Bài dự thi "Cùng giữ màu xanh của biển": Làm sạch biển vì… chính cuộc sống của mình

Trúc Hà| 19/10/2021 11:04

(TN&MT) - Một câu chuyện tưởng như đùa mà có thật ở cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), đó là việc ngư dân gom gác sinh hoạt trên tàu để “đổi” lấy phiếu xuất bến vươn khơi tại trạm Kiểm soát Biên phòng. Cũng nhờ đó phong trào này mà âu thuyền, cảng cá Thọ Quang vốn nhiều năm là “điểm nóng” về môi trường, nay đã xanh, sạch trở lại.

Điểm nóng môi trường

Âu thuyền, cảng cá Thọ Quang được biết đến là âu thuyền lớn nhất khu vực miền Trung. Có thời điểm, âu thuyền tiếp nhận cả ngàn tàu cá vào tránh trú bão, mua bán hải sản và chuẩn bị hậu cần trước khi vươn khơi. Chợ hải sản trong cảng cá mỗi ngày hoạt động 2 phiên với hàng ngàn tiểu thương từ các tỉnh, thành phố lân cận đến giao thương. Với quy mô và tần suất, mật độ lớn như vậy, lượng rác thải từ hoạt động của tàu cá, chợ hải sản, các xưởng đóng tàu và khu dân cư xung quanh đã biến âu thuyền thành “túi” đựng rác khổng lồ. Rác và chất thải không chỉ nổi trên bề mặt nước mà cọn đọng thành lớp bùn dưới đáy âu thuyền, dày gần cả mét do lâu ngày không được nạo vét triệt để, bốc mùi hôi thối, nhất là những hôm thời tiết thay đổi. Xung quanh âu thuyền, cảng cá Thọ Quang lại không có hàng rào cứng nên việc kiểm tra, giám sát xả thải rất khó khăn. Mỗi năm, Ban Quản lý âu thuyền, cảng cá Thọ Quang thu gom khoảng 1.600 - 1.700 tấn rác thải nhưng với khối lượng đó thì cũng mới chỉ xử lý được một phần. Chính quyền thành phố đã có nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại đây, tuy nhiên vẫn không triệt để.

Cán bộ Tổ công tác cảng cá Thọ Quang tuyên truyền, yêu cầu chủ phương tiện ký cam kết không xả rác xuống âu thuyền.

Ven theo bờ kè của âu thuyền, người ta bắt gặp rác thải ni lông, hộp xốp hay bất cứ thứ gì không dùng đến đều được “tiện tay vứt” thay vì tập kết ở nơi quy định. Bởi vậy mà ở mép nước, rác dày hàng gang tay. Mặt nước trong âu thuyền cơ man dày đặc các loại túi ni lông, chai nhựa. hộp xốp nổi lềnh phềnh. Trung tá Nguyễn Viết Quý, Tổ trưởng Tổ công tác cảng cá Thọ Quang, Đồn Biên phòng Sơn Trà, Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng cho biết: “Trước đây, rác nhiều đến mức anh em chúng tôi đi bo bo trong âu thuyền, chỉ tầm 10 phút phải dừng lại để tháo rác vướng vào chân vịt. Ngư dân sống trên tàu neo đậu trong âu thuyền không bao giờ có khái niệm cho rác vào túi vứt lên bờ mà xả luôn xuống nước. Thế nên những ngày thường thôi đã mùi hôi chứ đừng nói đến ngày nắng nóng cực điểm”.

Nỗ lực vì cảng cá xanh

Những ngày này, âu thuyền, cảng cá Thọ Quang đã có một bộ mặt rất khác. Nhà làm việc của Tổ công tác Biên phòng cảng cá Thọ Quang ngay sát âu thuyền Thọ Quang. Nếu như trước đây, cửa sổ luôn đóng vì e ngại mùi hôi xộc vào thì nay thường mở tung cho thoáng. Đứng trên tầng 2, nhìn qua cửa sổ có thể thấy âu thuyền với mặt nước đã trong xanh, bờ kè gọn gàng, sạch sẽ - điều mà trước đây không ai có thể tưởng tượng nổi có một ngày âu thuyền Thọ Quang sẽ được như thế này.

Đầu năm 2021, thành phố Đà Nẵng có chủ trương xã hội hóa, giao đơn vị đủ năng lực thu gom rác, chấm dứt cảnh ô nhiễm môi trường ở âu thuyền, cảng cá Thọ Quang. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng đã ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh miền Trung triển khai trong vòng 3 tháng, từ ngày (9/2 đến 9/5/2021) với kinh phí 1 tỷ đồng để thu gom hoảng 700 tấn rác thải (đất đá, cây...) và rác vớt trên mặt nước (gồm các loại bao ni lông, chai nhựa, xốp) với mục tiêu dứt điểm làm sạch âu thuyền, cảng cá Thọ Quang.

Cán bộ Biên phòng hướng dẫn ngư dân bỏ rác đúng nơi quy định.

Rác đã được thu gom nhưng đó mới là câu chuyện trước mắt. Điều mà thành phố quan tâm là phải tính chuyện lâu dài. Trước nhiệm vụ được giao và trách nhiệm xây dựng bảo vệ môi trường thành phố, Đồn Biên phòng Sơn Trà đã phối hợp với Ban Quản lý âu thuyền, cảng cá Thọ Quang xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Trước tiên, đơn vị tổ chức tuyên truyền mạnh đến từng chủ thuyền, cá nhân, yêu cầu các chủ phương tiện ký cam kết không xả rác để tránh nguy cơ rác thu gom đến đâu, ngư dân lại thải ra đến đấy. Đặc biệt, trong quãng thời gian sinh hoạt tại âu thuyền, các chủ phương tiện và các thuyền viên phải thu gom rác vào bao, túi. Trên bờ sẽ có lực lượng thường trực để cân, thu gom và cấp phiếu chứng nhận đã nộp rác. Những tờ phiếu này sẽ được chủ nhân trình kèm giấy tờ khi đi qua Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang.

Lực lượng chức năng cũng đẩy mạnh việc giám sát việc xả thải trái quy định trong âu thuyền, cảng cá. Những người lính Biên phòng không chỉ “nói chơi” mà là “làm thật”. Ngày 18/3/2021, trong quá trình tuần tra kiểm soát, Tổ công tác Biên phòng cảng cá Thọ Quang phát hiện ông Nguyễn Ven, chủ phương tiện BĐ.92132TS xả chất thải ra môi trường. Tổ đã kiên quyết lập biên bản báo cáo các cơ quan chức năng và Đồn Biên phòng Sơn Trà. Đồn đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông Nguyễn Ven 1,5 triệu đồng để làm gương cho các đối tượng khác. Thiếu tá Nguyễn Viết Quý cho biết, việc xử lý không chỉ dựa vào công tác thường xuyên tuần tra, kiểm soát bằng mắt thường của Bộ đội Biên phòng, Ban Quản lý âu thuyền, cảng cá Thọ Quang còn áp dụng hệ thống camera 360 và camera cố định để theo dõi qua màn hình, giúp Tổ tuần tra và các cơ quan chức năng phát hiện kịp thời, xử phạt chính xác các trường hợp vi phạm.

Và, những tín hiệu tích cực

Theo Thiếu tá Nguyễn Duy Linh, việc gì cũng thế, nếu gắn thêm một chút quyền lợi thì hiệu quả sẽ lớn hơn rất nhiều. Anh từng đọc trên báo, thấy ở một số nơi, cả ở nước ngoài đã có như chương trình đổi rác lấy sách vở và nhu yếu phẩm. Nếu Ban Quản lý xây những bể nước ngọt ngay tại âu thuyền, cảng cá và đưa ra thông báo, mỗi một kilogam rác sẽ đổi được số lượng nước ngọt nhất định, thì anh nghĩ ngư dân sẽ tích cực vớt rác để đổi lấy nước ngọt. Bên cạnh đó là vấn đề phí dịch vụ môi trường của ngư dân. “Thực tế, số tiền dùng để nạo vét, thuê nhân công giữ gìn, bảo vệ môi trường âu thuyền, cảng cá Thọ Quang cũng không phải nhỏ nên nếu ngư dân không xả thải, tự gom và mang nộp rác thì sẽ được xem như là tiền công dọn dẹp môi trường, ngư dân không phải đóng góp phí môi trường hoặc việc đóng góp sẽ ít đi” - Thiếu tá Nguyễn Duy Linh chia sẻ.

Hình ảnh ngư dân mang rác sinh hoạt từ thuyền lên để “đổi phiếu” xuất bến.

Những ngày vừa qua, có hơn 1 nghìn lượt tàu vào tránh trú bão số 5, số 6 tại âu thuyền Thọ Quang. Với hàng ngàn người ở lại trên tàu đã thải ra lượng rác sinh hoạt không hề nhỏ. Thế nhưng, lượng rác trôi nổi trên mặt nước lại ít hơn trước rất nhiều, một phần vì ngư dân có ý thức không xả rác, một phần họ đã tích cực nhặt rác để không chỉ đổi lấy phiếu mà còn cho môi trường biển thêm sạch.

Và, như đã thành thói quen, trước khi xuất bến, ngư dân lại mang túi rác đi cân để lấy phiếu xuất bến. Ông Nguyễn Văn Nuôi, thuyền trưởng kiêm chủ tàu ĐNa 90586TS sau khi trút rác đã tận dụng lại bao tải mang về tàu. Thấy mọi người thắc mắc, ông Nuôi trả lời: “Tôi lấy bao để đựng rác trong thời gian đi đánh bắt trên biển để hạn chế việc dùng thêm một chiếc bao tải khác. Tôi nghĩ từ giờ cũng không nên vứt gì xuống biển nữa. Mỗi lần bão vào, bờ biển lại ngập rác, đó chẳng là rác chúng ta vứt xuống biển sao?”. Câu hỏi của thuyền trưởng Nuôi khiến những người xung quanh ai ấy cũng suy nghĩ. Đúng là cũng đã đến lúc ngư dân phải biết bảo vệ môi trường biển vì chính cuộc sống của mình.

Bài và ảnh: Trúc Hà (Báo Biên phòng)

Bài dự thi xin gửi về địa chỉ

Email: thukytoasoan.monre@gmail.com
Điện thoại liên hệ: 0243.7738729 (máy lẻ 305)
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài dự thi "Cùng giữ màu xanh của biển": Làm sạch biển vì… chính cuộc sống của mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO