc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bán cá nhiễm độc: Đừng vì "tiếc của" mà bị phạt tù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO